Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương: Tổ chức hội thảo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách Tư pháp

07/04/2011
Trong 2 ngày 01 và 02/4/2011, tại TP.Nha Trang, Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp (CCTP) Trung ương đã tổ chức Hội thảo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ông Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương đã chủ trì Hội thảo.

Với quan điểm: Hội thảo là diễn đàn đóng góp ý kiến cả trên phương diện lý luận và thực tiễn nhằm giúp cho Ban chỉ đạo CCTP Trung ương đánh giá đúng tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020; trong hai ngày diễn ra Hội thảo đã có hơn 20 tham luận và ý kiến trao đổi của đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương tập trung vào các nội dung: khẳng định việc ra đời Nghị quyết 49-NQ/TW là văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, đánh dấu thời điểm quan trọng về CCTP, đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Chất lượng công tác Tư pháp qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, giám định đã được nâng lên rất nhiều, một số lĩnh vực thực hiện xã hội hóa bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực.... Bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ cho cán bộ công chức thuộc cơ quan tư pháp còn thấp; văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất pháp luật còn thiếu và chưa kịp thời; công tác cán bộ vẫn còn thiếu và yếu, nhất là ở vùng sâu vùng xa; hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức....

Ở địa phương, trong 5 năm qua, chất lượng các mặt công tác tư pháp từ bắt, giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động hỗ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tiến bộ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ xử lý hình sự trong bắt, giam giữ được nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm thủ tục tố tụng, hạn chế oan sai; công tác giải quyết án được đẩy mạnh, hạn chế tối đa án tồn đọng quá hạn luật định; trình tự, thủ tục xét xử các vụ án được thực hiện chặt chẽ theo đúng tinh thần CCTP.... Công an các địa phương đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cơ quan An ninh điều tra đã thụ lý điều tra 5.151 vụ án/11.823 bị can, cơ quan Cảnh sát điều tra đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm; công tác bắt, tạm giam, giữ, bảo vệ phiên tòa, thi hành án tử hình, áp giải bị can, bị cáo đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Viện Kiểm sát nhân dân các địa phương trong 5 năm qua đã truy tố 253.694 vụ, chất lượng truy tố được nâng lên, số bị can bị khởi tố, truy tố oan giảm nhiều. Công tác xét xử của Tòa án nhân dân ở các địa phương có nhiều chuyển biến tiến bộ. Trình tự, thủ tục xét xử các vụ án được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tính dân chủ trong hoạt động xét xử được đề cao, quyền của bị cáo, luật sư, đương sự được đảm bảo, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao.... Kết quả thi hành án dân sự ở các địa phương trong 5 năm qua có chuyển biến mạnh mẽ, tỷ lệ thi hành xong có xu hướng tăng. Công tác thi hành án hình sự được tổ chức nghiêm túc, bảo đảm an toàn, đúng pháp luật....

Về phía cơ quan Trung ương, từ năm 2005 - 2010, số lượng các dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực Tư pháp được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội có 40 dự án, chiếm tỷ lệ 14,34%.  Công tác xây dựng các văn bản dưới luật trong lĩnh vực tư pháp đã được triển khai kịp thời hơn trước, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.... Công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử, giải quyết các vụ án, thi hành án đều có nhiều tiến bộ. Tổ chức và bộ máy các cơ quan tư pháp đã được kiện toàn, củng cố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp được hoàn thiện theo đúng chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, góp phần phát triển số lượng và nâng cao chất lượng phục vụ, tạo nên sức sống mới cho các tổ chức bổ trợ tư pháp, giúp người dân dễ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ pháp lý hơn trước. Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tính đến tháng 9/2010, cả nước đã thành lập 62 Đoàn Luật sư, có gần 2.750 tổ chức hành nghề Luật sư với hơn 6.250 Luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề Luật sư. Cả nước có 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm pháp y và 16 Phòng Giám định pháp y; 11/63 tỉnh thành lập Trung tâm giám định pháp y tâm thần. Hiện nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng, 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Văn phòng Công chứng theo mô hình xã hội hóa (tính đến tháng 10/2010 cả nước có 363 tổ chức hành nghề công chứng gồm 134 Phòng Công chứng và 229 Văn phòng Công chứng với gần 800 Công chứng viên)....

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã hoan nghênh các ý kiến góp ý và tham luận của đại biểu, đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo CCTP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ý thức rõ hơn về CCTP, quan tâm đến công tác CCTP để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình, góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là cần quan tâm củng cố Ban Chỉ đạo CCTP để thực hiện tốt Nghị quyết 49-NQ/TW.

Được biết, Hội thảo được Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam (Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc - UNDP) hỗ trợ. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương sẽ tổ chức thêm hai Hội thảo khu vực ở phía Bắc và phía Nam để hoàn chỉnh Báo cáo trước khi tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm về thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW.

H.D