Phiên họp thứ 21 UBTVQH khóa XII: Kiểm toán nhà nước – có cần quyền hiến định?

20/07/2009
Trong ngày làm việc cuối cùng, nhiều thành viên UBTVQH đã tỏ ý không đồng tình với một số vấn đề của “Đề án phát triển kiểm toán nhà nước đến 2015 và tầm nhìn 2020” do Tổng Kiểm toán nhà nước ông Vương Đình Huệ trình bày.

Kinh phí đảm bảo cho hoạt động dân quân tự vệ - ngân sách là chủ yếu

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình trình bày về những vấn đề cần xin ý kiến UBTVQH của dự án Luật Dân quân tự vệ, có hai vấn đề được các thành viên UBTVQH dành nhiều sự quan tâm là quy định về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp và nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động dân quân tự vệ.

Về quy định tổ chức dân quân tự vệ trong doanh nghiệp, theo ông Hà Văn Hiền – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cần xem xét lại vấn đề thẩm quyền thành lập tổ chức dân quân tự vệ trong doanh nghiệp vì nếu giao cho Chủ tịch UBND (đối với DN chưa có tổ chức Đảng như đã có quy mô lao động phù hợp và hoạt động 12 tháng trở lên) là quá chung chung, cũng như nên thay đổi cụm từ “người đứng đầu doanh nghiệp” thay vì “người quản lý doanh nghiệp” để cụ thể hơn. Cũng về quy định tổ chức dân quân tự vệ trong doanh nghiệp, theo tinh thần của dự luật, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phải chấp hành việc tổ chức lực lượng dân quân tự vệ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên theo ông Trần Thế Vượng – Trưởng ban Dân nguyện thì cần cân nhắc kỹ quy định vì lý do loại hình doang nghiệp này có sự khác biệt đặc thù.

Về nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động dân quân tự vệ, theo quy định của dự án luật (Điều 54) có 3 nguồn thu: từ ngân sách Nhà nước; đóng góp của doanh nghiệp; quỹ quốc phòng an ninh và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn thì nên cân nhắc lại quy định về “nguồn thu khác” vì trong thực tế người dân đã có quá nhiều khoản đóng góp, và không ít địa phương đã lợi dụng việc thu các khoản đóng góp để làm khó dễ cho dân khi họ có nhu cầu tìm đến chính quyền. Còn theo ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện thì phải xác định ngân sách là nguồn lực chủ yếu để đảm bảo cho hoạt động của dân quân tự vệ, còn phần đóng góp của doanh nghiệp phải liệt kê cụ thể chứ không nên quy định chung chung. Tương tự, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng đã có nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước và quỹ quốc phòng an ninh thì không nên đặt ra vấn đề đóng góp của doanh nghiệp và người dân nữa vì thực ra những đối tượng này cũng đã là chủ thể đóng góp của 2 nguồn kinh phí trên rồi.

Xác định địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước – làm ngay hay để sau?

Theo ông Vương Đình Huệ - Tổng Kiểm toán Nhà nước mặc dù đã có “thâm niên” 15 năm và có hành lang pháp lý đảm bảo hoạt động (Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2006) nhưng hoạt động kiểm toán nhà nước (KTNN) vẫn còn “vấp” phải những tồn tại khá đặc trưng như quy mô, tiến độ kiểm toán còn cách khá xa so với yêu cầu của Luật KTNN, hiệu lực kiểm toán chưa cao...Và, theo ông Huệ, những “vật cản” này đa phần đều xuất phát từ khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của KTNN chưa tương thích. Hay nói cách khác, dù là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nhưng KTNN cho đến nay vẫn chưa có được quyền hiến định về địa vị pháp lý của mình (quy định trong Hiến pháp). Vì thế, không chỉ tồn tại tình trạng không tương thích giữa Luật KTNN với các luật khác gây khó khăn trong hoạt động, mà nhận thức của các cấp, ngành, công chúng và xã hội về vị trí pháp lý của KTNN vẫn còn rất hạn chế...

Chính vì thế, một trong những vấn đề được ông Tổng Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong “Đề án phát triển kiểm toán nhà nước đến 2015 và tầm nhìn 2020” là phải sớm xác định địa vị pháp lý của KTNN thông qua việc bổ sung vào Hiến pháp quy định về địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN ở thời điểm thích hợp. Khi thẩm tra Đề án, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đều thống nhất với vấn đề ông Huệ đưa ra về việc xác định địa vị pháp lý của KTNN.

Trước khi UBTVQH cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đức Kiên đã lưu ý khi xem xét việc xác định địa vị pháp lý của KTNN về trước mắt và lâu dài thì nhất thiết phải có sự tham khảo kinh nghiệm các nước. Ông Lê Quang Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, trước mắt địa vị pháp lý của KTNN nên giữ như hiện nay (là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập – Luật KTNN) nhưng về sau này, để đảm bảo tầm nhìn lâu dài, cũng nên có sự quy định trong nội dung sửa đổi của Hiến pháp. Ông Trần Thế Vượng – Trưởng ban Dân nguyện lại có quan điểm khác. Theo đó, vấn đề xác định quyền hiến định cho KTNN cần phải nghiên cứu rất kỹ, bởi luật hiện hành quy định KTNN là cơ quan chuyên môn, mà đã là cơ quan chuyên môn thì không thể “đứng” trong Hiến pháp. Không thể đặt ngang hàng KTNN với Quốc hội, Chính phủ vì về thực chất KTNN là chỉ là cơ quan của Quốc hội – ông Vượng khẳng định, mà chỉ quy định trong chương về Quốc hội trong Hiến pháp.

Xuất phát từ việc băn khoăn có nên đặt một cái tên khá to tát là “đề án phát triển” và “tầm nhìn chiến lược” hay không, ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xác định địa vị pháp lý của KTNN không phải là vấn đề quan trọng. Mà vấn đề chính yếu ở đây là KTNN phải xác định được các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của mình. Tán thành với ý kiến của ông Sơn, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng nhấn mạnh, nội dung đề án chưa xứng đáng với tên gọi. Và cũng vì thế nên chuyện xác định địa vị pháp lý của KTNN cần phải cân nhắc kỹ, phù hợp với mô hình của KTNN ở Việt Nam. Trước mắt, thay vì tính xa, KTNN có thể nên xác định mục tiêu, mô hình, mục đích của mình trong 10 năm tới – bà Mai đưa ra một ví dụ gợi ý.

Xuân Hoa

Chúng tôi đã rất khổ vì hai chữ “chuyên môn”

            Lý giải ý tưởng xác định địa vị pháp lý cho KTNN trong bản Đề án, Tổng KTNN Vương Đình Huệ cho biết đã tham khảo rất nhiều mô hình nước ngoài. Hơn nữa, ý tưởng xác định địa vị pháp lý cho KTNN là xuất phát từ mong muốn làm tốt trách nhiệm nặng nề của KTNN mà Đảng và nhân dân giao cho chứ không vì mục đích nào khác. Cũng theo giải thích của ông Huệ, sở dĩ có cụm từ “cơ quan chuyên môn” do Quốc hội thành lập là để tránh tình trạng vi hiến khi thành lập KTNN. Nhưng, cũng chính cụm từ này đã đã làm phát sinh nhiều bất cập trong hoạt động của KTNN, nhất là với các cơ quan quản lý Nhà nước khác. “Chúng tôi đã rất khổ vì hai chữ “chuyên môn” – ông Huệ giãi bày.