Luật hóa việc bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán: Không cho phép cơ quan có thẩm quyền thụ động!

07/10/2009
Dự án Luật Phòng, chống buôn bán người đã được chính thức đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII. Nếu được thông qua đây sẽ trở thành đạo luật chuyên biệt  định hướng cho công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn buôn bán người đang diễn ra ngày càng phức tập. Trong những nội dung dự kiến của dự án luật thì các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán  là nội dung hết sức cần thiết và có vai trò quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn này.

Đã bị buôn bán vẫn phải chịu xử phạt hành chính

Việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của tội phạm nói chung là cần thiết nhằm tránh cho nạn nhân khỏi bị tổn thương về thể chất và tinh thần, để họ dễ dàng hòa nhập lại với cuộc sống cộng đồng. Riêng với nạn nhân bị buôn bán việc quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ được luật định lại càng có ý nghĩa. Chính vì thế, các pháp luật nhiều nước trên thế giới cũng như pháp luật Việt Nam đều có những quy định hết sức chặt chẽ trong vấn đề bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Ví dụ, không cho phép áp dụng biện pháp xử lý bằng pháp luật đối với nạn nhân bị buôn bán (Luật Phòng, chống buôn bán người Myanmar) về tội buôn bán người hoặc các tội khác có liên quan đến buôn bán người; thiết lập các cơ sở đặc biệt nhằm bảo vệ nạn nhân bị buôn bán (Luật Phòng, chống buôn bán người Azerbaizan); không trừng phạt nạn nhân, bảo vệ an toàn thể chất và sự riêng tư của nạn nhân trong quá trình tố tụng (pháp luật Việt Nam hiện hành)...

Tuy nhiên, vì chưa có một đạo luật chuyên biệt về phòng chống buôn bán người nên luật pháp nước ta vẫn tồn tại không ít bất cập trong việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán. Đó là, pháp luật không quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm cho nạn nhân bị buôn bán nên việc xử phạt hành chính những người có hành vi vi phạm pháp luật là hậu quả trực tiếp của việc bị buôn bán vẫn có thể xảy ra; những quy định của BLTTHS 2003 về việc bảo vệ an toàn thể chất và giữ bí mật đời tư và nhận dạng cho người bị hại, chỉ mới dừng ở việc đưa ra các nguyên tắc chung chứ  không có các quy định nào khác quy định riêng biệt về vấn đề bảo vệ nạn nhân bị buôn bán; các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán mới chỉ được quy định ở một số văn bản dưới luật, không có hiệu quả pháp lý cao. Hơn nữa, các quy định về hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán mới chỉ hướng tới đối tượng nạn nhân bị buôn bán trở về từ nước ngoài đã qua xác minh và tiếp nhận. Trong khi đó, chưa có văn bản pháp luật nào quy định chính sách hỗ trợ đối với các nạn nhân bị buôn bán trong nước...

Mở rộng tới cả nạn nhân bị buôn bán trong nước

Bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán là một trong những nội dung quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tệ buôn bán người. Từ đó, có thể nói, việc Luật Phòng, chống buôn bán người có hẳn một chương riêng để quy định về vấn đề này là hết sức cần thiết. Trong cuộc hội thảo về xây dựng Luật Phòng chống buôn bán người do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia pháp lý và đại diện các cơ quan, tổ chức cho rằng quy định về bảo vệ nạn nhân bị buôn bán cần đi theo hướng quy định trách nhiệm chủ động bảo vệ nạn nhân của các cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải thụ động chờ nạn nhân yêu cầu mới có các biện pháp bảo vệ. Hơn nữa, các biện pháp này phải được áp dụng trong toàn bộ quá trình từ khi phát hiện được nạn nhân bị buôn bán, chứ không thu hẹp trong quá trình tố tụng. Từ đó, có thể đưa ra một số biện pháp bảo vệ như: phát hiện, tố giác các vụ việc buôn bán người; ngăn chặn, giải cứu, bảo vệ khẩn cấp nạn nhân bị buôn bán; bảo vệ an toàn thể chất và bí mật cá nhân cho nạn nhân bị buôn bán.

Tiếp đến, việc hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, về nguyên tắc nên luật hóa các quy định hiện hành về hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán của Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, đối tượng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ không chỉ thu hẹp với nạn nhân bị buôn bán trở về từ nước ngoài, mà phải mở rộng đối với cả các nạn nhân bị buôn bán trong nước đã được các cơ quan có thẩm quyền xác minh. Luật nên quy định các biện pháp hỗ trợ ban đầu đối với nạn nhân như: cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội; cung cấp nơi ăn ở, tư vấn tâm lý xã hội tại các trung tâm, nhà tạm lánh dành cho nạn nhân đối với các nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đưa nạn nhân vào các cơ sở tiếp nhận nếu nạn nhân có nhu cầu...

Hồng Minh

Được trợ giúp pháp lý mà không biết

Nạn nhân bị buôn bán là một trong những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp luật miễn phí tại các Trung tâm trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, vì hiện nay vấn đề này chưa được ghi nhận bằng văn bản pháp luật của Nhà nước nên có những trường hợp nạn nhân bị buôn bán không biết được rằng mình thuộc diện được trợ giúp pháp luật miễn phí, trong khi đó lại không đủ khả năng tài chính để thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình trong quá trình tố tụng, làm hạn chế khả năng được bảo vệ của nạn nhân.

“Để thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân bị buôn bán, chúng tôi cũng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ nạn nhân. Quỹ hỗ trợ nạn nhân được thành lập để hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở tiếp nhận nạn nhân và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Quỹ hỗ trợ nạn nhân được huy động từ sự đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, ngân sách Nhà nước” - Bà Đỗ Thúy Vân, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp