Quản lý giá: Nhà nước có nên can thiệp quá sâu?

27/09/2011
So với Pháp lệnh Giá hiện hành, dự thảo Luật Giá quy định bổ sung một số biện pháp quan trọng để bình ổn giá thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết như vậy trong phiên họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều qua 26/9.

Thêm nhiều giải pháp bình ổn giá

Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, quản lý giá được thực hiện theo 2 nguyên tắc. Một là: Nhà nước  thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm và khuyến khích cạnh tranh về giá thông qua các cơ chế: tôn trọng quyền tự do định giá, thoả thuận giá, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Hai là: Nhà nước thực hiện điều tiết giá thông qua các biện pháp kinh tế, hành chính phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích Nhà nước.

Bộ trưởng cũng cho biết: Dự thảo Luật Giá ngoài kế thừa những biện pháp bình ổn giá đã được quy định tại Pháp lệnh Giá hiện hành còn quy định bổ sung một số biện pháp: Các biện pháp về tài chính, tiền tệ; Lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với loại hàng hoá, dịch vụ được hình thành quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; Đăng ký giá.

“Các biện pháp này trên thực tế đã được Chính phủ áp dụng để bình ổn giá thị trường trong những năm vừa qua và đã chứng tỏ là những biện pháp bình ổn giá phù hợp và hiệu quả”, Bộ trưởng Tài chính nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tỏ rõ băn khoăn về thẩm quyền quyết định và công bố các biện pháp bình ổn giá như trong dự thảo. “Việc quyết định các biện pháp bình ổn giá trên phạm vi cả nước phải do tập thể Chính phủ xem xét, quyết định không nên giao trách nhiệm cho cá nhân Thủ tướng. Tương tự như vậy, việc quyết định bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá cũng nên do các Bộ xem xét, quyết định, không nên để do cá nhân Bộ trưởng chịu trách nhiệm như dự thảo đề ra”.

Nhà nước can thiệp quá sâu

Thẩm tra về Dự án Luật giá, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, Dự án luật chưa làm nổi bật những điểm đột phá, những sửa đổi căn bản. Việc quy định vai trò quản lý, sự điều tiết về giá của Nhà nước là cần thiết, tuy nhiên nhiều nội dung của Dự thảo chưa thật sự phù hợp với quy luật thị trường, thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với nhận định này và dẫn chứng, trong 51 điều thì có 15 điều giao cho Chính phủ quy định, do vậy tính minh bạch, công khai chưa được thể hiện rõ và điều này cũng thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo thuyết minh của Bộ Tài chính thì một trong ba nội dung chủ yếu về sự cần thiết ban hành Luật Giá đó là bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường; cụ thể là Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về giá bằng pháp luật, giảm tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động về giá của thị trường và các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và chỉ quy định giá cụ thể đối với hàng hóa, dịch vụ độc quyền, công ích để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với việc để tên Luật Giá như hiện nay vì cho rằng nó quá rộng. Chủ tịch cũng yêu cầu cần xác định rõ mặt hàng nào thuộc diện hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước quy định giá và lưu ý sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và thẩm tra trong quá trình xây dựng dự án luật.

Thu Hằng