Bãi bỏ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích từ 1-1-2007

28/03/2006
Bãi bỏ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích từ 1-1-2007
Bãi bỏ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động (NVLĐ) công ích từ ngày 1-1-2007”, đề nghị này của Chính phủ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản nhất trí tại phiên họp thứ 38, vừa khai mạc sáng qua, 27-3, ở Hà Nội. Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến đối với dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh dân số; dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

UBTVQH lưu ý, việc bãi bỏ Pháp lệnh NVLĐ công ích sẽ ít nhiều gây khó khăn cho các địa phương trong việc huy động nguồn lực cho một số công việc chung. Vì thế, nếu bãi bỏ pháp lệnh thì cần rà soát các văn bản pháp luật khác có liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi của các trường hợp cấp thiết cần sử dụng lao động.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện Pháp lệnh dân số (có hiệu lực thi hành từ 1-5-2003) đã xuất hiện nhiều bất cập. Do Pháp lệnh quy định “mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định số con phù hợp với điều kiện bản thân, gia đình” nên đã dẫn tới cách hiểu là mỗi cặp vợ chồng, cá nhân tự do quyết định số con của mình, trở thành một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc tăng dân số trở lại.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị sửa đổi Pháp lệnh dân số theo hướng quy định: “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện gia đình có 1 hoặc 2 con”. Đồng thời, đặt ra mục tiêu của chính sách dân số là “thực hiện quy mô gia đình ít con, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con để ổn định dân số”.

Tuy nhiên, đề nghị trên đã không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra và các ủy viên UBTVQH. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng, bản chất của công tác dân số và vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức. Vì vậy, tư tưởng “hành chính hóa công tác dân số” là không phù hợp.

“Trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập, không nên tạo ra “gai góc” không cần thiết, nhất là việc quy định cứng nhắc mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con” - bà Thu nói. Mặt khác, theo giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 vẫn giảm trong 5 năm qua.

Điều đáng quan tâm là năm 2003-2004, thời điểm mà dư luận và các ngành cho rằng “bùng nổ dân số” thì tỷ lệ sinh con thứ 3 không tăng. Vì vậy, ủy ban này kết luận: việc tăng tỷ lệ sinh trong giai đoạn này chủ yếu do tăng số phụ nữ vào độ tuổi sinh đẻ.

Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí đề nghị sửa Pháp lệnh dân số theo hướng quy định “mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 1 hoặc 2 con”. 

(Theo SGGP)