Gian lận trong đo lường: Phải xử phạt nặng

05/10/2011
Nhiều hành vi gian lận trong đo lường sẽ bị xử lý tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt như dự thảo luật còn quá nhẹ. Chiều qua (4/10), Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật Đo lường và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Cụ thể, dự thảo luật quy định mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất mà vẫn thấp hơn 5 lần số tiền thu lợi trong suốt quá trình vi phạm thì mức phạt không quá 5 lần số tiền thu lợi đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, bắt quả tang mà xử phạt gấp 5 lần là quá nhẹ. Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc KSo Phước thì không đồng ý việc đưa nội dung xử phạt hành chính vào dự thảo luật mà đề nghị chỉ nêu nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý dự luật cần thể hiện tính nghiêm khắc răn đe nhưng phải phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng được trình ra kỳ họp thứ 2 khai mạc tới đây.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho biết: đa số ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng cần nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường, sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo răn đe, nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm. Việc tính toán số tiền thu lợi bất chính trong đo lường cần quy định rõ hoặc để văn bản dưới luật hướng dẫn nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi, Ủy ban Kinh tế tán thành với dự thảo Luật thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tuy nhiên, Ủy ban này lưu ý để đảm bảo tính khả thi thì cần quy định các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước (nhất là nước phục vụ nhu cầu dân sinh); cần quy định theo nguyên tắc, khai thác nước dưới đất hoặc nước ở những nơi khan hiếm để kinh doanh thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác nguồn nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi vì chưa rõ tiền cấp quyền khai thác nguồn nước đó là… tiền gì. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng tỏ rõ sự băn khoăn: phải xem lại có cần thu loại tiền này không? Nếu nguồn thu này được đầu tư trực tiếp cho bảo vệ tài nguyên nước không phù hợp và không đúng.

Nhiều ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội không bằng lòng vì có quá nhiều nội dung luật giao Chính phủ quy định chi tiết; một số nội dung còn mâu thuẫn; chồng chéo….

Dự án Luật Tài nguyên nước gồm 85 Điều, dự kiến được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tới đây.

Bình An