Các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005: Khó đi vào đời sống!

30/07/2009
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc toạ đàm 2 ngày nhằm tổng kết tình hình 4 năm thi hành, hướng tới sửa đổi các quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005. Nhiều chuyên gia tham dự nhận xét rằng, phần hợp đồng của BLDS 2005 có những quy định rất tiến bộ song lại được xây dựng theo kiểu… tập hợp hoá và không khả thi!

Quá nhiều khiếm khuyết

TS. Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã dẫn ra hàng loạt ví dụ chứng minh cho sự cản trở các giao lưu dân sự của các quy định về hợp đồng trong BLDS 2005. Chẳng hạn, khi nói về tự do kinh doanh, mặc dù dễ tiếp cận hơn Hiến pháp 1992 nhưng BLDS 2005 mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên bố và liệt kê các quyền tự do kinh doanh (trong đó hầu hết là các quyền liên quan tới hợp đồng) mà không thiết lập được cơ chế thực hiện quyền khởi kiện các hành vi cản trở tự do kinh doanh phi chính đáng. Hay các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (GDDS) được quy định tại Điều 122 BLDS 2005 chưa thoả đáng trong khi lại có thêm các quy định về sự vô hiệu của hợp đồng ở Mục Nói chung về hợp đồng. Không những thế, BLDS 2005 cũng chưa có các quy định đủ để xử lý các trường hợp không thể thực hiện được hợp đồng và ngoại lệ của nguyên tắc thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng

Ông Cương còn nhấn mạnh, chế định đại diện tại Chương VII không phù hợp với xã hội Việt Nam hiện nay, nhất là các vấn đề liên quan đến nguồn gốc của đại diện, bản chất của trao quyền đại diện, tư cách của người đại diện, phạm vi đại diện, quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện… Cùng với ý kiến trên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Am Hiểu cho biết thêm, pháp luật nhiều nước trên thế giới thừa nhận đại diện đương nhiên trong mối quan hệ giữa vợ và chồng, nhưng pháp luật Việt Nam bắt buộc vợ chồng phải có giấy uỷ quyền nếu muốn là đại diện hợp pháp của nhau.

Về hình thức giao kết hợp đồng, theo khoản 1 Điều 401 BLDS 2005, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. TS. Nguyễn Ngọc Điện (ĐHQG TP. HCM) nhận xét, điều khoản này cho cảm giác trong suy nghĩ của nhà làm luật có sự lẫn lộn giữa các khái niệm điều kiện hình thức để có giá trị với điều kiện hình thức về chứng cứ. Nghĩa là, nếu luật không có quy định khác và nếu các bên không có thoả thuận gì đặc biệt, thì… không ai biết hợp đồng được giao kết dưới hình thức nào.

Đã đến lúc phải “cải cách”

Sau khi lý giải nguyên nhân của những khiếm khuyết trên, theo ông Cương, để tiến tới sửa đổi bất cập trong các quy định của BLDS 2005 về hợp đồng thì cần phải nhận thức rõ 3 đặc tính quan trọng của luật hợp đồng là luật tư mang tính chất điển hình, là một luật hỗ trợ cho các bên trong quan hệ hợp đồng với nhau và là một luật không đầy đủ do được tạo lập bằng ý chí của các bên. Với quan niệm BLDS phải là một đạo luật có tính chất nền tảng cho các đạo luật tư, ông đề xuất nên xây dựng mô hình BLDS trước khi viết các quy định cụ thể, trong đó có các quy định về hợp đồng.

TS. Nguyễn Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TANDTC) đánh giá, một số quy định về GDDS trong BLDS 2005 chưa phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung của thế giới. Từ đó, ông đưa ra một số đề nghị như loại bỏ phần GDDS được quy định tại chương 6 Phần thứ nhất của BLDS, loại bỏ Điều 127 BLDS, loại bỏ việc không tuân thủ quy định về hình thức là điều kiện tuyên bố GDDS vô hiệu, sửa đổi Điều 137 BLDS theo hướng “GDDS vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập; Khi GDDS vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, bên có lỗi phải bồi thường…”.

Hoàng Thư