Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế

05/09/2011

Thực hiện khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, cán bộ và viên chức pháp chế.

Dự thảo Quyết định gồm 5 điều, với những nội dung cụ thể như sau:

1. Về đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề

Căn cứ điểm b, khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ việc áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế, bao gồm:

- Công chức pháp chế chuyên trách ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân cấp tỉnh;

- Cán bộ pháp chế chuyên trách ở các đơn vị thuộc lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân;

- Viên chức pháp chế chuyên trách ở đơn vị sự nghiệp công lập.

Để giải quyết vấn đề thực tế đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế mà chưa có đủ tiêu chuẩn về trình độ cử nhân luật theo khoản 1 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, khoản 2 Điều 17 của Nghị định quy định những người này sau 5 năm (kể từ ngày Nghị định có hiệu lực) phải có đủ tiêu chuẩn. Phù hợp với các quy định này, khoản 2 Điều 4 dự thảo Quyết định quy định việc áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho những người chưa đủ tiêu chuẩn trong vòng 5 năm; sau thời hạn này, nếu họ không đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn thì sẽ không tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.

2. Về mức và cách tính phụ cấp ưu đãi theo nghề

a. Theo điểm b, khoản 8 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, thì phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm 10 mức (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50%). Căn cứ tình hình thực tế là người làm công tác pháp chế đã và đang được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới quan trọng nhưng cũng rất khó khăn và thách thức, kết quả đóng góp của công pháp chế có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, dự thảo Quyết định quy định người làm công tác pháp chế được hưởng theo 3 mức 20%, 25% và 30%, trong đó đối tượng hưởng theo các mức này cụ thể như sau:

- Công chức, viên chức pháp chế chuyên trách ngạch chuyên viên và tương đương, cán bộ pháp chế là hạ sĩ quan quân đội nhân dân và công an nhân dân được hưởng mức 30%;

- Công chức, viên chức pháp chế chuyên trách ngạch chuyên viên chính và tương đương, cán bộ pháp chế là sĩ quan quân đội nhân dân và công an nhân dân được hưởng mức 25%;

- Công chức, viên chức pháp chế chuyên trách ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương được hưởng mức 20%;

Riêng đối với nhân viên pháp chế chuyên trách ở các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, khoản 4 Điều 3 dự thảo Quyết định quy định mang tính khuyến khích các doanh nghiệp vận dụng các mức phụ cấp ưu đãi theo nghề áp dụng cho công chức, cán bộ, viên chức pháp chế để quyết định mức phụ cấp đối với nhân viên pháp chế doanh nghiệp.

b. Cách tính phụ cấp

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, khoản 5 Điều 3 dự thảo Quyết định đã quy định việc tính phụ cấp ưu đãi theo nghề cho những người làm công tác pháp chế theo mức lương ngạnh, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của từng đối tượng.

3. Nguồn kinh phí chi trả

Điều 3 dự thảo Quyết định xác định nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho những người làm công tác pháp chế như sau:

- Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho cán bộ, công chức, viên chức pháp chế do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành và sẽ được đơn vị quản lý cán bộ, công chức, việc chức dự toán chung vào sự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí, biên chế thì kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề được lấy từ nguồn kinh phí tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Riêng đối với các doanh nghiệp nhà nước, phụ cấp ưu đãi được đảm bảo từ các nguồn thu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về tài chính doanh nghiệp.

4. Về thời điểm áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011; do vậy để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp dự thảo Quyết định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề được áp dụng kể Nghị định 55/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi, Điều 5 dự thảo Quyết định đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể; đồng thời giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với những người làm công tác pháp chế. 

Vụ VĐCXDPL