Trình bày Tờ trình về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý cho biết: UBTVQH đề nghị một số định hướng lớn trong sửa đổi lần này, đó là: về chế độ chính trị; kinh tế; văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; về tổ chức bộ máy nhà nước và kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng trình bày tờ trình Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo Tờ trình, Ủy ban này sẽ do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban, một Phó chủ tịch Ủy ban là Phó Chủ tịch Quốc hội. 25 thành viên còn lại sẽ gồm chủ chốt các cơ quan Đảng, nhà nước, Bộ ngành như Thường trực Ban Bí Thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo, Bộ trưởng: Tư pháp, Công an, Nội vụ, quốc phòng…
Sửa quy định về tổ chức bộ máy nhà nước là cơ bản
Nhất trí cao việc sửa đổi Hiến pháp 1992, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền , Hà Nội cho rằng nước ta đã qua 4 lần sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp 1992 chủ yếu đổi mới toàn diện kinh tế, văn hóa xã hội và quyền cơ bản của công dân, còn bộ máy nhà nước vẫn giữ theo mô hình trước đó. “Trong lần sửa đổi này, tôi đề nghị trọng tâm là sửa đổi những quy định về bộ máy nhà nước theo hướng giải mã cho được nguyên tắc tập trung quyền lực thống nhất thuộc về nhân dân”. Liên quan thành phần Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, ông Quyền cho rằng: Cần phải có sự tham gia của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, và nên bổ sung thành phần đó vào Ủy ban này.
Tán thành với ĐB Quyền, Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) bổ sung: nếu chỉ sửa riêng quy định về bộ máy nhà nước chưa đủ, phải xem xét đến các quy định của các tổ chức trong hệ thống chính trị như Đảng, Mặt trận, các đoàn thể.
Chung quan điểm, nhưng ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) lưu ý thời gian tổng kết hiến pháp trong 4 tháng có đảm bảo không? Đặc biệt, theo dự kiến dự thảo Hiến pháp lần đầu phải trình vào tháng 10/2012, khoảng thời gian đó là quá ngắn.
Không thể có “nhà nước Trung ương” và nhà nước “địa phương”
Một trong những quan điểm sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là phải căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng.
Quan điểm này được nhiều ĐB đồng tình. ĐB Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) khẳng định: những vấn đề có tính nguyên lý, Hiến pháp phải phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng XI. Việc sửa một số điều hay sửa toàn diện phải trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992.
Một trong những nhược điểm của Hiến pháp 1992, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) là có nhiều quy định quá cụ thể, dẫn đến những vướng mắc trong thực hiện bởi khi cần rất khó thay đổi. Đơn cử như việc QH bầu Tổng kiểm toán, 1 mô hình mới mà Hiến pháp không quy định cũng không cấm, trong khi quy định rõ các chức danh khác. “Nên quy định những nguyên tắc lớn. Bên cạnh đó, một số vấn đề cần quy định có tính định hướng”, ĐB Cường đề nghị.
Nói đến vấn đề bảo vệ Hiến pháp, ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) chỉ ra rằng, thực tiễn thi hành Hiến pháp hiện có nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. “Nên thành lập cơ quan chuyên trách ví dụ Tòa Hiến pháp hoặc Thanh tra của QH để phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm Hiến pháp”, ông Đăng nói.
Cho rằng, trong lần sửa đổi này cần tập trung sửa đổi những quy định về tổ chức nhà nước và phải nói rõ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) có hai đề nghị trong đó có sửa đổi quy định về tổ chức chính quyền địa phương. “Cần nâng cao tính tự chủ của chính quyền địa phương, một nhà nước chỉ có một quyền lực, không thể có nhà nước TW và nhà nước địa phương. Hiến pháp sửa đổi tới đây phải giải quyết cho được vấn đề này”, ông Lịch đề nghị
Cuối giờ chiều qua, cũng trong phiên họp tại Hội trường, QH đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông.
Nhóm PV
“Phấn đấu trình QH dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần thứ nhất vào kỳ họp cuối năm 2012, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân khoảng 2 tháng, từ tháng 3 đến tháng 4/2013. Tiếp đó, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của nhân dân và các ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua.”
(Tờ trình của UBTVQH) |