Chất lượng công tác văn bản của Bộ Tư pháp từ góc độ cán bộ: Người mới tăng một thì việc đã tăng hai (Bài I)

02/10/2009
Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác văn bản để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tựu trung ý kiến của các đại biểu tham dự tọa đàm cho thấy, sở dĩ chất lượng công tác văn bản của Bộ Tư pháp trong thời gian gần đây có nhiều biến động là do ảnh hưởng từ yếu tố nhân lực. Hay nói cách khác, chất lượng của hoạt động xây dựng văn bản đang chịu sự tác động ngược trở lại từ chính những yêu cầu khách quan, chủ quan của hoạt động này.

Tăng như vẫn thiếu

Nếu so với thời điểm Nghị định số 63/2003/NĐ-CP thì số lượng cán bộ của các đơn vị xây dựng pháp luật thuộc Bộ Tư pháp (bao gồm Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Viện Khoa học pháp lý) đã tăng lên 55%, từ 70 cán bộ năm 2003 lên 109 cán bộ năm 2009. Thế nhưng, so với khối lượng và tính chất phức tạp của công việc được giao thì số lượng công chức trực tiếp làm công tác xây dựng VBQPPL vẫn còn thiếu rất nhiều. Cụ thể, nếu như từ năm 2003 -2009, số lượng cán bộ của các đơn vị xây dựng văn bản tăng hơn 50%, thì chỉ riêng trong lĩnh vực thẩm định góp ý văn bản trong 3 năm 2006-2008 số lượng văn bản thẩm định đã tăng 100%, số lượng văn bản góp ý tăng 75% so với giai đoạn 2002-2004. Cá biệt, một số đơn vị vẫn chưa đảm bảo đủ số lượng biên chế theo chỉ tiêu được giao.

Vẫn tồn tại tình trạng mất cân đối kiến thức

Mặc dù tính đến tháng 7/2009, tỷ lệ cán bộ có trình độ sau Đại học của các đơn vị xây dựng pháp luật là 35%, lớn hơn nhiều so với con số 21,4% vào năm 2003. Trong nội bộ đội ngũ cán bộ, tình trạng mất cân đối giữa kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành vẫn còn tồn tại. Hầu hết công chức của các đơn vị xây dựng pháp luật có chuyên môn về luật, trong đó, nhiều lĩnh vực xây dựng văn bản có chứa đựng những nội dung kinh tế, kỹ thuật chuyên sâu, khiến cho đội ngũ cán bộ này gặp không ít khó khăn khi tiếp cận để thẩm định và góp ý văn bản. Theo thống kê thì trong các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp chỉ có 6,4% công chức có thêm 01 bằng đại học chuyên ngành khác, nhưng vẫn chủ yếu là đại học ngoại ngữ. Vì thế, sự hiểu biết và khả năng phân tích chính sách, dự báo tác động của văn bản đối với đời sống kinh tế - xã hội, năng lực tổ chức thực hiện chính sách của một bộ phận cán bộ vẫn còn rất hạn chế.

Mặt khác, cùng với xu hướng trẻ hóa cán bộ thì tỷ lệ cán bộ có thời gian thâm niên công tác dưới 5 năm cũng tăng lên, chiếm tới 36,7% tổng số cán bộ của các đơn vị. Trong khi đó, công tác xây dựng VBQPPL đòi hỏi cán bộ vừa phải có khả năng lý luận lại vừa phải có năng lực thực tiễn để pháp hiện phân tích vấn đề từ đó khái quát thành các quy phạm áp dụng chung. Với thời gian công tác ngắn như vậy, đội ngũ cán bộ chưa có đủ thời gian để làm một lúc hai nhiệm vụ tích lũy kiến thức và thu nạp kinh nghiệm, nên sự ảnh hưởng đến chất lượng văn bản là điều không thể tránh. Đó còn là chưa nói đến xu hướng trẻ hóa cán bộ cũng làm giảm tỷ lệ cán bộ ngạch chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp từ 42,9% (năm 2003) xuống còn 24,7% trên tổng số cán bộ.

Ban hành tiêu chuẩn đi đôi với bồi dưỡng nghiệp vụ

Để đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ của công tác văn bản trong tình hình mới, thì theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp Trần Văn Quảng, nhất thiết phải xây dựng quy hoạch chung cho đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác này theo hướng một đội ngũ cao về năng lực, sâu về chuyên môn để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ soạn thảo, thẩm định, góp ý và kiểm tra văn bản. Nhưng, muốn vậy, trước mắt cần nhanh chóng xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Đây sẽ là kim chỉ nam cho việc tuyển chọn, sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ của cơ quan Bộ, cũng như các cơ quan tư pháp địa phương để phục vụ công tác này.

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cũng là một việc cần làm ngay, sao cho công chức của các đơn vị xây dựng pháp luật ít nhất phải được bồi dưỡng nghiệp vụ 1 lần/1 năm để cập nhật cả kiến thức pháp lý, xã hội lẫn kỹ năng cần thiết. Nhưng, nói như thế không có nghĩa là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng  sẽ được tiến hành theo lối chung chung, mà phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ, yêu cầu thực tiễn của chính các đơn vị xây dựng pháp luật – ông Quảng nhấn mạnh.

Hồng Minh

Bộ Tư pháp : Bình quân một tháng thẩm định 36 văn bản

Trong 3 năm 2006-2008, Bộ Tư pháp đã thẩm định 1.068 văn bản, đề án và 225 điều ước quốc tế. Bình quân mỗi tháng, thẩm định 36 văn bản, tăng 100% so với giai đoạn 2002-2004 (bình quân mỗi tháng thẩm định từ 15-18 văn bản); số lượng văn bản góp ý là 2.469 văn bản, tăng gần 75% so với giai đoạn 2002-2004.

Từ năm 2005-2008, Cục Kiểm tra VBQPPL đã tiến hành kiểm tra được 14.557 văn bản của trung ương và địa phương, trong đó phát hiện sai sót 1.788 văn vản. Như vậy, bình quân mỗi tháng Cục tiến hành kiểm tra được 303 văn bản.