Đăng công bố các sản phẩm của Dự án 00058492 “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”

06/12/2010
Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (United Nations Development Program - UNDP) là một trong những đối tác quan trọng của Bộ Tư pháp Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác pháp luật. Quan hệ đối tác giữa Bộ Tư pháp VN và tổ chức chuyên môn này của Liên hợp quốc đã bắt đầu hình thành từ đầu những năm 90 và tới nay, UNDP đã trở thành một trong những đối tác tiềm năng nhất của Việt Nam trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, xét cả về mặt số lượng, cũng như chất lượng các chương trình, dự án.

Những thành tựu nổi bật của quá trình hợp tác lâu dài này có thể kể tới quá trình Đánh giá tổng thể Nhu cầu Phát triển Hệ thống Pháp luật Việt Nam từ năm 2002. Báo cáo đánh giá này đã cung  cấp các thông tin đầu vào, là cơ sở đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược Xây dựng và Hoàn thiện Hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chiến lược về cải cách tư pháp tới năm 2020 (đã được Bộ Chính trị ban hành vào năm 2005). Dự án tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam là một trong các Dự án trọng tâm của UNDP, được chính thức hoạt  động từ đầu năm 2010  nhằm hỗ trợ việc thực thi cả 2 Chiến lược  cải cách pháp luật và cải cách tư pháp nêu trên.

Khái quát về Dự án

Công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam đã được UNDP và các nhà tài trợ tham gia hỗ trợ từ gần hai thập kỷ qua thông qua việc hợp tác với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp ở cấp trung ương và địa phương của Việt Nam. Gần đây, Dự án liên ngành “Hỗ trợ thực thi Chiến lược phát triển hệ thống pháp luật đến năm 2010” (Dự án VIE/02/015) do Bộ Tư pháp và nhiều cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của UNDP, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Ailen đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ xây dựng và thực thi chiến lược toàn diện đầu tiên của Việt Nam về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quá trình phát triển rất ấn tượng, nhiều văn bản luật đã được ban hành, tiến độ xây dựng các văn bản dưới luật cũng được đẩy nhanh, việc thi hành pháp luật bắt đầu được quan tâm, năng lực của các cơ quan pháp luật cũng được chú trọng tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về năng lực, các quyền hiến định và pháp định mặc dù đã được quy định cụ thể trong các văn bản QPPL song chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của công dân là bước tiếp theo trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam bởi lẽ, những nỗ lực nhằm thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp sẽ không thể đạt hiệu quả nếu Việt Nam không có một tầm nhìn chiến lược bao quát về tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó có trao quyền pháp lý cho người nghèo, lồng ghép các quy phạm quốc tế về quyền con người vào các văn bản pháp luật trong nước, và cần phải có các biện pháp để đánh giá những nỗ lực trong việc đảm bảo công lý thông qua một cơ chế như Bộ chỉ số công lý.

Với kinh nghiệm và lợi thế so sánh của UNDP trong lĩnh vực tiếp cận công lý và bảo vệ quyền, với quan hệ đối tác lâu năm được xây dựng và không ngừng bồi đắp từ giữa thập niên chín mươi đến nay giữa Bộ Tư pháp, các cơ quan pháp luật và tư pháp khác của Việt Nam và UNDP, với kết quả ban đầu đáng khích lệ của quá trình hợp nhất các tổ chức Liên Hợp quốc thông qua Quỹ một Liên Hợp quốc đã tạo cơ hội phối hợp hành động của Liên Hợp quốc trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam, Bộ Tư pháp và UNDP nhất trí cao về việc tiếp tục hợp tác nhằm hỗ trợ thực hiện hai chiến lược về hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp, trong đó ưu tiên tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21.10.2009 và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thành lập vào ngày 04.11.2009, Kế hoạch thực hiện Dự án năm đầu tiên của Dự án được Giám đốc Dự án quốc gia Hoàng Thế Liên và Giám đốc quốc gia UNDP Setsuko Yamazaki ký duyệt vào ngày 27.11.2009.  Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 12 năm 2014

Mục tiêu của Dự án:

Mục tiêu của Dự án là tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam thông qua năm hợp phần ưu tiên sau đây:

1.                      Tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Nghị quyết 48-NQ/TW  và 49-NQ/TW  của Bộ Chính trị ban hành các Chiến lược Xây dựng và  hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Chiến lược cải cách pháp luật) và Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 (Chiến lược cải cách tư pháp);

2.                      Điều phối quan hệ đối tác giữa Chính phủ, các nhà tài trợ, các cơ quan, tổ chức  và các chủ thể khác trong xã hội nhằm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; 

3.                      Tăng cường năng lực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp thông qua việc xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020 trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập

4.                      Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền trong đó có xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh (Provincial Justice Index - JPI); nghiên cứu, đề xuất xây dựng chiến lược về Trao quyền pháp lý cho người nghèo; tăng cường việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền và nội luật hoá các cam kết quốc tế này vào pháp luật trong nước;

5.                      Tăng cường cải cách tư pháp thông qua hỗ trợ nghiên cứu các nội dung và các sáng kiến mang tính liên ngành.

