Luật Bảo hiểm y tế chính thức được triển khai toàn quốc: Khi người bệnh cùng “gánh”...

30/09/2009
Từ 1/10/2009, thay vì được bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh như trước đây, người bệnh sẽ phải đóng góp hơn từ 5-20%, khi Luật Bảo hiểm y tế chính thức được áp dụng thay thế các quy định cũ.

“Gánh” để gắn bó trách nhiệm      

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), người tham gia BHYT theo nhiều diện khác nhau và có 3 mức được chi trả là: 100%, 95% và 80%, song song với việc người bệnh sẽ phải đóng góp thêm từ 5-20% chi phí khám chữa bệnh.

Tại sao lại có quy định các mức chi trả là 100%, 95% và 80%, trả lời báo giới, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế Tống Thị Song Hương đã cho biết, trong quá trình xây dựng luật các nhà làm luật đã tính đến chính sách với những đối tượng mà Nhà nước cần quan tâm. Ví dụ như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công thì được chi trả ở mức 100%, còn các đối tượng khác như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì phải chi trả ở mức thấp nhất là 5%, còn lại các đối tượng khác phải chìa vai “gánh” cùng  20%.

Theo bà Hương, quy định này được xem như một cách gắn bó trách nhiệm của người tham gia BHYT với Quỹ BHYT để cùng kiểm soát chi phí khám chữa bệnh (ví dụ như người bệnh sẽ cân nhắc hơn khi yêu cầu thầy thuốc cung cấp các dịch vụ khi chưa thật cần thiết...), nhằm ngăn chặn tình trạng “vỡ” quỹ và cũng chính vì quyền lợi của người tham gia BHYT. Như vậy có thể hiểu, BHYT không phải thuốc hay một phương pháp chữa bệnh mà chỉ là một giải pháp tài chính có nhiệm vụ bắc cầu để người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng như giúp ngành y nâng cao khả năng khám chữa bệnh hơn.

Bệnh viện – việc chồng việc

Với quy dịnh cùng chi trả nói trên, như vậy là từ 1/10 các cơ sở khám chữa bệnh, ngoài việc chuyên môn còn phải bỏ thêm thời gian để tính toán phân loại các đối tượng cùng số phần trăm BHYT được hưởng. Điều này đồng nghĩa với việc các bệnh viện vốn đã bận nay lại càng bận hơn.

Theo tính toán của nhiều người, Luật BHYT quy định người bệnh phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh khi chi phí này vượt quá hơn định mức 15% của mức lương tối thiểu (tương đương với con số 97 nghìn đồng). Nhưng trong thực tế ít có bệnh nhân nào ra về với chi phí khám chữa bệnh khiêm tốn như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc trừ những đối tượng được hưởng 100% thì mọi người còn lại đều phải cùng chi trả ở các mức từ 5-20%. Và, để có thể xác định được ai ở mức nào bệnh viện cần phải có thời gian, đồng nghĩa với quá tải - chờ đợi.

Được biết, hiện nay, nhiều bệnh viện lớn đã hoàn thành các công tác chuẩn bị như trang bị thêm máy tính, sửa phần mềm để phù hợp với mã thẻ cùng chi trả; trang bị lại các dây chuyền hoạt động; đề nghị bên BHYT có những thông báo chung công khai với người bệnh để họ biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình một cách thấu đáo. Thậm chí cẩn thận hơn, có bệnh viện đã tập huấn thái độ ứng xử cho nhân viên y tế để ứng phó với những ngỡ ngàng, bức xúc ban đầu của bệnh nhân. Bên cạnh đó tiến hành thông tin, thông báo, phát tờ rơi để người bệnh đọc và hiểu về Luật BHYT ...

  Dương Minh

Theo con số mà Quỹ BHYT đưa ra, hiện việc thanh toán của quỹ luôn bội chi. Cụ thể, năm 2006, quỹ bội chi 1.200 tỷ đồng, năm 2007, 1.800 tỷ và năm 2008 là 1.470 tỷ. Vì vậy, việc thực hiện cùng chi trả của người bệnh cần thiết phải được đưa ra. Nhưng, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều người mắc bệnh nặng như tim mạch, ung thư, chạy thận... nếu không thuộc đối tượng được BHYT chi trả toàn bộ thì sẽ  phải chịu chi phí khá lớn vì mức chi trả của BHYT chỉ chiếm khoảng 20-30% chi phí điều trị (theo quy định của Luật BHYT với các trường hợp sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, BHYT khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu tương đương với số tiền là 26 triệu đồng theo mức lương hiện hành)