“Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thực sự thiết yếu, phục vụ quốc kế dân sinh” - Đây là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển về Dự án Luật Giá tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều qua 11/4.
Loại sắt, thép, xi măng khỏi danh sách bình ổn giá
Dự thảo Luật Giá quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm 12 mặt hàng, trong đó có xăng, dầu thành phẩm, điện, muối, sữa, một số mặt hàng thuốc…. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, có ý kiến cho rằng phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá như dự thảo là quá rộng, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu của thị trường. Còn theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mặt hàng có trong danh mục. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. “Nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói thêm.
So với danh mục được đưa ra tại kỳ họp trước, một số mặt hàng như sắt, thép, xi măng đã được loại bỏ khỏi danh mục bình ổn giá. Tuy nhiên, chưa yên tâm với danh mục này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị cân nhắc lại nhóm hàng hóa cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng.
Không nên định giá quá nhiều
Cũng theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trong Luật là cần thiết vì đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Việc quy định cụ thể sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho quản lý và thực thi. Theo dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước gồm 11 nhóm hàng hóa, trong đó có điện, xăng dầu thành phẩm, nước sạch, nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, đất đai…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ rõ lo lắng khi nhìn vào danh mục định giá. “Xăng dầu có thể đưa vào danh mục bình ổn vì lúc nào giá lên cao nhà nước phải can thiệp, nhưng lại đưa vào mặt hàng định giá thì không ổn. Cả nước sạch hiện cũng đã quy định khung giá tối đa tối thiểu, nhà đầu tư đã khó khăn rồi, nếu định giá nữa thì sao? Cần phải rà soát lại bởi danh mục định giá hơi nhiều” - Chủ tịch nói.
Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng không đồng tình với một số loại nhà được đưa vào mặt hàng định giá “Kết cấu một công trình có đến 70% là vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, sắt thép. Hai mặt hàng này đã không đưa vào bình ổn giá thì còn định giá làm gì? Nếu nhà nước chỉ giữ một đầu thì không nên mà để thị trường điều tiết”.
Về các vấn đề này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển tiếp tục phân trần: Hàng hóa, dịch vụ nhà nước định giá dựa trên ba tiêu chí: các mặt hàng dùng ngân sách nhà nước (ví dụ nhà công vụ) hoặc vốn nhà nước chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Thứ hai là yếu tố độc quyền (độc quyền thì định giá nếu không sẽ “bắt chẹt” người mua, ví dụ như điện) và thứ ba là tính thiết yếu của mặt hàng, dịch vụ. “Cả danh mục bình ổn giá và định giá chúng tôi đều muốn thu hẹp, nhưng còn căn cứ vào điều kiện thực tế” - ông Hiển nói thêm.
Bình An
Một trong các biện pháp bình ổn giá, theo Dự án Luật Giá là việc lập Quỹ bình ổn giá. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lập Quỹ bình ổn giá là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ trong Luật về tính chất, việc thành lập, nguồn hình thành, cơ chế quản lý Quỹ. Theo đó, dự thảo mới quy định Quỹ bình ổn giá được hình thành nhằm hỗ trợ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, được hình thành trên cơ sở nguồn lực tài chính khác nhau, việc sử dụng Quỹ sẽ được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chỉ sử dụng trong trường hợp giá hàng hóa, dịch vụ biến động bất thường. |