Các kết quả chính của Dự án sẽ bao gồm/ nhưng không hạn chế:

1.      Báo cáo Sơ kết đánh giá tình hình năm năm thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và xác định các nội dung ưu tiên cho mười năm tiếp theo;

2.      Hiệu quả viện trợ và đối thoại chính sách được tăng cường thông qua Diễn đàn đối tác pháp luật và các Diễn đàn đối thoại chuyên đề;

3.      Tầm nhìn mới về vai trò quản lý nhà nước của  ngành tư pháp, phù  hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội và hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa;

4.      Tăng cường việc thực thi chiến lược phát triển ngành tư pháp cùng với việc xây dựng một kế hoạch cụ thể  triển khai thực hiện chiến lược đến năm 2020  nhằm hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa với chất lượng cao hơn nữa;

5.      Đổi mới và hoàn thiện quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện tốt chức năng của Bộ Tư pháp về theo dõi thi hành pháp luật;

6.      Đổi mới và thực hiện thí điểm công tác lập kế hoạch và công tác thống kê của ngành tư pháp.

7.      Bộ chỉ số tư pháp cấp tỉnh nhằm đánh giá hoạt động tiếp cận công lý ở các cấp địa phương được xây dựng;

8.      Chiến lược trao quyền pháp lý cho người nghèo được xây dựng, nhằm đảm bảo các kết quả của cải cách pháp luật sẽ đóng góp tích cực vào chiến lược xoá đói giảm nghèo và tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo cũng như những nhóm yếu thế;

9.      Các cam kết quốc tế về nhân quyền được thực hiện tốt hơn  thông qua nội luật hoá vào pháp luật trong nước;

10. Nghiên cứu so sánh về các nhiệm vụ chính của công cuộc cải cách tư pháp, bao gồm tổ chức lại hệ thống toà án và các cơ quan tư pháp khác, cải tiến việc bổ nhiệm và đào tạo cán bộ tư pháp, tăng cường độc lập xét xử; và

11. Hỗ trợ các sáng kiến và thử nghiệm của các cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình cải cách tư pháp.

Cơ quan đồng thực hiện Dự án

Hiện tại, các cơ quan tham gia thực hiện Dự án bao gồm Bộ Tư pháp, Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Viện Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, 6 đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp. Dự kiên Văn phòng Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Quyền con người thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tham gia thực hiện các hoạt động của Dự án. Trong tương lai, khi các hoạt động cụ thể được xác định, một số cơ quan khác ở trung ương và địa phương sẽ được bổ sung tham gia dự án.

 

Nguyên tắc của UNDP và Chính phủ Việt Nam là mọi sản phẩm là kết quả của Dự án đều được công bố rộng rãi, minh bạch để góp phần nâng cao tính hiệu quả và tác động của sự hỗ trợ quốc tế. Dưới đây Dự án xin lần lượt đăng công bố một số Báo cáo/ Dự thảo báo cáo đã  hoặc đang được hoàn thành trong khuôn khổ hoạt động của Dự án trong 6 thời gian vừa qua.

Danh mục các tài liệu sẽ được Dự án đăng công bố từ nay đến hết Quý 1/2011 bao gồm[1]

1.      Bản tin Dự án Tiếp cận công lý và Bảo vệ quyền tại Việt Nam (Bản tin hàng Quý do Ban Quản lý Dự án thực hiện – bằng tiếng Việt và tiếng Anh)

2.      Tài liệu Hội thảo Sơ kết việc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW  về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tổ chức vào ngày 14 tháng 7 năm 2010 tại Hà Nội và vào ngày 13 tháng 8 năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh (hoạt động do Tiểu Dự án Viện Khoa học pháp lý thực hiện)

3.      Báo cáo Đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp (sẽ được thực hiện trong Quý 1/2010) (hoạt động do Tiểu Dự án Viện Khoa học pháp lý thực hiện)

4.      Báo cáo Nghiên cứu khảo sát cơ sở về chức năng và hoạt động của ngành tư pháp tại Việt  Nam (hoạt động do Tiểu Dự án Viện Khoa học pháp lý thực hiện)

5.      Tài liệu Hội nghị tham vấn rộng rãi về kết quả đánh giá độc lập, khảo sát và đánh giá tác động việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW  về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (hoạt động do Tiểu Dự án Viện Khoa học pháp lý thực hiện)

6.      Báo cáo Nghiên cứu so sánh về vai trò và thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và Bộ Tư pháp tại một số nước (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

7.      Báo cáo Nghiên cứu so sánh về tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp tại 5 nước được lựa chọn  (Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga) (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

8.      Tài liệu Hội thảo “Hệ thống tư pháp của Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và khuyến nghị với Việt Nam (tháng 6 năm 2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

9.      Báo cáo Nghiên cứu về "Quản lý Hành chính Tòa án - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam" (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

10. Tài liệu Tọa đàm hỗ trợ việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu "Quản lý Hành chính Tòa án - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam" (tháng 4 và tháng 8/2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

