Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam: Thước đo trách nhiệm luật sư

14/08/2011
Sáng qua (11/8), Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam đã long trọng công bố Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam - một văn bản có ý nghĩa quan trọng để giới LS ý thức một cách đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm nghề nghiệp, cũng như xây dựng đội ngũ LS có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức liêm chính trong sáng, đáp ứng các yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý cho cộng đồng xã hội.

Hành lang về các quy tắc xử sự khi hành nghề

Nhận thức được việc giám sát đạo đức nghề nghiệp LS là hết sức quan trọng, nhằm góp phần vào việc xây dựng sự lớn mạnh của đội ngũ LS Việt Nam, tạo lập được niềm tin của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội vào LS và nghề LS, Liên đoàn LS Việt Nam đã xây dựng Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS để làm cơ sở cho đội ngũ LS có hành lang về các quy tắc xử sự khi hành nghề.

Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, gồm 6 chương và 27 quy tắc, không bao hàm hết tất cả các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS trong quá trình hành nghề, nhưng tạo dựng hành lang và một bộ khung quy tắc trong các quan hệ hành nghề của LS.

Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS là thước đo về hành vi xử sự của LS trong các quan hệ hành nghề. Thể hiện ý thức trách nhiệm của LS khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhằm xây dựng những giá trị chuẩn mực của LS. Phó Tổng Thư ký LĐLS Việt Nam LS.Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: “Qui tắc được ban hành để toàn thể đội ngũ LS Việt Nam ý thức một cách đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm nghề nghiệp đối với xã hội; xây dựng sự tôn trọng của xã hội và công chúng đối với những đóng góp và những cam kết phục vụ lợi ích cộng đồng, bảo vệ công lý, công bằng xã hội của LS; nâng cao vị thế và ảnh hưởng của LĐLS Việt Nam”.

Việc thực hiện nghiêm túc đầy đủ các Quy tắc sẽ giúp cho LS cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng đáp ứng các yêu cầu của xã hội sử dụng dịch vụ pháp lý của LS, cũng như hạn chế các tiêu cực, rủi ro làm mất uy tín, danh dự của LS, tạo dựng được niềm tin của Nhà nước, cộng đồng xã hội với LS, nghề LS.

Đạo đức góp phần quyết định thành công

Phó Tổng thư ký LĐLS LS. Nguyễn Minh Tâm cho rằng, danh dự, uy tín, trạng thái tích cực hay tiêu cực trong hoạt động nghề nghiệp của LS gắn liền với quá trình thực hiện mối quan giữa LS với khách hàng. Do vậy, tính chất đạo đức trong hành vi ứng xử của LS có thể nói là bản chất của mối quan hệ này, là một trong những yếu tố góp phần quyết định sự thành công trong nghề nghiệp của LS.

Quy tắc yêu cầu LS phải đảm bảo giữ bí mật thông tin của khách hàng khi tiến hành và sau khi hoàn thành dịch vụ pháp lý, không được xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng hoặc thực hiện những hành vi trái pháp luật… Và LS nhất thiết không được “để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề LS” hay “lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng”…

Trong quá trình hành nghề, LS cũng phải biết coi trọng uy tín, danh dự của đồng nghiệp như của chính mình. LS chỉ được thực hiện các biện pháp cạnh tranh nghề nghiệp lành mạnh theo qui định của pháp luật, Điều lệ của LĐLS và Quy tắc. Khi có tranh chấp quyền lợi, LS phải thể hiện thện chí thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp.

Đặc biệt, Quy tắc cũng đề cập đến những việc LS không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp như: dùng thủ thuật để gây bất lợi cho đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình, thông đồng với LS của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình, môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để hưởng “hoa hồng”…

Thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về LS và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, LS và nghề LS mới thực sự được xã hội yêu quí và tôn vinh, tăng cường niềm tin của khách hàng và công chúng đối với LS, cũng nhau góp phần thúc đẩy nghề LS Việt Nam phát triển.

Huy Anh

Chủ tịch LĐLS Việt Nam LS.Lê Thúc Anh: “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam sẽ là điểm tựa hết sức quan trọng để LS tự tin khi hành nghề và xác định được ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp với cộng đồng xã hội. Đó cũng là những công cụ để Liên đoàn LS Việt Nam, các Đoàn LS thực hiện chế độ tự quản về LS và cũng là phương tiện để nhân dân và cộng đồng xã hội cùng giám sát hoạt động nghề nghiệp của LS”.

 

Vi phạm các quy tắc này, LS sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo mức độ vi phạm theo qui định của Luật LS và Điều lệ LĐLS Việt Nam, gồm khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ hành nghề 6-12 tháng, xóa tên khỏi danh sách ĐLS.

Tuy nhiên, LS.Lê Minh Tâm cho biết, trong Quy tắc có những hành vi chỉ mang tính khuyến khích thực hiện, nên nếu có vi phạm thì có thể xử lý bằng hình thức nhắc nhở, kiểm điểm. Những hình thức này sẽ được xem xét để có thể bổ sung vào Quy chế xử lý (đang dự thảo) áp dụng chung trong cả nước.

Ủy ban Giám sát đạo đức, khen thưởng, kỷ luật LS của LĐLS Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện Quy tắc và việc xử lý vi phạm do các ĐLS thực hiện.