Xây dựng Luật Tiếp cận thông tin: Bảo vệ quyền được thông tin của công dân

08/07/2009
Tại “Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Tiếp cận thông tin và báo cáo đánh giá tác động của Luật Tiếp cận thông tin” do Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức cuối tuần qua, đã có một người dân nói rằng: “Chúng tôi không đói ăn, đói mặc... nhưng đói thông tin vô cùng” và hy vọng luật sẽ được ban hành sớm hơn chứ không phải tới năm 2012 mới có hiệu lực.

Quyền hiến định chưa được thể chế hoá

Quyền được thông tin là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 69 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. GS. TS. Nguyễn Đăng Dung cho biết, đây là quyền mới được bổ sung vào Hiến pháp năm 1992 vì các bản Hiến pháp của nước ta trước đó như Hiến pháp năm 1946, năm 1959 và năm 1980 đều chưa quy định về quyền này. Ông Dung khẳng định, sự bổ sung đó thể hiện tầm quan trọng của quyền được thông tin, đồng thời đặt trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân và phải có biện pháp cụ thể để công dân được thực hiện quyền của mình.

Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, tính hiệu quả của quy định trên vẫn kém bởi nó chưa được cụ thể hoá chi tiết và hướng dẫn thi hành. Cũng theo ông Dung, việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn khó khăn, dẫn tới tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền chưa được thực hiện, biểu hiện rõ nhất là trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải toả, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai… Vì thế, hiện tượng quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, hách dịch, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật trong cơ quan nhà nước vẫn phổ biến, dẫn tới hiện tượng khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp – ông Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật có quy định về chức danh người phát ngôn của các cơ quan nhà nước (Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ), song nhiệm vụ của người phát ngôn mới là cung cấp thông tin cho báo chí, chứ không bao gồm việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của công chúng. TS. Tường Duy Kiên (Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) nhận xét, về cơ bản, hoạt động của người phát ngôn là không thường xuyên, chỉ mang tính định kỳ và theo một số vụ việc. Cơ chế người phát ngôn chưa thực sự là giải pháp hữu hiệu để tăng cường, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng ở nước ta hiện nay.

Luật tiếp cận thông tin sẽ là cơ chế hữu hiệu?

Quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin là quyền có giới hạn. Có nghĩa là tự do thông tin không phải tất cả các tin tức của nhà nước đang nắm giữ sẽ công khai hết và tiếp cận thông tin không đồng nhất với việc cá nhân, công dân được tự do tìm kiếm, tiếp cận tất cả các loại hồ sơ, tài liệu lưu giữ thông tin. Điều này cũng được đề cập ngay trong khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966: “Việc thực hiện quyền này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt, và do đó có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định do pháp luật quy định”. Ở Việt Nam, các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến nội dung, phạm vi công khai thông tin đều quy định nguyên tắc chung rằng, công khai thông tin trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước. Bên cạnh nguyên tắc chung trên, giới hạn của việc công khai, minh bạch và cung cấp thông tin còn được quy định trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 1991. Theo đó, có 3 cấp độ thông tin miễn trừ tiết lộ là tuyệt mật, tối mật và mật.

Cụ thể hơn nữa, dự luật Tiếp cận thông tin đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã xác định rõ các thông tin được tiếp cận (thông tin được công bố công khai rộng rãi và thông tin tiếp cận theo yêu cầu) và thông tin không được tiếp cận (các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh) hoặc chưa được tiếp cận (thông tin đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thông tin đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo). Ông Nguyễn Bốn Bảy - một người dân ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ (Hà Nội) phấn khởi cho rằng, Luật Tiếp cận thông tin sẽ là “phao cứu sinh” của người dân vì luật này là gốc của nhiều vấn đề như quy chế dân chủ ở cơ sở hay dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Ngọc Giao (khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội), cần bổ sung điều khoản để bảo đảm tính thực thi của luật, tránh lặp lại câu chuyện của Pháp lệnh Dân chủ cơ sở. Ông Giao kiến nghị, nên có cơ chế bảo vệ người dân khi bị từ chối yêu cầu cung cấp thông tin bằng chính những thiết chế của Luật Tiếp cận thông tin, còn nếu cứ đẩy vấn đề sang cho Luật Khiếu nại, tố cáo thì sẽ không hiệu quả trong lúc bản thân luật đó đang có bao nhiêu vấn đề. Ngoài ra, Luật cũng cần quy định sẽ xử lý cán bộ, công chức như thế nào khi từ chối cung cấp thông tin không đúng quy định.

Ông Trương Anh Tuấn, đại diện HĐND tỉnh Nam Định, cũng đề xuất, dự luật phải quy định rõ cán bộ, công chức sẽ chịu trách nhiệm như thế nào chứ không nên chỉ quy định chung chung như khoản 3 Điều 28 của dự thảo luật: “việc từ chối cung cấp thông tin do người đứng đầu cơ quan hoặc người được uỷ quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định từ chối”. Ông Tuấn cho rằng, nếu không có chế tài để bảo đảm tính khả thi thì nhiều quy định của dự luật chỉ là “nói cho oai” mà thôi.

Thục Quyên

Người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước, những vấn đề thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, những vấn đề không thuộc quyền phát ngôn; Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; Những văn bản, chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. (trích Quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí)