Thảo luận tại tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) chiều qua 10/11, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình cao chủ trương tăng mức phạt tiền, và phạt “nặng” ở các thành phố lớn, tuy nhiên một số vẫn tỏ ra băn khoăn vì cho rằng phạt như vậy sẽ không công bằng.
Ủng hộ nâng mức phạt chung
Tại tờ trình hôm 3/11 vừa rồi, Chính phủ cho biết có 2 loại ý kiến về quy định mức phạt tiền cao hơn áp dụng cho một số hành vi vi phạm ở các TP trực thuộc TW. Loại ý kiến thứ nhất giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương; Loại ý kiến thứ hai giao Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung được quy định tại Nghị định của Chính phủ.
“Quan trọng của xử phạt hành chính là có vi phạm phải xử, còn mức độ nặng nhẹ không thành vấn đề” - ĐB Hà Công Long (Gia Lai) bày tỏ quan điểm. Ông Long đề nghị cân nhắc lại xem quy định xử phạt cao như vậy có cần thiết không vì theo ông “ở thành phố còn rất nhiều người lao động tỉnh lẻ, người cư trú ở nơi khác”.
ĐB Long cũng đồng tình cao việc bổ sung trách nhiệm quản lý công tác xử phạt VPHC vì hiện nay mảng việc này đang “để trống” không có ai chịu trách nhiệm, không báo cáo, thống kê trong khi Quốc hội và cử tri đều có yêu cầu được biết về thực trạng công tác này.
Ủng hộ quy định nâng mức phạt tiền nói chung, tuy nhiên ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng đề nghị cần xem xét việc phạt cao hơn ở các thành phố trực thuộc TW, vì theo cách tính toán của ĐB này, thì trong khi mức phạt chung đã được nâng lên, nay lại cao hơn gấp đôi ở 5 thành phố lớn, như vậy có nên không. Ông cũng tỏ ra nghi ngại “phạt cao dễ sinh tiêu cực”.
Tuy nhiên, ĐB Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) và nhiều ĐB khác lại rất tán thành quy định phải phạt nặng, với lý do việc xử phạt hiện chưa nghiêm nên vi phạm ngày càng nhiều, không nên so sánh với mức phạt trong BLHS vì phạt trong Bộ luật này là hình phạt bổ sung. Thực tế, việc xử phạt thí điểm cao hơn ở một số TP lớn đã có những hiệu quả nhất định.
Không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là phù hợp
Thảo luận tại tổ, nhiều ĐB đồng tình việc bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh như tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên, ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) vẫn băn khoăn về quyền “buộc chữa bệnh” của Chủ tịch UBND cấp xã. “Làm sao xã có đủ điều kiện biết bệnh nhân có bệnh, buộc bệnh nhân phải chữa bệnh” và lo ngại về tính khả thi của quy định này.
Trước đó, thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cũng cho biết: cần cân nhắc tính khả thi của quy định bắt buộc chữa bệnh vì trong quá trình khám bệnh, trường hợp phát hiện người bán dâm mắc bệnh lây truyền thì buộc phải chữa bệnh là thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta; nhưng vấn đề này cần làm rõ trường hợp người bán dâm không có tiền thì ai phải trả khoản tiền khám, chữa bệnh cho họ nhằm bảo đảm tính khả thi và công bằng xã hội.
Bình An
Từ 01/5/2012: Tăng lương tối thiểu lên 1.05 triệu/tháng
Sáng qua, với tổng số 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Trong đó, điểm đáng lưu ý nhất là Quốc hội dành khoản ngân sách tương đương 59.300 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với dự toán 2011. Số tiền này sẽ được sử dụng để tăng lương tối thiểu cho người lao động lên 1,05 triệu đồng một tháng kể từ 01/5/2012.
Cũng theo Nghị quyết được thông qua, năm 2012 sẽ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục quan trọng đã được Quốc hội cho phép, xây dựng phương án phân bố cụ thể đối với từng dự án, công trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 31/01/2012. |