Chiều 21/9, đại diện Tổ Biên tập Dự án Luật Thủ đô đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số Sở để thảo luận về những cơ chế đặc thù liên quan đến lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị. Một trong những nội dung được các đại biểu rất quan tâm là trong lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, Hà Nội có thể được giao những thẩm quyền đặc thù gì?
Theo Luật Giao thông vận tải (GTVT) năm 2008, Bộ GTVT thống nhất quản lý hệ thống đường bộ quốc gia (đường quốc lộ). Việc quy định này có bất cập là chậm triển khai duy tu bảo dưỡng chống xuống cấp các trục đường quốc lộ đi qua địa bàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan của thủ đô. Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Tô Anh Tuấn cho biết thêm, vấn đề bức xúc nữa trong giao thông tại Hà Nội là tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên các tuyến đường đó ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc giao cho Bộ GTVT quản lý những tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn thành phố còn khiến công tác quy hoạch đô thị gặp nhiều khó khăn. Thực trạng quản lý đối với tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long – Nội Bài đã chứng minh cho những bất cập đó. Vì thế, Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn mạnh dạn đề xuất, nên giao thẩm quyền quản lý các trục đường quốc lộ đi qua địa bàn thành phố cho UBND TP. Hà Nội. Như vậy, sẽ tăng tính chủ động cho chính quyền thành phố, khắc phục được những tồn tại trên.
Không những thế, nguồn vốn của TƯ hiện nay cấp cho việc đầu tư nâng cấp đường bộ phân tán cho nhiều đơn vị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nguồn vốn ODA, Bộ GTVT quản lý nguồn vốn từ ngân sách… Cơ chế này cản trở việc nhanh chóng triển khai vốn cho đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc gia qua địa bàn Hà Nội. Từ đó, cũng lại dẫn đến những hạn chế vừa phân tích trên đây. Một thành viên Tổ Biên tập kiến nghị, cần trao cho Hà Nội thẩm quyền quản lý nguồn vốn của TƯ cấp cho việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn vốn linh hoạt trong cải tạo hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của thủ đô.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GTVT cũng đề nghị, cần trao cho chính quyền thành phố có thẩm quyền quy định các giải pháp như nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn mức thông thường, quy định về điều kiện lưu hành phương tiện giao thông, hạn chế đăng ký lưu hành các loại phương tiện… Ông lý giải, quy định như vậy sẽ giúp Hà Nội giải quyết bài toán về an toàn giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn thủ đô – nơi có mật độ dân số đông nhất cả nước.
Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1592/QĐ-UB về việc đổi tên Sở Giao thông công chính thành Sở GTVT và chuyển chức năng, tổ chức quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị từ Sở GTVT sang Sở Xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản pháp luật này lại khiến việc quản lý hệ thống đường đô thị tại Hà Nội bị manh mún, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao. Đại diện Sở Xây dựng phân tích, cùng một con đường nhưng Sở GTVT quản lý đối với lòng đường, còn hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng, cây xanh lại thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Đối với hành lang đường bộ (hè đường - PV) lại được phân cấp về cho quận, huyện quản lý?! Vì vậy, UBND thành phố nên được giao thẩm quyền quy định về chức năng nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.
Sau khi lắng nghe các đề xuất, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu các Sở tiếp tục nghiên cứu để đề xuất chính thức về vấn đề phân cấp thẩm quyền quản lý là theo cấp độ hay theo địa bàn. Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên lưu ý, các Sở cần làm rõ khi áp dụng quy định pháp luật hiện hành vào thực tiễn của thủ đô thì gặp vướng mắc ra sao, đồng thời phân tích được trách nhiệm của các Bộ ngành, của toàn quốc đối với thủ đô. Có thế, mới xây dựng được cơ chế quản lý đặc thù của Hà Nội.
Cẩm Vân