Cử tri Hà Nội góp ý dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính: Tăng mức phạt, rút gọn thủ tục

19/04/2012
Cử tri Hà Nội góp ý dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính: Tăng mức phạt, rút gọn thủ tục
Nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), sáng 18/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về VPHC.

Nhất trí về tính cần thiết phải có Luật XLVPHC, các đại biểu đề nghị cần tăng thẩm quyền xử phạt VPHC cho người trực tiếp ra quyết định xử phạt để tạo điều kiện thực hiện hiệu quả các quy định về XLVPHC như cho phép người vi phạm được nộp phạt trực tiếp (không phải đến kho bạc) đối với một số vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nâng mức phạt thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã lên 5 triệu đồng, giao cho UBND cấp xã có thẩm quyền tháo dỡ những công trình xây dựng không phép trên địa bàn, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi như không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, chống đối người thi hành công vụ; lạng lách, đánh võng, cho phép tịch thu xe đua trái phép... để đảm bảo tính răn đe.

Đặc biệt quan tâm đến trình tự thủ tục xử lý tang vật vi phạm hành chính, các đại biểu cho rằng, hiện nay để thanh lý tang vật vi phạm mất rất nhiều thời gian vì phải thành lập hội đồng thẩm định với sự tham gia của nhiều ban, ngành..., “nhiều tang vật sau khi thanh lý thì giá trị thu được không đủ trả tiền bến bãi” như phản ánh của ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố).

Do vậy, dự thảo Luật nên quy định theo hướng rút gọn thủ tục bằng các quy định cụ thể, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, tài nguyên môi trường; tăng mức xử phạt cao hơn đối với các Thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phối hợp răn đe, xử lý người vi phạm... cũng là những vấn đề được các đại biểu kiến nghị chỉnh lý trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật XLVPHC (do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo) có 6 phần, 146 Điều, dự kiến được được trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sắp tới./.