“Bạo lực gia đình (BLGĐ) và đối xử bất bình đẳng về giới là những vấn đề cần được giải quyết để khắc phục tình trạng bạo lực trên cơ sở giới”. Kết luận đã được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống bạo lực giới do Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha phối hợp với Chương trình chung của Liên hợp quốc về phòng chống bạo lực giới tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/8 tại Hà Nội.
Thiếu “sức mạnh” vì… luật
Từ khi Luật BĐG, Luật Phòng chống BLGĐ ra đời đã hạn chế được những hành vi ngược đãi, xâm hại phụ nữ, buôn bán phụ nữ và trẻ em…. “Song tình trạng bất bình đẳng, bạo lực trong gia đình chưa bị đẩy lùi; tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, lạm dụng tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp” như nhận định của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và phát triển (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam).
Đó là thực trạng ai cũng dễ dàng nhận thấy và là kết quả của việc thực hiện các chính sách đảm bảo BĐG vẫn đang phải đối mặt với các thách thức. Kết quả nghiên cứu về bạo lực trên cơ sở giới do Liên hợp quốc tại Việt Nam tiến hành đã chỉ ra, những thách thức chính trong việc thực thi chính sách BĐG chính là kinh phí, sự phối hợp và giám sát.
Ngoài ra, bản thân “khung pháp lý” với hệ thống qui định pháp luật “dày đặc” về bạo lực giới cũng cần được hướng dẫn rõ ràng và hiệu quả hơn. Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) nhận thấy, các văn bản pháp luật liên quan đến giải quyết bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam chưa định nghĩa rõ một số hình thức bạo lực như quấy rối, cưỡng bức tình dục hoặc có đề cập trong Luật Phòng chống BLGĐ nhưng chỉ nêu các biện pháp phạt tiền và “phạt hành chính”.
Do đó, để truy tố tội danh này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải vận dụng một số điều khoản khác của Bộ luật Hình sự. Song thực tế, do không có định nghĩa rõ ràng khiến việc xác định hành vi vi phạm thuộc loại này mang tính hình sự hay dân sự, cũng như việc áp dụng các tội danh khác ngòai tội bạo hành về thân thể hoặc bạo hành nghiêm trọng về tinh thần trong một vài trường hợp là rất khó khăn….
Và “lơ mơ” về trách nhiệm
Cho tới nay, vẫn chưa có nghiên cứu phân tích chi phí nào xác định được bao nhiêu tiền để thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ, Luật BĐG và Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán người trên qui mô cả nước.
Các văn bản hướng dẫn hiện giao cho các cơ quan nhà nước cấp tỉnh và địa phương trách nhiệm trang trải kinh phí cho các hoạt động phòng, chống bạo lực. Việc thực thi các qui định pháp luật hiện hành cần có nguồn lực lớn về tài chính và nhân lực với rất nhiều chi phí như cung cấp dịch vụ trợ giúp cho các nạn nhân, trong đó có dịch vụ tư vấn, nhà tạm lánh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kinh tế… Đặc biệt là tạo ra các thay đổi về mặt thiết chế để lồng ghép vấn đề BĐG và bảo đảm an toàn cho các nạn nhân bị bạo lực.
Với nguồn ngân sách TƯ phân bổ cho địa phương, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống bạo lực, bảo đảm BĐG “sẽ không cân đối, tùy thuộc vào nguồn kinh phí nhiều hay ít và vào mức độ ưu tiên mà chính quyền cấp tỉnh dành cho công tác này”. Vì thế, có những tỉnh có mức thu nhập thấp thường phân bổ không đầy đủ kinh phí cho công tác phòng chống BLGĐ, bảo đảm BĐG.
Mặc dù việc thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ và Luật BĐG là trách nhiệm chung của mỗi Bộ cho đến mỗi công dân, nhưng với các qui định phân tán về trách nhiệm hiện nay thì trong một số trường hợp vẫn là một hạn chế đối với việc thực thi có hiệu quả 2 đạo luật này. Các Bộ, ngành chỉ “chịu trách nhiệm về những khía cạnh khác nhau” của công tác phòng chống bạo lực giới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự an toàn của phụ nữ và các chuẩn mực nhằm thúc đẩy BĐG.
Và để tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện BĐG, từng bước thu hẹp khoảng cách về giới…, ThS.Vũ Ngọc Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, cần tăng cường việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện hoạt động BĐG, các trường hợp vi phạm pháp luật về BĐG, cũng quan trọng như đẩy mạnh công tác lãnh đạo và thông tin, tuyên truyền về vấn đề này./.
Huy Anh