Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: “Trước mắt phải tập trung sức kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống của nhân dân”

04/08/2011
Hôm qua (3/8), tại phiên họp toàn thể, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu nhậm chức.

Chính phủ mới gồm 27 thành viên

4 Phó Thủ tướng mới được bầu của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII là các ông: Hoàng Trung Hải; Nguyễn Thiện Nhân; Nguyễn Xuân Phúc; Vũ Văn Ninh

Quốc hội đã phê chuẩn chức vụ các Bộ trưởng: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang; Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Lao động -Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Quốc hội cũng đã phê chuẩn: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

 Kiên định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền

Phát biểu nhậm chức, thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng cám ơn Quốc hội đã tiếp tục bầu ông đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ và đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các chức vụ trong Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII (2011 - 2016). Thủ tướng khẳng định, đây là vinh dự lớn đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó.

 Thủ tướng Chính phủ cũng cam kết “nguyện trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nguyện làm việc để xứng đáng là cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước. Chúng tôi xem đây là trách nhiệm chính trị cao nhất và nghĩa vụ thiêng liêng của mình”.

Một trong những  nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ theo người đứng đầu Chính phủ là nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, đặc biệt là 3 khâu đột phá Chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Trước mắt phải tập trung sức thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo giảm bớt khó khăn cho người nghèo, người có thu nhập thấp và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đồng thời triển khai thực hiện kiên định và đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; hợp tác bình đẳng cùng có lợi với tất cả các nước; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì sự phồn vinh cho mỗi quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Góp phần thiết thực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy giao phó, Thủ tướng Chính phủ khẳng định “nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tập trung sức xây dựng hệ thống hành chính nhà nước, trước hết là Chính phủ trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực hiệu quả; góp phần thiết thực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, đúng pháp luật và có hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và ngăn ngừa, khắc phục quan liêu.

Thủ tướng cũng hứa: chúng tôi sẽ kế thừa những kinh nghiệm quý báu và truyền thống tốt đẹp của các Chính phủ tiền nhiệm. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, cùng nhau chung sức xây dựng một Chính phủ đoàn kết nhất trí, phát huy tốt nhất vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và của mỗi thành viên Chính phủ; hành động kiên quyết và sáng tạo, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng “nguyện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thực sự là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.”

Nhóm PV

 

Các thành viên Chính phủ: Cam kết quyết liệt hành động trong nhiệm kỳ mới

Hôm qua 3/8, ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn nhân sự Chính phủ khóa mới, bên hành lang kỳ họp, nhiều thành viên Chính phủ đã có cuộc trao đổi cởi mở với báo chí về kế hoạch hành động cũng như tâm tư, nguyện vọng trên cương vị mới được tin tưởng giao phó.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng:  “Ưu tiên cho hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về xây dựng”

Nhiệm kỳ mới, có nhiều lĩnh vực cần ưu tiên giải quyết: Thứ nhất là hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan đến xây dựng. Hiện nay, pháp luật trong lĩnh vực này đã có nhiều, nhưng chúng ta phải rà soát lại xem cái gì phù hợp, cái gì chồng chéo, cái gì còn thiếu thì phải cắt bỏ và bổ sung. Có rà soát Bộ mới biết cái gì thuộc thẩm quyền điều chỉnh, cái gì cần tham mưu cho Chính phủ, QH để đề xuất những chính sách phù hợp.

Thứ hai là vấn đề quy hoạch đô thị, đây là vấn đề khó và phức tạp nhưng cần tăng cường quản lý. Trong đó đặc biệt là quản lý đầu tư xây dựng trong đô thị, để đô thị thực sự xứng tầm với mong muốn của người dân được sống trong đô thị chất lượng cao và hạnh phúc hơn.

Thứ ba, tập trung phát triển nhà ở, đây là một lĩnh vực mà Bộ Xây dựng được Chính phủ phân công, QH giao phải làm tốt lĩnh vực nhà ở. Cần tập trung nhà ở xã hội, cho nhiều đối tượng trong đó những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa không làm ra tiền nhưng làm sao vẫn có nhà để ở. Hiện nay nhà ở dạng này nhà nước đã làm rồi nhưng tôi vẫn nhấn mạnh cần tập trung bằng giải pháp cụ thể./.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: “Chỗ nào bức xúc thì tập trung giải quyết trước”

Trong nhiệm kỳ này sẽ tập trung giải quyết ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giải quyết vấn đề tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Điều này, Thủ tướng Chính phủ đã nêu, Bộ GTVT tập trung để thực hiện.Nhưng thực hiện một cách tăng tốc hơn, quyết liệt hơn.

Để thực hiện giải pháp đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng thì ngành  giao thông phải xây dựng cơ chế đột phá. Trước hết là đột phá cơ chế huy động nguồn lực, phương thức đầu tư, hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư dự án. Và xây dựng được cơ chế đột phá này sẽ là cơ sở để thực hiện các giải pháp đột phá. Các cách đầu tư BOT, BT là phù hợp vì không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước hết được. Nhưng với ta nó chưa hấp dẫn thì sắp tới cần có những cơ chế để các hình thức này hấp dẫn hơn.

Phương châm của tôi là chỗ nào bức xúc thì phải tập trung giải quyết trước. Nhưng nhiều bức xúc thì phải ưu tiên chỗ bức xúc nhiều hơn. Hai thành phố lớn có ùn tắc giao thông thì phải tập trung giải quyết trước, cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ. Chúng ta phải có cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng với ngành giao thông cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng; hạn chế phương tiện vận tải cá nhân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này. Đối với người tham gia giao thông cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm. Tóm lại có cơ chế đồng bộ để giải quyết ùn tắc giao thông như đối với an toàn giao thông”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: “Khó khăn mà đồng thuận thì sẽ thành công”

Ở vị trí có nhiều lĩnh vực rất “nhạy cảm” nhưng tôi tin tưởng với slãnh đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, và tập thể ngành thanh tra nói chung, Thanh tra Chính phủ nói chung, với sự phấn đấu, quyết tâm của mình thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tại bây giờ tôi chưa thể nói được gì về kinh nghiệm, những việc sắp tới. Tôi tin mọi việc dù khó khăn mà quyết tâm cao, đoàn kết tốt, hiệp lực, đồng thuận thì sẽ thành công. Tuy nhiên, quá  trình phấn đấu sẽ qua nhiều khó khăn, gian nan chứ không phải dễ dàng, đó cũng là thử thách để cho mình kinh nghiệm, sự trưởng thành mới, làm sao mình phục vụ nhân dân tốt hơn.

Tôi mới nhận nhiệm vụ chưa nắm hết. Nhưng tôi thấy rằng thách thức cũng nhiều, song cũng có những thuận lợi. Đó là nền tảng công tác thanh tra trước đây, rồi có đội ngũ giàu kinh nghiệm, rồi có luật thanh tra mới ban hành. Do đó, tôi tin tưởng sẽ giúp thêm thẩm quyền, tính độc lập và yêu cầu

phát triển cho ngành, công việc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam: “Phải trên dưới một lòng”

Văn phòng Chính phủ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng nhiệm vụ trong tâm là phát huy trí tuệ không chỉ của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành và còn cả các địa phương trên dưới một lòng theo đúng quy trình cả pháp luật để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ mà Thủ tướng đã nêu.

Nói đến cải cách hành chính không phải chỉ riêng cơ quan nào mà các ngành đều chung tay. CCHC là cả một quá trình, nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã đạt được những tiến bộ một cách rõ rệt trực tiếp liên quan đến đề án 30. Nhưng chúng ta đều biết đây chỉ mới là các giai đoạn ban đầu, còn trong các giai đoạn tiếp theo phải luôn luôn tích cực hơn nữa. Bởi vì, CCHC để tháo gỡ mọi rào cản phát triển sản xuất, là yêu cầu tất yếu là đòi hỏi rất cao của các doanh nghiệp và cả người dân

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: “Tập trung làm tốt đường lỗi đối ngoại đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng”

Công tác đối ngoại rất quan trọng. Chúng tôi tập trung làm tốt đường lối đối ngoại đã được đề ra tại Nghị quyết ĐH XI của Đảng, đó là đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ giữa VN với các nước, đặc biệt là nâng quan hệ của VN với đối tác lớn theo chiều sâu, có hiệu quả, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Có lẽ rất nhiều thách thức khi mà chúng ta đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thì phải thể hiện nội hàm quan hệ chiều sâu là gì, có thể nói trước đây chúng ta mở rộng quan hệ với các nước trên các lĩnh vực. Nhưng thời gian tới quan hệ chúng ta với các nứoc như thế nào, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trong đó trên những lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh thì chúng ta tiếp tục tăng cường thúc đẩy quan hệ với các nước.

Với tình hình như thế, khi ta chủ động tham gia hợp tác quốc tế, phải xử lý những vấn đề không chỉ liên quan lợi ích của chúng ta mà cả vấn đề liên quan lợi ích các nước như thế nào đảm bảo hài hoà.

Trong vấn đề biển Đông, chúng ta đã khẳng định rõ chủ trương đó là giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng, hòa bình trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về luật biển cũng như tuyên bố ứng xử biển Đông DOC, tiến tới xây dựng quy tắc ứng xử DOC. Quan trọng nhất là làm sao bảo vệ chủ quyền chúng ta nhưng đảm bảo duy trì môi trường hòa bình, ổn định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Càng tín nhiệm thì càng áp lực”

Áp lực lớn nhất với tôi Nhà nước và dân càng tín nhiệm càng áp lực. Nhưng bây giờ việc tuân thủ kết luận kiểm toán ngày càng tốt lên, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 33 về tăng cường kỷ luật tài khóa và thực hiện kết luận kiến nghị KT và thanh tra, thể chế, Văn bản mà KTNN kiến nghị bổ sung nhiều, tất cả các kiến nghị được các cơ quan nhà nước tiếp thu kịp thời nghiêm túc. Hàng năm danh mục văn bản được tiếp thu sửa đổi ban hành, rất nhiều. Văn bản đang nằm trên bàn cũng rất tích cực được xem xét

Bên cạnh đó, việc xử lý tài chính ngày càng tốt hơn,. Ví dụ năm ngân sách tài chính 2009 đang được trình QH, trên 80% đã thực hiện. Tính rộng hơn theo tiêu trí của KT thì đã đạt con số trên 69%, đó là tỷ lệ rất cao. Số còn lại chưa thực hiện do một số đơn vị do khó khăn. Kết luận kiến nghị truy thu của cá nhân cũng phải từ từ vì phải trừ vào lương. Phải có thời gian. Nhìn chung ý thức tôn trọng, chấp hành kết luận, kiến nghị của KT , thanh kiểm tra nói chung tốt hơn và đó là thuận lợi rất lớn cho công tác KT.

Trong thành công của ngành, có sự đóng góp của báo chí. Dù ở cương vị nào tôi cũng muốn báo chí luôn đồng hành với tôi và lĩnh vực tôi phụ trách, cả trong hoạt động giám sát…”

Bình An (ghi)