Luật Đấu thầu có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/4/2006

31/03/2006
Luật Đấu thầu đã được QH Việt Nam khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 11/2005. Theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1/4/2006 bộ luật này sẽ có hiệu lực trên phạm vi cả nước. Điểm mới của bộ luật này so với trước đây như thế nào, tính khả thi của nó ra sao khi đưa vào triển khai là nội dung của cuộc trao đổi giữa phóng viên Hànộimới Điện tử với ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quản lí đấu thầu (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) chiều ngày 29/3/2006.

PV: - Bắt đầu từ 1/4/2006 luật Đấu thầu (đã được QH thông qua) sẽ có hiệu lực trên phạm vi cả nước. Phạm vi điều chỉnh của bộ luật mới này thế nào, và nó sẽ thay cho những quy định nào trước đây, thưa ông?

- Tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XI có 14 dự án luật được thông qua. Các luật khác đều chỉ có hiệu lực từ 1/7/2006. Riêng luật đấu thầu do tính cấp thiết, nhạy cảm của nó nên có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ 1/4/2006). Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với các gói thầu thuộc các dự án: Sử dụng vốn của nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển; Sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản  nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân...; Sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng của các DN nhà nước.

Luật đấu thầu mới sẽ thay cho quy chế đấu thầu (QCĐT) trước đây (bao gồm nội dung của 3 Nghị định của Chính phủ về đấu thầu được ban hành trong các năm 1999, 2000 và 2003). Bằng sự kiện này, công tác đấu thầu sẽ bước sang trang mới với những quy định chặt chẽ và chế tài xử lí đầy đủ hơn.

PV: - Xin ông cho biết mục tiêu và những điểm mới cơ bản của Luật đấu thầu này?

- Người ta vẫn nói tiền nhà nước trong các dự án đấu thầu là "chùm khế ngọt" cho bên A, bên B vặt, hái mỗi ngày. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu của bộ luật mới này là tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực đấu thầu nhằm quản lý, sử dụng đồng vốn của nhà nước hiệu quả nhất, phát triển tối đa những điểm mạnh của QCĐT hiện hành, hạn chế những tồn tại, đồng thời khẳng định sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tăng cường sự giám sát cộng đồng, hạn chế tình trạng tiêu cực, sử dụng tiền nhà nước như một thứ "tiền chùa" trong hoạt động đấu thầu . Ngoài ra, một mục tiêu không kém phần quan trọng nữa là luật hóa để hòa nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quản lí đấu thầu trả lời phỏng vấn báo Hànôimới Điện tử

Có khá nhiều điểm mới của bộ luật so với QCĐT trước đây, nhưng tựu chung lại có 5 điểm cơ bản, tập trung giải quyết mọi tồn tại của QCĐT trước đây: Thứ nhất là chống khép kín nhằm tạo ra những sự cạnh tranh có hiệu quả (điều 11); Thứ hai là nâng cao tính chuyên nghiệp trong đấu thầu (điều 9); Thứ 3 là việc xử lý các kiến nghị (những thắc mắc, khiếu nại, băn khoăn...) của các nhà thầu, đảm bảo tính công bằng, minh bạch (điều 72 - 73) ; Thứ 4 là vấn đề xử lý vi phạm với các chế tài cụ thể, rõ ràng hơn nhằm ngăn chặn sự tiêu cực trong đấu thầu, đảm bảo hiệu lực của Luật (điều 12), và cuối cùng, điểm thứ 5 là phân cấp mạnh, tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư. Như vậy chủ đầu tư sẽ được tăng thêm quyền và kèm theo là trách nhiệm. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn của nhà nước.

