Dự án Luật Thủ đô: Không gian pháp lý cho Hà Nội phát triển

27/07/2009
Một ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1102/QĐ-TTg về việc thành lập Ban soạn thảo (BST) dự án Luật Thủ đô, ngày (24/7), BST đã họp phiên đầu tiên để thảo luận về dự thảo Quy chế làm việc và dự kiến kế hoạch triển khai xây dựng Dự án Luật Thủ đô.

Pháp lệnh Thủ đô cần được nâng tầm!

Theo nghiên cứu sơ bộ của Bộ Tư pháp, hiện rất hiếm nước có Luật Thủ đô, nhất là những quốc gia theo mô hình Nhà nước đơn nhất như Việt Nam. Ngoài các nước theo mô hình liên bang như Canada, Australia, Ấn Độ… có Luật về Thủ đô, còn một số quốc gia khác như Trung Quốc, Liên bang Nga… chỉ có Quy chế về Thủ đô để qui định về những cơ chế đặc thù của Thủ đô. Ngày 28/12/2000, UBTVQH ban hành Pháp lệnh Thủ đô – văn bản pháp lý đầu tiên qui định về cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của Thủ đô suốt 8 năm qua.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có những đòi hỏi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển nên Pháp lệnh Thủ đô đã trở nên bất cập, không còn đủ sức “gánh vác” sứ mệnh. Hơn nữa, Pháp lệnh với những cơ chế riêng cho Thủ đô mà các luật khác không nên không thể thực hiện được các qui định của Pháp lệnh trong thực tiễn. Đó là những lý do cấp bách để xây dựng Luật Thủ đô, tạo một điểm tựa pháp lý cho Hà Nội tiếp tục phát triển xứng tầm Thủ đô của một quốc gia trong thời kỳ mới. Cùng nhận định với Chủ tịch thành phố, ông Kiều Đình Thụ (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) thấy rằng, Pháp lệnh chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ để Thủ đô phát triển, nên phải có một đạo luật với những qui định đặc thù để Hà Nội phát triển bền vững.

Trưởng ban - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường hy vọng, Luật Thủ đô sẽ tạo được không gian pháp lý cho Hà Nội để thu hút đầu tư, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát các hoạt động của thành phố. Luật Thủ đô có vị trí, vai trò quan trọng không chỉ đối với Hà Nội mà đối với cả nước trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình qui hoạch, phát triển hiệu quả mọi mặt theo các cơ chế, chính sách đặc thù mà Pháp lệnh Thủ đô chưa giải quyết được.

Luật không chỉ để hô khẩu hiệu

Đó là mong mỏi của tất cả các thành viên BST đối với dự án Luật đặc biệt này. Ông Phan Trung Lý (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội) cho rằng, dù đây là dự thảo Luật điều chỉnh riêng cho Thủ đô nhưng BST không nên quá tham vọng để đưa vào mọi vấn đề điều chỉnh về Thủ đô vì các Luật đã đề cập. Đồng tình với ông Lý, ông Nguyễn Văn Pha (Ủy viên thường trực TƯMTTQ Việt Nam) nhấn mạnh, Luật không nên quá chi tiết, mà chỉ chọn những vấn đề đặc thù để Luật Thủ đô không đơn thuần là những khẩu hiệu hay là sự tập hợp các qui định pháp luật.

Cũng đồng ý kiến với ông Pha, Phó Trưởng ban - Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, ngay từ bây giờ phải quan tâm đến công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao - cơ sở bảo đảm sự thuận lợi cho sự ra đời của Luật Thủ đô. Bên cạnh đó, Luật phải đề cập được trách nhiệm của cả nước đối với thủ đô, những cơ chế đặc thù hơn của Hà Nội so với các địa phương khác, nhất là trong qui hoạch và quản lý đô thị, hay đưa ra những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe hơn đối với công dân thủ đô, để thúc đẩy thủ đô phát triển.

Còn đại diện Bộ Công thương đề nghị, để tránh tình trạng “khẩu hiệu hóa” các qui định của Luật Thủ đô, cần thêm thời gian cho các hoạt động khảo sát tình hình thực hiện và tổng kết 8 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô, tập hợp, hệ thống hóa VBQPPL liên quan đến vấn đề phân cấp, qui định đặc thù đối với Hà Nội, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Trong khi đó, theo ông Kiều Đình Thụ, muốn Luật Thủ đô có tính khả thi cao phải dựa trên yêu cầu thực tiễn về sự phát triển của bộ máy quản lý, chất lượng công chức, đời sống người dân, kinh tế, văn hóa, giá trị 1000 năm Thăng Long… Trăn trở về tính khả thi của dự án Luật, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, phải dự trù việc phát triển, qui hoạch Thủ đô để có những chính sách, cơ chế cho Thủ đô tương ứng, tránh “vết xe đổ” như khi thi hành Pháp lệnh bởi Pháp lệnh có những qui định “vượt” văn bản khác nhưng lại không đi vào cuộc sống.

Dự kiến, Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội xem xét và ban hành tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2010) để kịp thi hành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội./.

Huy Long

Trưởng ban - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Việc thành lập BST dự án Luật Thủ đô thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân đến sự phát triển của Hà Nội, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội – sự kiện trọng đại không chỉ của Thủ đô, mà của cả nước - nên  việc xem xét xây dựng dự án Luật Thủ đô có ý nghĩa chính trị, tinh thần to lớn.

Đây là Dự án luật phức tạp,thể hiện các chế độ, chính sách, cơ chế cho Thủ đô dưới dạng các qui phạm pháp luật, phù hợp, đồng bộ, hài hòa với các Luật khác, tránh “hô khẩu hiệu” như Pháp lệnh Thủ đô để Luật có tính khả thi cao”.

 

Ông Phan Trung Lý (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội): “chất lượng, khả thi và hiệu quả nhất là khi Luật xác định được “mốc” để phát triển Thủ đô”.