Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự: Đừng “dừng lại” khi nhìn thấy sai

26/11/2010
Đó là quan điểm của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) sửa đổi hôm qua 25.11 về “cơ chế đặc biệt để sửa chữa sai lầm”

Viện kiểm sát “ngồi” phiên toà 100%?

Khẳng định vai trò của VKS theo tinh thần Nghị quyết 49 về cải cách Tư pháp của Bộ Chính trị, ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai) ủng hộ cao việc sửa đổi Điều 21 của BLTTDS (VKS chỉ tham gia phiên tòa khi có đơn khiếu nại của một trong các bên đương sự về thu thập chứng cứ của tòa án): “Luật hiện hành thời gian vừa qua làm rất hạn chế chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát, dẫn đến cơ quan này không hoàn thành nhiệm vụ” - ĐB Năm nêu thực tế và cho rằng việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án là một “dòng khép kín” dẫn đến các vụ án không bảo đảm khách quan, tỷ lệ án cải, sửa còn nhiều.

Trên cương vị Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, ĐB Đặng Văn Khanh cho rằng: quy định tại Điều 21 hiện hành dẫn đến tình trạng hiện nay là rất nhiều trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập xuất trình chứng cứ cho tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Thêm nữa, nhiều trường hợp đương sự không am hiểu pháp luật nên không thể bảo vệ quan điểm của mình, không thể phát hiện sự thiếu khách quan của Thẩm phán trong khi không phải đương sự nào cũng có thể thuê luật sư.

ĐB Khanh cũng chỉ rõ thực tế nhiều bản án dân sự ở cấp sơ thẩm bị chính Tòa án cấp trên phát hiện và kháng nghị. Cũng vì VKS bị hạn chế quyền năng nên tỷ lệ kháng nghị của VKS đối với bản án dân sự là rất ít, rất thấp. Ông Khanh tán thành với việc sửa đổi Điều 21 theo hướng VKS tham gia vào tất cả các phiên tòa, phiên họp về giải quyết các vụ án dân sự, vụ việc dân sự.

Không ủng hộ quan điểm VKS tham gia tất cả phiên toà, ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) phản ứng: “Lý luận kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận của đương sự và nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”

DDB này cho rằng: trước đây, khi thực hiện giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế đã quy định VKS tham gia tố tụng, nhưng sau đó không thực sự cần thiết nên đã sửa đổi như quy định hiện hành. “Dự thảo luật lần này lại đưa VKS tham gia phiên tòa liệu có phải là một bước tiến hay không, có giải quyết được nguyên nhân sâu xa dẫn tới hạn chế bất cập trong giải quyết tranh chấp dân sự tại Tòa án hiện nay không, hay đây lại là một bước lùi?”.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắc Lắk) nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính khách quan của vụ án, không có nghĩa cứ phải tham gia mà có thể đứng ngoài. Anh phải đứng ngoài thì anh mới thấy được sự đúng, sai của các bên. Quy định cho VKS tham gia chỉ gây rắc rối và cũng không đảm bảo tính đúng đắn của vụ án”.

Nhiều ĐB đồng tình với quan điểm nêu trên và đề nghị sự tham gia của VKS chỉ nên “chừng mực”.

Đừng dừng lại khi nhìn thấy sai

Với quy định xem xét lại các quyết định của Hội đồng thẩm phán về việc giám đốc thẩm, tái thẩm, theo ĐB Trần Thế Vượng (Hải Dương) thì  đây là vấn đề đặt ra từ nhiều năm nay, ĐB Vượng đồng ý với quan điểm thấy sai phải sửa chứ không thể nói phải “có điểm dừng”. Tuy nhiên, ĐB Vượng rất băn khoăn vì quy định chỉ có trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban tư pháp giám sát thấy có vấn đề sai thì lúc đó mới tiến hành xem xét lại “Nếu như thế thì bộ máy của Ủy ban thường vụ Quốc hội để làm việc này lại là một vấn đề không đơn giản một chút nào. Với hàng nghìn đơn thư, những vụ án người ta yêu cầu giám sát thì bây giờ làm thế nào được?”. ĐB này cho rằng hiện nay chỉ thực hiện chức năng theo Luật Giám sát đã cảm thấy quá tải, không đủ sức, cho nên việc này phải hết sức cân nhắc.

Tán thành, ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An)  đánh giá “đây là một cố gắng lớn của Ban soạn thảo để nhằm tìm giải pháp, tìm cơ chế để khắc phục một số tình trạng oan sai trong tố tụng hiện nay”. Nhưng ĐB Lý lưu ý thiết kế như Dự thảo sẽ “đụng” đến những vấn đề có tính nguyên tắc của Hiến pháp, do đó “cần có cơ chế đặc biệt nhưng phải làm sao bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là trong pháp luật tố tụng".

Còn ĐB Trần Văn Độ (An Giang) dưới con mắt của Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TA Quân sự TW thì cho rằng: “Chúng ta không nên gọi là thủ tục đặc biệt vì giám đốc thẩm, tái thẩm gọi là đặc biệt rồi, đó là cấp thứ ba đúng hơn”. Đồng ý “có sai thì có sửa” nhưng sửa như thế nào theo ĐB Độ “là vấn đề Quốc hội phải nghiên cứu thật kỹ”.

Thu Hằng