Vai trò của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

08/12/2010

 

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/7/1999, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 212/1999/QĐ-TCCB về việc thành lập Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (viết tắt là CLB) với yêu cầu: Thứ nhất, CLB phải là một địa chỉ mới, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tìm đến để được giới thiệu kịp thời, thường xuyên, có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế, xã hội; Thứ hai, CLB phải là cầu nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện pháp luật kinh tế, là diễn đàn để kịp thời phát hiện các khiếm khuyết, đưa ra kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm mới của Chính phủ chuyển từ truyền đạt sang đối thoại, tham gia ý kiến thông qua các diễn đàn. Để tồn tại và phát triển, CLB có những hình thức sinh hoạt phong phú, linh hoạt đem lại lợi ích thiết thực cho Hội viên [1].

1. Về chức năng, nhiệm vụ của CLB

CLB là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân. Hoạt động của CLB theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện các chức năng hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên; cung cấp kịp thời các thông tin, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước, tiếp thu ý kiến phản hồi của doanh nghiệp thành viên về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức của CLB được quy định rõ tại Điều lệ CLB gồm có: Đại hội thành viên: gồm tất cả các doanh nghiệp thành viên CLB trên cả nước. Ban Chủ nhiệm: gồm 44 đồng chí là Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và các Tổng Công ty, Tập đoàn trên cả nước. Đại hội nhiệm kỳ II (2007-2011) năm 2007 đã bầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch danh dự và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Chủ nhiệm CLB.

CLB có bộ máy thực hiện gồm Thường trực Ban Chủ nhiệm: gồm 9 đồng chí là Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và các Tổng Công ty; các đơn vị thực hiện nhiệm vụ của CLB như: Văn phòng CLB, Ban Kiểm tra, Trung tâm Thông tin, Tư vấn pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ, 05 Văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước [2].

2. Về kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, CLB đã thu hút được 1156 doanh nghiệp làm Thành viên CLB, bao gồm các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước, Văn phòng Luật sư, Luật gia và CLB đã và đang triển khai thành công, có hiệu quả các hoạt động về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Kết quả trong thời gian qua, CLB đã triển khai được các hoạt động cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp. Thông qua trang thông tin điện tử chính thức của CLB với tên miền www.pcdn.vn, CLB đã cung cấp tới các doanh nghiệp thành viên các thông tin, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đồng thời CLB đã triển khai các hoạt động thông tin pháp luật trực tuyến, tiếp thu ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật kinh doanh. Thông qua hoạt động này, CLB đã tạo được sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ hai, hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Xác định đây là hoạt động trọng tâm, đến nay, CLB đã tổ chức được 55 chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ pháp chế nhằm thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên, các chương trình đã thu hút trên 8000 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp tham dự.

Thứ ba, hoạt động tư vấn pháp luật, cung cấp ý kiến pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên. Một trong những chức năng quan trọng của CLB là hoạt động bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp thành viên thông qua các hình thức như tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý,... Trong thời gian qua, có gần 100 vụ việc tranh chấp pháp lý, tư vấn pháp luật đã được CLB kịp thời giải quyết vướng mắc, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh của doanh nghiệp.    

Thứ tư, trong công tác vận động, thu hút sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp hội viên trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý của CLB. Trong thời gian qua, CLB đã huy động sự tham gia, ủng hộ của các doanh nghiệp hội viên trên cả nước để tổ chức gần 30 chương trình sinh hoạt chuyên đề về pháp luật của CLB cũng như các chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp thành viên CLB và Ban Chủ nhiệm đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật. Đây là mô hình hợp tác hiệu quả, phát huy thế mạnh và sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp thành viên CLB.

Thứ năm, trong công tác phối hợp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đề kinh doanh dành cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp CLB đã chủ trì tổ chức được 25 hội thảo, diễn đàn nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp thành viên đối với các dự án luật, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Cụ thể như: Luật Phá sản năm 2004, Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ...

Trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như Đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tham gia nghiên cứu, xây dựng Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 66); Quyết định số 585/2010/QĐ-TTg ngày 25/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014; Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Kết quả hoạt động của CLB trong thời gian vừa qua cho thấy mặc dù còn có những khó khăn, hạn chế, nhưng CLB đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ mà Đại hội nhiệm kỳ II đã đề ra là duy trì và phát triển hoạt động của CLB. Điều này được thể hiện thông qua các mặt sau đây:

Thứ nhất, CLB đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của pháp luật trong cộng đồng doanh nghiệp thành viên. Thông qua khảo sát, trong tổng số 400 phiếu thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp thành viên được phát ra cho thấy 380 doanh nghiệp kể từ khi trở thành thành viên của CLB (đạt tỉ lệ 95%) đã có những nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của pháp luật và hiệu quả của nó đối với hoạt động sản xuất kinh doanh;

Thứ hai, CLB đã thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật của doanh nghiệp thành viên. Thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, các thành viên CLB đã có sự quan tâm và đầu tư đúng mực cho công tác pháp chế, chú trọng nhiều hơn vào hoạt động thông tin và tư vấn pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đã đào tạo được cán bộ pháp chế giỏi, có đủ trình độ, kỹ năng cần thiết để tư vấn hiệu quả cho đơn vị mình, điển hình như Công ty cổ phần May 10;   Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC; ...

Thứ ba, CLB đã tạo ra sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp qua sợi dây liên kết về hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật. Thông qua đầu mối CLB, các doanh nghiệp được giới thiệu, tiếp cận với các chuyên gia, luật sư uy tín và có kinh nghiệm nhằm thực hiện các hoạt động tư vấn và bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Đồng thời, CLB đã thu thập được các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật;   

Thứ tư, hoạt động của CLB là mô hình xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, CLB vận động sự tham gia tự nguyện của các thành viên đóng góp kinh phí để tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho chính doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao ý thức pháp luật, thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng tránh rủi ro pháp lý trong kinh doanh và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp bằng pháp luật; 

Thứ năm, bên cạnh việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên, CLB còn khẳng định được sự đóng góp tích cực, có hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của Bộ Tư pháp như tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án luật về kinh tế, tham gia vào quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Về việc tham gia vào việc triển khai các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp

Ngày 5/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/2010/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (viết tắt là Chương trình 585). Xác định Chương trình 585 có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ pháp lý của CLB để có nguồn lực triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cả nước, nhất là các doanh nghiệp là thành viên CLB; góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. CLB đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính xây dựng cơ chế hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2010-2014, theo tôi, CLB cần tham gia, chủ trì và phối hợp triển khai các hoạt động của Chương trình 585 qua các hoạt động như sau:

Thứ nhất, về hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp. Tham gia công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; đề xuất chủ trì xây dựng và hỗ trợ phát triển Trang thông tin chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở Trang Thông tin đang vận hành của CLB (www.pcdn.vn), phối hợp hỗ trợ các trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của một số Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; phối hợp hỗ trợ các Chương trình phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp trên một số phương tiện phát thanh, truyền hình; chủ trì và phối hợp tổ chức các hội thảo, diễn đàn, toạ đàm về các chuyên đề pháp luật kinh doanh nhằm trao đổi kinh nghiệm, khuyến cáo các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật

Thứ hai, về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể. Trên cở sở chức năng và nhiệm vụ của mĩnh cũng như kết quả hoạt động trong thời gian qua, CLB đề xuất tham gia điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động; chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Chương trình 585 tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp; hỗ trợ thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn [3]

Thứ ba, về việc tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. CLB đề xuất tham gia công tác điều tra, khảo sát thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chủ trì, tham gia xây dựng tiêu chí, yêu cầu đối với cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện thí điểm một số hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có chức năng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại một số địa phương nhằm xây dựng mô hình hiệu quả áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Luật gia Trần Minh Sơn [4]


[1] Ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm tại Đại hội thành lập CLB năm 2000.

[2] Văn phòng đại diện của CLB đặt tại: TP. Hải Phòng, tỉnh Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bạc Liêu.

[3] Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

[4] Phó Trưởng phòng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp kiêm Phó Chánh Văn phòng Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp.