Giám sát án tham nhũng còn “lỏng”

06/04/2011
Công tác giám sát của Ủy ban Tư pháp dù đã được tăng cường nhưng trong điều kiện đa số thành viên hoạt động kiêm nhiệm nên vẫn còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; nhất là trong giám sát khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là đánh giá của Ủy ban Tư pháp sau một nhiệm kỳ hoạt động (2007-2011).

Phát hiện luật “hở” qua xử lý đơn thư

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp và phòng chống tham nhũng (PCTN) đã diễn biến hết sức phức tạp, số lượng đơn thư tồn đọng lớn và ngày càng gia tăng. Các đơn thư chủ yếu khiếu nại và đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; tố cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp hoặc tham nhũng. Trong 4 năm, Ủy ban Tư pháp đã tiếp nhận, nghiên cứu, phân loại và xử lý 28.583 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó có 15.663 đơn thuộc thẩm quyền. Qua nghiên cứu, Ủy ban đã gửi 3862 công văn tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết. Cho tới nay, thực hiện kiến nghị của Ủy ban, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 281 kháng nghị.

“Qua việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ủy ban Tư pháp cũng đã kịp thời phát hiện, sơ hở, khiếm khuyết về cơ chế, chính sách pháp luật và kiến nghị các giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết.

Với việc tổ chức 22 cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan tư pháp để trao đổi về việc giải quyết 51 vụ án có dấu hiệu vi phạm, sai sót, trong đó có một số vụ được nhân dân, dư luận xã hội, đặc biệt quan tâm.

Chưa giám sát án tham nhũng

Các hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp thời gian qua được tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt công tác như thẩm tra báo cáo; tổ chức các đoàn giám sát ở TW và địa phương; giám sát chuyên đề, giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; giám sát văn bản quy phạm pháp luật….

“Hầu hết các kiến nghị của Ủy ban đều được tiếp thu, chấn chỉnh để tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phòng chống tham nhũng được tiến hành nghiêm minh, khách quan minh bạch; hạn chế, khắc phục vi phạm pháp luật, tránh oan sai góp phần vào tiến tình cải cách Tư pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đánh giá.

Tuy nhiên, với hoạt động giám sát chuyên đề, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Tư pháp mới chỉ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Đoàn công tác để giám sát việc thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và việc phát hiện xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, trong xử lý án tham nhũng, dư luận thời gian qua nhiều lần bức xúc về chuyện án tham nhũng bị xử treo quá nhiều, hành vi tham nhũng chủ yếu được phát hiện ở cơ sở. Vấn đề này, Ủy ban Tư pháp thừa nhận “hoạt động giám sát còn dàn trải, chưa đi vào chiều sâu;… phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng còn lúng túng; chưa tổ chức giám sát các vụ tham nhũng cụ thể, đặc biệt việc tuân thủ pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là với những vụ việc dư luận bức xúc…”

Chỉ rõ nguyên nhân, Ủy ban Tư pháp cho rằng, một phần do pháp luật trong lĩnh vực này chưa cụ thể, mặt khác đa số thành viên của Ủy ban hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, bộ máy giúp việc, điều kiện đảm bảo chưa tương xứng và đây là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Bình An

“Việc giao Ủy ban Tư pháp thẩm quyền giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và quyết tâm của Đảng ta. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành còn thiếu cụ thể, cần phải được cụ thể hóa như giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để vừa tạo điều kiện cho việc triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan chịu sự giám sát”.

(Nguồn: Ủy ban Tư pháp)