Ngày 12/4, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức Tọa đàm hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam.
Thảo luận các vấn đề về vị trí, vai trò và thẩm quyền của UBTVQH trong hoạt động giám sát và chất vấn; về cơ sở pháp lý của hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH; việc lựa chọn nội dung chất vấn và người trả lời chất vấn; việc ban hành Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội và UBTVQH…, hầu hết ý kiến đều cho rằng, hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH là rất cần thiết, nhằm thực hiện được yêu cầu giám sát thường xuyên, liên tục, đồng thời khắc phục được tình trạng tập trung quá nhiều chất vấn vào kỳ họp Quốc hội.
Hiện nay, mỗi kỳ họp Quốc hội chỉ bố trí 2 ngày đến 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của 5,6 Bộ trưởng, Trưởng ngành, 1/2 ngày dành cho Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn và Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên chất vấn. Thời gian phiên chất vấn và trả lời chất vấn không thể kéo dài do vậy, không thể đưa hết tất cả các nội dung mà cử tri quan tâm, các chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào phiên chất vấn.
Với tính cần thiết của hoạt động chất vấn tại phiên họp UBTVQH, trong thời gian tới cần phải sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ, hệ thống các quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH, mà trước mắt, cần có quy định về hoạt động chất vấn trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Đồng thời, xây dựng quy trình, thủ tục riêng cho hoạt động này, phù hợp với các quy định chung về hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội, vị trí, thẩm quyền của UBTVQH./.
H.G