Công chứng: Dịch vụ công

03/04/2006
Cảnh người dân chầu chực xếp hàng trước phòng công chứng; nạn “cò” công chứng và những chuyện nhũng nhiễu tiêu cực sẽ không tái diễn. Trái lại, công chứng viên sẽ đến tận nhà phục vụ người dân mỗi khi nhận được điện thoại yêu cầu… Tất cả điều đó sẽ trở thành hiện thực khi Luật Công chứng được thực hiện với tinh thần xã hội hóa. Hôm nay, 3-4, dự luật này chính thức được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
  • Công chứng tư nhân: nhu cầu tất yếu
Người dân nghe cán bộ phòng Công chứng số 1 - 97 Pasteur - hướng dẫn thủ tục công chứng hồ sơ nhà đất.

Bản chất của hoạt động công chứng ở các nước là dịch vụ công. Còn hoạt động của công chứng Việt Nam lâu nay lại do Nhà nước đứng ra thực hiện. Theo Bộ Tư pháp, cả nước hiện mới có 121 phòng công chứng với 380 công chứng viên và hơn 150 nhân viên nghiệp vụ. Trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 1 - 2 phòng công chứng. Riêng Hà Nội và TPHCM, mỗi nơi có 5 phòng công chứng. Trong khi đó, xã hội phát triển làm nhu cầu công chứng văn bản giấy tờ ngày càng lớn, khiến quá tải trở thành chuyện thường ngày ở… phòng công chứng.

Chính vì thế, vấn đề xã hội hóa hoạt động công chứng đã được đặt ra. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã xác định chủ trương xã hội hóa một số hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó có công chứng.

Theo tinh thần này, dự án Luật Công chứng đã được xây dựng để trình Quốc hội tại kỳ họp tới với một đột phá mới: cho phép ra đời các phòng công chứng tư nhân. Thay vì ngồi tại chỗ, các công chứng viên dù thuộc biên chế ở phòng công chứng Nhà nước, hay thuộc văn phòng công chứng do tư nhân đầu tư sẽ phải năng động hơn, phải tự tìm đến người dân để thực hiện công chứng theo yêu cầu. Nhiều ý kiến đánh giá đây là một xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế- xã hội gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền lợi của những người giao dịch dân sự.

  • Thay đổi bản chất mối quan hệ công chứng viên - người dân

Theo ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính – Tư pháp (Bộ Tư pháp), việc xã hội hóa hoạt động công chứng được làm từng bước. Nơi nào có điều kiện thì khuyến khích thành lập các phòng công chứng không do nhà nước đầu tư. Những nơi còn khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa thì Nhà nước phải có trách nhiệm đứng ra thành lập các phòng công chứng để phục vụ người dân.

Để bảo đảm tính bình đẳng, dự án Luật Công chứng quy định rõ: không có sự phân biệt về giá trị pháp lý của các hoạt động giao dịch đã được công chứng của Nhà nước hay tư nhân. Tất cả văn bản công chứng đều có giá trị chứng cứ trước tòa và có hiệu lực pháp lý thi hành đối với các bên và đối với người thứ 3.
 
Nhưng, điều quan trọng là mục tiêu mà dự án Luật Công chứng nhằm vào không đơn giản là Nhà nước hay tư nhân làm công chứng. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, điều mà dự luật muốn là làm thay đổi bản chất mối quan hệ giữa công chứng viên và người dân. Lâu nay mỗi người dân đến phòng công chứng vẫn cảm thấy mình ở thế không bình đẳng.

Nhiều khi bị công chứng viên từ chối, thậm chí từ chối không đúng, người dân vẫn phải chịu. Đó là quan hệ mang tính hành chính, trên - dưới, ban phát. Còn trong dự án Luật Công chứng, mối quan hệ này mang tính chất dịch vụ công. Công chứng viên được nhân danh Nhà nước cung cấp dịch vụ công chứng, còn người dân có nghĩa vụ trả một khoản phí cho dịch vụ đó.

(Theo SGGP)