11. Tài liệu Hội thảo "Kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết các quyết định cuối cùng của Tòa án tối cao khi phát hiện có sai lầm" (tháng 9/2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương thực hiện)

12. Báo cáo đánh giá về các biện pháp xử lý hành chính khác và khuyến nghị hoàn thiện trong xử lý vi phạm hành chính (hoạt động hỗ trợ xây dựng luật xử lý vi phạm hành chính) (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

13. Tài liệu Hội thảo về các biện pháp xử lý hành chính khác và khuyến nghị hoàn thiện trong xử lý vi phạm hành chính (hoạt động hỗ trợ xây dựng luật xử lý vi phạm hành chính) (dự kiến tổ chức vào giữa tháng 12/2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

14. Các Báo cáo của Nhóm chuyên gia độc lập hỗ trợ nghiên cứu, xác định phương pháp và các chỉ số  phục vụ việc xây dựng Bộ Chỉ số tư pháp cấp tỉnh, bắt đầu tiến hành từ tháng 7/2010 (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

15. Bộ chỉ số tư pháp  cấp tỉnh tại một số địa phương được lựa chọn (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

16. Báo cáo Tham vấn ý kiến về việc xây dựng và thực hiện thí điểm bộ chỉ số PJI (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

17. Báo cáo Hỗ trợ nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề lớn liên quan đến phần xử phạt vi phạm hành chính của Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính – dự kiến thực hiện trong năm 2011(Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

18. Báo cáo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa biện pháp đưa người nghiện ma túy, người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính và chuyển thẩm quyền áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh sang cơ quan tòa án quyết định. (dự kiến thực hiện trong năm 2011  - Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ pháp luật Hình sự - hành chính thực hiện)

19. Báo cáo nghiên cứu về tình hình thực hiện Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND các cấp - là cơ sở đê xuất xây dựng một hệ thống thống nhất quy trình làm luật ở  cấp TW và ĐP (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

20. Tài liệu Hội thảo xây dựng Báo cáo nghiên cứu về tình hình thực hiện Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND các cấp là cơ sở đê xuất xây dựng một hệ thống thống nhất quy trình làm luật ở  cấp TW và ĐP (dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12/2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

21. Báo cáo Nghiên cứu tình huống về mối quan hệ tương tác của trao quyền pháp lý tại Việt Nam trong lĩnh vực lao động, đất đai và tài sản  (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

22. Hội thảo giới thiệu Báo cáo của Liên hợp quốc về Trao quyền pháp lý cho người nghèo và những hoạt động có liên quan của Việt Nam (dự kiến được thực hiện trong Quý 1/2011) (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

23. Báo cáo Nghiên cứu tình huống về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

24. Tài liệu Hội thảo xây dựng Báo cáo Nghiên cứu tình huống về theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm (tháng 11/2010) (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Các vấn đề chung về Xây dựng pháp luật thực hiện)

25. Báo cáo đánh giá thực trạng công tác lập kế hoạch của ngành tư pháp (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Kế hoạch Tài chính thực hiện)

26. Báo cáo Nghiên cứu khảo sát về thực tiễn thống kê (quản lý và phân tích dữ liệu) trong ngành tư pháp và các cơ quan tư pháp khác (Hoạt động do Tiểu Dự án Vụ Kế hoạch Tài chính thực hiện)

27. Tài liệu Hội nghị giới thiệu và phổ biến một số phương pháp và kỹ thuật mới về thu thập, phân tích số liệu trong công tác lập kế hoạch của ngành tư pháp (bao gồm xây dựng thí điểm và kế hoạch hoạt động năm 2010, dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 12/2010) (Hoạt động co Tiểu Dự án Văn phòng Bộ thực hiện)

28. Trang thông tin điện tử tiếng Anh - Việt về điều phối viện trợ, kết nối với cơ sở dữ liệu về cải cách pháp luật và tư pháp (Hoạt động do Tiểu Dự án Cục Công nghệ thông tin thực hiện)

29. Báo cáo Đánh giá tổng thể về thực tiễn lồng ghép các quy phạm quyền con người vào pháp luật trong nước và khuyến nghị các sáng kiến mới vào năm 2011 (Hoạt động do Tiểu Dự án Viện nghiên cứu quyền con người – Học viện Chính trị, hành chính quốc gia thực hiện)

30. Tài liệu Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ Bảy được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 năm 2010 tại Hà Nội (Hoạt động do Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện)

 

31. Tài liệu Diễn đàn Đối thoại chính sách về công tác theo dõi thi hành pháp luật (dự kiến tổ chức vào 17/12/2010) (Hoạt động do Vụ Hợp tác quốc tế thực hiện)

Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu là kết quả của các hoạt động khác trong Kế hoạch công tác Năm 2011 của Dự án sẽ tiếp tục được đăng công bố.


[1] Mọi tài liệu của Dự án thuộc bản quyền của Dự án và UNDP.

Tài liệu đính kèm:

 Bản tin dự án