Hiến kế giữ đất trồng lúa

30/09/2011
Hôm qua 29.9, tiếp tục phiên họp thứ hai, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT) và làng nghề; báo cáo của Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020.

Tuổi thọ dân làng nghề thấp do ô nhiễm

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các Khu kinh tế (KKT) (19 tỉnh, thành phố và 15 KKT) cho thấy “rất ít KKT có khu xử lý nước thải tập trung”. Nhiều cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, thường xuyên xả nước thải chưa xỷ lý ra môi trường vượt tiêu chuẩn cho phép, có nơi đến vài chục lần; ở một số cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ hoạt động khi có đoàn thanh tra, kiểm tra tới làm việc.

Có nhiều nguyên nhân được Đoàn giám sát chỉ ra trong đó phải kể đến là sự yếu kém về chuyên môn trong đội ngũ cán bộ làm quản lý về bảo vệ môi trường, kinh phí vừa ít vừa dàn trải và đặc biệt là việc kiểm tra, thanh tra; xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Về hiện trạng môi trường làng nghề, báo cáo giám sát cho biết: Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Ở các làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không làm nghề.

Trong nhiều kiến nghị gửi đến cơ quan có thẩm quyền, đáng lưu ý là đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế và làng nghề phù hợp với chiến lược phát triển đất nước, vùng miền. Tuy nhiên, vấn đề này theo Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Hằng thì không nên tập trung những làng nghề ô nhiễm vào một chỗ, vì làng nghề vốn gắn với truyền thống làng xã nếu dồn lại sẽ làm mất sự sáng tạo, sức sống của làng nghề.

Ông Hằng cũng “phê” báo cáo giám sát “nặng mô tả”, chưa nêu bật được việc ô nhiễm môi trường tác động như thế nào đến đời sống xã hội trên mọi phương diện.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị báo cáo giám sát cần tập trung vào các giải pháp trong giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường.

Giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực

Báo cáo của Chính phủ về kết quả sử dụng đất thời kỳ 2001- 2010 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Mạnh Hiển trình bày cho biết¨cơ bản đã đạt các chỉ tiêu Quốc hội quyết định, trong đó 33 chỉ tiêu đạt trên 90%, 5 chỉ tiêu đạt từ 70%- dưới 90%, 4 chỉ tiêu đạt từ 60 – dưới 70% và 2 chỉ tiêu đạt dưới 60%.

Đáng chú ý, 10 năm qua đã có 270 ngàn ha đất lúa nước đã được chuyển cho mục đích khác.  Chính phủ cho rằng “vẫn đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực”, tuy nhiên tại một số địa phương tốc độ giảm tương đối nhanh như các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, chủ yếu chuyển sang xây khu công nghiệp, đô thị, Đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả.

Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội 13 chỉ tiêu. Riêng đất trồng lúa tới năm 2020 tổng diện tích giảm còn 3812 ngàn ha (giảm 308 ngàn ha).

 Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ rõ sự băn khoăn với  con số nói trên trong điều kiện nước ta chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, xâm thực mặn trong khi vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực (theo tính toán đến cuối thế kỷ, khi nước biển dâng 75cm thì sẽ ảnh hưởng tới 70% diện tích vùng ĐBSCL và về cơ bản phần lớn diện tích đất lúa của vùng sẽ bị ảnh hưởng).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chung nhận định: bảo đảm giữ đất lúa nhưng phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với các chính sách khác, đặc biệt việc phân bổ ngân sách cho địa phương nếu không sẽ mâu thuẫn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý sau khi phân tích cũng nêu quan điểm: cứ đà tùy tiện như thế này thì không thể giữ được con số 3,8 triệu ha đất lúa…”ta muốn giữ mà nhà đầu tư cứ xin rồi lại phải điều chỉnh, vấn đề ta phải có giải pháp quyết tâm giữ”, ông Lý nói.

Đại đa số ý kiến thường vụ thống nhất với đề xuất của Ủy ban Kinh tế giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,81 triệu ha, tuy nhiên cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp để đảm bảo giữ và tăng hiệu quả sử dụng đất này trong điều kiện hiện nay.

Thu Hằng

Về kế hoạch đưa 1067 ngàn ha đất chưa sử dụng vào khai thác, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần xác định cụ thể chương trình khai hoang, phục hóa và các giải pháp để sử dụng diện tích đất này, đồng thời có biện pháp thu hồi diện tích đất đã giao mà không sử dụng để hoang hóa