Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Quy định cần khả thi

16/06/2009
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, hôm qua 15/6 Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Chứng chỉ hành nghề: nên có giá trị trên toàn quốc

Nhiều đại biểu không đồng ý với tên gọi của Dự thảo vì cho rằng các quy định của Luật chủ yếu về quản lý và hành nghề y, dược, chưa quan tâm nhiều đến quyền lợi của bệnh nhân.

Đại biểu Võ Thị Dễ (Long An) đồng tình với Dự thảo Luật là cấp Chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên bà Dễ đề nghị cần quy định rõ thủ tục để không gây phiền hà cho cán bộ y tế, đồng thời đẩy mạnh phân cấp về cho địa phương, giao cho y tế các tỉnh, thành phụ trách và Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát.

Không đồng tình, đại biểu Triệu Thị Bình cho rằng: tôi đề nghị chỉ cấp chứng chỉ cho người hành nghề y tế tư nhân và không nhất thiết phải cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước. Bà Bình dẫn chứng: hiện nay các cơ quan quản lý Nhà nước về y tế chỉ mới cấp chứng chỉ hành nghề cho người đứng đầu cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Số này chỉ chiếm 1/7 tổng số cán bộ y tế đang hành nghề. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề cho cả y tế công và cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện tư tức là khoảng 250.000 cán bộ y tế thì với những điều kiện như hiện nay của ngành y tế sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện và tốn kém cho ngân sách.

Một nội dung gây nhiều tranh cãi là giá trị của chứng chỉ hành nghề. Đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam) phản ứng: không nên quy định là Bộ trưởng cấp thì dùng được trong cả nước, còn Giám đốc Sở Y tế cấp thì chỉ có sử dụng được trong nội tỉnh thôi. Quy định như vậy sẽ phân biệt đối xử. Ông Hồng lấy ví dụ một người hành nghề buổi sáng muốn chữa bệnh ở Hà Nội, buổi chiều muốn chữa ở Hưng Yên, sau đó buổi tối lại muốn sang Hải Dương thì một ngày 3 lần phải đổi lại chứng chỉ hành nghề thì không thể làm được.

Nhiều đại biểu đồng tình với ông Hồng vì cho rằng chứng chỉ hành nghề trong nước không thừa nhận lẫn nhau thì không thể thừa nhận giữa các nước.

Bác sỹ công không được tham gia thành lập bệnh viện tư?

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh đang theo hướng cấm cán bộ, công chức ngành y được thành lập, tham gia thành lập, quản lý điều hành bệnh viện tư nhân. Quy định này gây nhiều tranh cãi. Đại biểu Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) cho rằng thực tế cán bộ y tế công đăng ký hành nghề tư nhân rất phổ biến và đồng tình với Dự thảo luật nhưng đề nghị cần quy định rõ một bác sỹ ở bệnh viện Nhà nước được phép đăng ký bao nhiêu chỗ hành nghề tư nhân cũng như làm hợp đồng với bao nhiêu cơ sở y tế tư nhân. Như vậy sẽ tránh tình trạng chủ yếu làm tư để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, bà Sáng cũng tỏ rõ sự băn khoăn, vì nếu quy định như vậy sẽ khó khăn cho ngành y tế khi đề xuất với Nhà nước về tăng chế độ, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế ở vùng miền núi, nông thôn, nơi không có điều kiện làm tư nhân.

Đại biểu Trần Thị Hằng (Nam Định) đề nghị cần phân biệt rõ giữa công chức đứng tên thành lập, quản lý cơ sở khám bệnh tư với công chức y tế làm thêm ngoài giờ hành chính. Trường hợp thứ nhất nên cấm hoàn toàn nhưng với trường hợp thứ hai thì không nên nhưng phải có biện pháp hữu hiệu để quản lý, tránh tình trạng lôi kéo bệnh nhân từ các cơ sở công lập ra ngoài để khám tư theo kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong”

Cần ưu tiên hơn cho người bệnh

Mang tên Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhưng thực tế dự thảo “nghiêng” quá nhiều về quản lý hành nghề y mà xem nhẹ quyền lợi của người bệnh. Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi góp ý vào dự luật này. Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) dẫn chứng: chỉ có 10 trong số 81 điều của Dự thảo luật đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người bệnh. Và còn nhiều bất cập trong hoạt động khám, chữa bệnh mà xã hội rất quan tâm chưa được nêu ra. Đó là chất lượng của dịch vụ y tế, công bằng y tế, chi phí y tế, y đức… tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh.

Cũng về quyền lợi của người bệnh, đại biểu Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) đặc biệt nhấn mạnh vấn đề bảo đảm công bằng xã hội trong khám, chữa bệnh để tạo cơ hội cho mọi người đặc biệt là người nghèo, người ở các vùng khó khăn đều có quyền tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh .Vấn đề cần được thể hiện rõ trong dự án luật. Đại biểu Hương đề nghị cần tổng kết việc thực hiện những chính sách ưu tiên về khám, chữa bệnh cho những đối tượng này trong thời gian qua để tiếp tục có nhiều ưu đãi hơn cho họ.

Bổ sung những quy định cụ thể về quyền của người bệnh trong khám chữa bệnh, một số đại biểu Quốc hội còn đề nghị với các quy định đã có trong Dự thảo Luật cần xem xét để đảm bảo tính khả thi. Ví dụ như quy định cán bộ y tế phải đáp ứng khi người bệnh muốn tiếp cận hồ sơ bệnh án, phải chỉ dẫn làm các thủ tục và tư vấn về tình trạng sức khỏe của người bệnh… bởi trong điều kiện các bệnh viên đều đang quá tải như hiện nay thì quy định này là rất khó khả thi.

Bình An

“Một người buổi sáng muốn chữa bệnh ở Hà Nội, buổi chiều muốn chữa ở Hưng Yên, sau đó buổi tối lại muốn sang Hải Dương thì một ngày 3 lần phải đổi lại chứng chỉ hành nghề thì không thể làm được” (Đại biểu Lê Minh Hồng – Hà Nam)