Nhiều điểm mới trong bộ luật được thể hiện khá rõ ràng, mang tính ưu việt cao. Ví như để chống khép kín, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, điều 11 của Luật quy định các nhà thầu và bên mời thầu, hoặc giữa các nhà thầu với nhau tham gia trong cùng 1 gói thầu phải độc lập về tổ chức và không cùng phụ thuộc vào 1 cơ quan quản lí, phải độc lập về mặt tài chính, sẽ phá vỡ tình trạng khép kín trước đây. Mọi thông tin mời đấu thầu sẽ được đăng tải trên các tờ báo chính thống của Nhà nước, nhất là bắt buộc phải đăng trên tờ “Thông tin đấu thầu” của Bộ KH – ĐT. Mọi thông tin về đấu thầu sẽ được công khai trên báo chí và việc sử dụng đồng tiền Nhà nước sẽ minh bạch và hiệu quả hơn. Hoặc trong Luật có quy định bên chủ đầu tư không  đủ năng lực sẽ không được làm bên mời thầu. Lúc đó, chủ đầu tư phải tìm một đơn vị tư vấn, hoặc 1 tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để  làm thay, đảm bảo đủ điều kiện mới được làm. Như vậy trong tương lai, khi luật đi vào cuộc sống có thể sẽ hình thành những doanh nghiệp chuyên đứng ra tổ chức đấu thầu mang tính chuyên nghiệp cao    

PV: - Theo ông, bước đầu triển khai, đưa luật vào cuộc sống sẽ có khó khăn gì?

Mua sắm, lắp đặt thiết bị cho các công trình của Nhà nước cũng là một lĩnh vực cần đấu thầu chặt chẽ

- Tinh thần là nội dung Luật cố gắng chi tiết tới mức không cần phải có hướng dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế không làm đuợc điều này vì liên quan tới lĩnh vực quá phức tạp, cần phải có nghị định hướng dẫn. Trong bộ luật này có 13 điều mà Chính phủ cần phải có nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, còn một số điều khác có thể cũng cần phải hướng dẫn nếu thấy cần thiết. Mặt khác, trong lĩnh vực thầu xây dựng vẫn còn những vướng mắc nhất định giữa 2 bộ luật Xây dựng và Đấu thầu. Song, nói gì đi nữa, bộ luật này đã được QH thừa nhận là luật gốc của Việt Nam, nghĩa là luật duy nhất để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực đấu thầu. Luật đã ban hành là phải thực hiện, điều đó là đương nhiên. Hiện Bộ KH - ĐT đã biên soạn xong dự thảo nghị định hướng dẫn này, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nghị định hướng dẫn như vậy là chậm, chưa kịp đáp ứng cho việc triển khai thi hành Luật, nhưng theo tôi, để hướng dẫn một bộ luật thì nghị định hướng dẫn có thể chậm một vài tháng.

PV: - Khi chưa có hướng dẫn, thì việc thực thi Luật đấu thầu từ 1/4 sẽ phải áp dụng thế nào  thưa ông?  

- Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thì chúng ta vẫn phải thực hiện theo Luật mới từ 1/4: Những gì có trong nội dung luật mà không cần hướng dẫn thì áp dụng luôn. Còn những vấn đề cần phải hướng dẫn mà chưa có Nghị định hướng dẫn thì trước mắt vẫn thực hiện theo những quy định cũ của QCĐT (nếu không trái với Luật đấu thầu mới). Đáng ra, theo tôi, điều này phải được công bố tại một văn bản nào đó của Nhà nước. Rất tiếc là cho tới nay Chính phủ vẫn chưa có một thông báo nào về việc hướng dẫn này nên việc áp dụng luật đấu thầu từ 1/4 chắc sẽ gây lúng túng cho những người thực hiện, bởi khi đi vào chi tiết mới nảy sinh ra vấn đề. Ví dụ như Luật nói là "phải độc lập về tổ chức". Nhưng thế nào là độc lập về tổ chức? Nếu không làm rõ thì rất khó phân biệt đúng - sai trong xử lý vi phạm. Nếu không mô tả được hành vi thì không thể cụ thể hóa được sai phạm. Nói thì dễ, nhưng khi triển khai không hề đơn giản...

- Xin cảm ơn ông.


(Theo Hà nội mới)