Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch 2001-2010 đạt một số kết quả, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy nhiên, thời gian qua, hiện tượng đầu cơ đất đai, nổi cộm về khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai… có tác động mạnh, ảnh hưởng đến tình hình chung.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và môi trường, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa được tính toán khoa học, chưa xác định rõ được trách nhiệm của từng cấp trong việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ đã đề xuất quy hoạch thiếu đồng bộ. Vẫn có tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí đất chuyên trồng lúa nước. Cơ cấu sử dụng đất đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị (chưa đến 13%) và đất dành cho các công trình công cộng còn thiếu, nhất là tại các đô thị lớn…
Chỉ ra những bức xúc trong sử dụng đất hiện nay, GS.Đặng Hùng Võ bình luận, tỷ lệ lấp đầy không cao (mới được hơn 25%) của các khu công nghiệp là một điều đáng xem xét. Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã giao nhiều đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho các doanh nghiệp đã làm cho các khu công nghiệp thừa diện tích. Đây là một tình trạng cần được điều chỉnh kịp thời trong quy hoạch lần này, để không tái diễn việc “động viên các cơ sở sản xuất chuyển ra khỏi đô thị như hiện nay”. Do đó, không nên đặt mục tiêu lấp đầy ngay các khu công nghiệp vì càng vội thì sẽ chỉ được lấp đầy bằng công nghệ thấp như lưu ý của ông Nguyễn Công Tạn (nguyên Phó Thủ tướng).
Trong đất phát triển đô thị, đất ở tại đô thị cũng được các địa phương giao vượt chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Hiện trên địa bàn cả nước đang triển khai hơn 2.500 dự án nhà ở và khu đô thị mới, với 20-25 triệu m2 nhà ở tăng lên mỗi năm. Đây chính là phân khúc hấp dẫn nhất của thị trường bất động sản, mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chỉ tiêu này cũng cần được Quốc hội giám sát chặt chẽ để tránh mất cân đối cung cầu trong thị trường nhà ở.
Ngay trong quy hoạch thủy điện chưa thực sự phù hợp với kế hoạch phòng chống lũ, xây dựng sân bay cũng có khả năng sử dụng đất lãng phí, các dự án sân golf và resort thường bị lợi dụng để “ngốn” đất. “Nếu không quyết đoán trong quy hoạch thì thực tế sẽ có nhiều chuyện phức tạp” – GS.Đặng Hùng Võ lưu ý.
Liên quan đến an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu, TS.Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho rằng, Chính phủ nên dần từ bỏ kiểm soát hành chính đối với sử dụng đất nông nghiệp. Trong những năm tới, nỗ lực “bảo vệ đất lúa” có thể có trọng tâm hẹp hơn, có thể bao trùm từ 3 đến 3,3 triệu ha (thay vì 3,8 triệu ha) và hiện đại hóa chuỗi giá trị lúa gạo có thể bao gồm nỗ lực xúc tiến đa dạng hóa theo chiều dọc, hỗ trợ người nông dân để cải thiện hiệu quả và nắm bắt nhiều hơn giá trị gia tăng.
TS.Lê Tuyển Cử (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, các khu kinh tế, khu công nghiệp cho thuê được 80% là thành công (có thể mất 10 năm, trừ các trường hợp đột biến thì chỉ mất 2-3 năm). Tại khác vùng trung du, miền núi, nơi có đất rộng, người thưa, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng cũng thiếu các yếu tố hỗ trợ (như hạ tầng cơ sở, xa các trung tâm…) để thu hút các nhà đầu tư đến thuê đất.
TS.Lý Huy Tuấn (Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông vận tải – Bộ Giao thông vận tải), hiện chưa có đánh giá về sử dụng đất trong giao thông vận tải nhưng đất cho giao thông đô thị đạt tỷ lệ thấp (Hà Nội, TP.HCM chỉ đạt 7-9%, trong khi ở các nước tỷ lệ là 20-25%, đất cho giao thông tĩnh dưới 1% so với yêu cầu là 3-5%). Giao thông nông thôn còn nhiều khó khăn, hiện còn trên 300 xã (46 xã cù lao) chưa có đường ô tô đến trung tâm xã… Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu sử dụng đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông là 757.000 ha, giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 1,26%/năm.
Giải pháp sử dụng đất cho giao thông có hiệu quả là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông khối lượng lớn ở các đô thị, tốc độ cao ở ngoài đô thị, tận dụng quỹ đất hiện có để khai thác hợp lý cho các loại hình GTVT, không sử dụng đất nông nghiệp phì nhiêu, màu mỡ, có sản lượng cao vào mục đích công cộng nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong thời gian tới, nhất là ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long.
H.Giang