Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm có dấu hiệu trái pháp luật: Kiểm tra viên văn bản – tại sao không? (Bài 3)

15/06/2009
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ Tư pháp đăng tải lấy ý kiến trên Cổng thông tin của Bộ. Bên cạnh những nội dung cũ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, dự thảo đã đưa ra được nhiều nội dung mới để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn công tác kiểm tra xử lý văn bản quy phạm có dấu hiệu trái pháp luật hiện nay.

Ba hình thức xử lý văn bản trái pháp luật

   Trước nay, mỗi khi một văn bản pháp quy trái luật nào bị phát hiện, bên cạnh việc tuýt còi, cơ quan kiểm tra văn bản sẽ đề nghị phải có hình thức xử lý phù hợp như đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ sửa đổi bổ sung hay ban hành văn bản mới. Tuy nhiên, không phải lúc nào yêu cầu này cũng được chấp hành nghiêm chỉnh. Ví dụ như văn bản điều chỉnh hoạt động xe khách tuyến của một thành phố mới đây, thay vì sửa đổi, bổ sung, một số điều khoản sai trái rồi ban hành mới văn bản, cơ quan ban hành đã hủy bỏ luôn toàn bộ văn bản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nội dung khác, cũng như bao công sức của các khâu xây dựng văn bản.

   Chính vì thế, trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là NĐ thay thế NĐ 135), nội dung này đã được đưa vào. Cùng với việc đưa ra các hình thức xử lý  văn bản trái pháp luật bao gồm: đình chỉ việc thi hành; hủy bỏ, bãi bỏ; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản (Điều 27), NĐ thay thế NĐ 135 cũng đưa ra quy định cụ thể với từng hình thức xử lý một.

Ban hành văn bản trái pháp luật – quy trách nhiệm cả cá nhân và tập thể

   Như đã nói ở bài trước, việc thiếu một cơ chế tài phán đã khiến cho “bệnh lý” ban hành văn bản trái luật diễn biến ngày một nặng hơn. Bên cạnh đó, thiếu vắng cơ chế tài phán cũng khiến cho các cơ quan ban hành văn bản trái luật coi thường tiếng còi của cơ quan kiểm tra văn bản. Vấn đề này đã được tính đến trong NĐ thay thế NĐ 135 với hẳn một điều luật mới (Điều 34). Theo đó, việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái luật “căn cứ vào nội dung, tính chất mức độ trái pháp luật của văn bản và hậu quả của nội dung trái pháp luật gây ra”. Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật sẽ bị xem xét trách nhiệm tập thể, đồng thời người đứng đầu cơ quan cũng bị xem xét trách nhiệm cá nhân. Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định... văn bản trái pháp luật, sẽ tuỳ theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản để quy trách nhiệm... Thẳng thắn mà nói, những quy định này chưa phải là một cơ chế tài phán cần thiết và hiệu quả. Nhưng, dù sao ở một góc độ nào đó, nó vẫn có hiệu lực răn đe, chấn chỉnh.

Sẽ có chức danh kiểm tra viên văn bản

   Nhằm đưa ra những cơ chế hoàn thiện đối với công tác kiểm tra, xử lý văn bản, NĐ thay thế NĐ 135 đã có một chương quy định các điều kiện đảm bảo. Trước hết, về biên chế, tổ chức chuyên trách kiểm tra văn bản bao gồm: Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp, Phòng (hoặc bộ phận) Kiểm tra văn bản thuộc pháp chế Bộ, ngành, Phòng Kiểm tra văn bản thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành, Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã và cuối cùng là cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã. Những người làm công tác kiểm tra văn bản hoặc sẽ được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề do Thủ tướng Chính phủ quy định (theo phương án 1) hoặc sẽ được trao chức danh “kiểm tra viên văn bản” nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, học vấn, thâm niên công tác pháp luật... và được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề.

   Tuy mới được đưa vào dự thảo luật, nhưng cụm từ “kiểm tra viên văn bản” đã không còn quá xa lạ với nhiều người, nhất là người đứng đầu các cơ quan tư pháp địa phương. Gần đây nhất, tại Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2008, Giám đốc các Sở Tư pháp Hải Phòng, Lào Cai, Trà Vinh... đã cùng đưa ra kiến nghị phải sớm có thể chế tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác kiểm tra văn bản làm việc, mà cụ thể là trao chức danh (cùng với chế độ đãi ngộ) cho những người này.

Bùi Nguyễn

Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản kiểm tra

Do hoạt động kiểm tra văn bản không phải là một thiết chế mang tính tài phán, nên trong thực thế không thể tránh trường hợp Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng một văn bản nào đó trái pháp luật mà cơ quan, cá nhân ban hành văn bản đó lại khăng khẳng bảo là đúng pháp luật. Để giải quyết tình huống này, NĐ thay thế NĐ 135 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản kiểm tra. Theo đó, cơ sở pháp lý để xác định nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra là những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm kiểm tra văn bản hoặc văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn đã được ký, ban hành, thông qua vào thời điểm ban hành văn bản được kiểm tra.