Những vấn đề “nóng” nhất được cử tri cả nước quan tâm đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong ngày trả lời chất vấn đầu tiên diễn ra hôm qua 11/6. Ba thành viên của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Bộ trưởng Bộ Công thương đã đăng đàn.
Gần 50% lao động nước ngoài được cấp phép.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Thị Thủy (Bình Định) hiện lao động nước ngoài vào Việt Nam rất nhiều, trong khi lao động trong nước lại thiếu việc làm, điều đó có ảnh hưởng thế nào đến người lao động trong nước, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải: di chuyển lao động giữa các nước là không tránh khỏi. Việt Nam đưa lao động ra nước ngoài thì nước ngoài cũng đưa lao động của họ vào Việt Nam.
Làm rõ hơn vấn đề nói trên, Bộ trưởng Kim Ngân cũng cho biết: hiện mới chỉ có khoảng 50% lao động nước ngoài được cấp phép. Số còn lại vào Việt Nam qua đường du lịch, thăm thân nên quản lý rất khó. “Tới đây, những người đủ điều kiện sẽ được cấp phép, còn nếu đã hết hạn visa thì tuyên truyền để họ về nước”.
Suy thoái kinh tế, Chính phủ đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP, như vậy tỷ lệ lao động được tạo việc làm mới có được điều chỉnh hay không? Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) đặt câu hỏi. Bộ trưởng Ngân cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản, còn những chỉ tiêu có liên quan thì Chính phủ Quốc hội cho phép được tự điều chỉnh. “Không có quốc gia nào tăng trưởng chậm lại mà chỉ tiêu tạo việc làm mới lại tăng lên”, Bộ trưởng Ngân khẳng định. “Theo tính toán, cứ tăng trưởng 1% thì tạo ra 0,34% việc làm mới, vì thế với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% thì sẽ tạo ra việc làm mới cho khoảng 1,45 triệu lao động. Như vậy, mục tiêu tạo ra việc làm mới cho 1,7 triệu lao động là không đạt được”
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ dạy nghề cho người tàn tật, đại biểu Nguyễn Đình Liêu, Ninh Thuận đặt vấn đề: hiện chế độ này đang rất thấp, liệu thời gian tới đây có thể thay đổi? Bộ trưởng Ngân cho biết: sắp tới chế độ hỗ trợ cho người tàn tật sẽ cao hơn mức hỗ trợ cho người nghèo ở nông thôn, khoảng 300 ngàn/người/tháng. Bộ trưởng cũng hứa sẽ chỉ đạo giải quyết nhanh chế độ cho cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa mà thời gian qua đang thực hiện rất chậm vì chưa có văn bản hướng dẫn hoặc do các địa phương chưa hoàn thiện về thủ tục.
Sẽ có hỗ trợ cho ngư dân
Mở đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT là các câu hỏi liên quan đến nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của cả nước. Đó là vấn đề về thủy lợi, về đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, kỹ thuật. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Chính phủ đang tổ chức rà soát quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long. Trước biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng lên, đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài nguồn vốn của Chính phủ, hiện Bộ NNPTNT cũng đang làm việc với ngân hàng thế giới để tạo thêm nguồn vốn cho phát triển thủy lợi của đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Đặng Thành Phong (Bến Tre) trăn trở: bao giờ thì nông nghiệp của ta mới hết lệ thuộc nước ngoài về phân bón và thuốc trừ sâu? Bộ trưởng thừa nhận: đến nay sản xuất trong nước mới đáp ứng được 50% phân đạm, 50% kali. Còn thuốc trừ sâu vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, đây là những vấn đề khoa học, chúng ta một mặt tiếp thu, một mặt khuyến khích sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu của nền nông nghiệp hiện đại.
“Nước ta là nước nông nghiệp, tại sao lại phải nhập hàng nông sản như gạo, đỗ tương, muối…, trong khi sản phẩm này trong nước đang khó tiêu thụ”, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đặt câu hỏi. Lý giải cho vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: một số mặt hàng như (ngô, muối…) hiện nay nông dân của ta vẫn sản xuất theo kiểu cổ truyền. Chính phủ sẽ có những hỗ trợ về khoa học, giống để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ sung: có những mặt hàng ta không tự túc được thì phải nhập, ngược lại có những mặt hàng ta có thế mạnh thì đẩy mạnh xuất khẩu.
Nông dân được hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngư dân đánh bắt xa bờ thì không được hưởng nhiều sự hộ trợ. Nhiều đại biểu đã dành câu hỏi tập trung cho vấn đề này. Giải đáp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: việc hình thành cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ngay trên biển (tiêu thụ sản phẩm, cung cấp xăng dầu…- PV), hiện Bộ đang dự thảo cơ chế chính sách, đã ký gửi xin ý kiến các bộ trước khi trình CP phê duyệt. Tương tự, chính sách hỗ trợ cho ngư dân khi bị dịch bệnh cũng đang được trình Chính phủ, trong đó có những mức hỗ trợ cụ thể.
Giá điện tăng: doanh nghiệp và người dân đều khó khăn
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Trần Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu thực tế: giá điện tăng khiến cuộc sống của người dân đặc biệt là các sinh viên, công nhân phải thuê nhà trọ để ở. Đại biểu Hương nhấn mạnh: việc quy định giá điện giờ cao điểm ảnh hưởng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: lẽ ra việc tăng giá điện đã làm từ năm 2008. Tuy nhiên do kinh tế khó khăn nên mãi đến 2009 khi chỉ số giá tiêu dùng âm, giá cả một số mặt hàng giảm là thời điểm thích hợp mới điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rõ, việc điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc không xảy ra biến động lớn nền kinh tế, quan tâm không ảnh hưởng người nghèo, có thu nhập thấp. Tạo thói quen tiết kiệm năng lượng, xây dựng thị trường cạnh tranh giá điện.
Sau khi phân tích các nấc thang giá điện, Bộ trưởng cho rằng với một số nấc thang đầu tiên, nhà nước đã phải bù lỗ cho một số đối tượng (ví dụ hộ nghèo - PV). Còn về giá điện giờ cao điểm, Bộ trưởng nói rõ: vấn đề này không do ngành điện hay ngành công thương nghĩ ra mà là diễn biến tự nhiên, do cơ cấu tiêu thụ điện sinh ra. Điện sinh hoạt chiếm 50% điện tiêu thụ cả nước.Giờ cao điểm hiện nay không rơi vào 4 tiếng buổi tối mà còn cao điểm 2 tiếng buổi sáng. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì tất yếu sẽ thiếu điện. Đặt ra giá điện giờ cao điểm còn khuyến khích doanh nghiệp phân bổ giờ sản xuất của mình không căng thẳng phụ tải.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) liên quan đến tái cơ cấu tập đoàn điện lực VN (EVN), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: trong tình hình vận hành không có dự phòng như trong năm 2008, sang 2009 khả năng vận hành khá hơn, có chút dự phòng nhưng nếu có sự cố từ các nhà máy lớn thì sẽ thiếu điện, nên việc tái cơ cấu EVN cũng là bước đi phù hợp.
Ngoài vấn đề về giá điện, các đại biểu còn chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về dự án bô xít, anomin, về sự liên kết bốn nhà theo Nghị quyết 80 về tiêu thụ nông sản cho nông dân…Bộ trưởng Bộ Công thương trong phần trả lời chất vấn cũng đã nhận những thiếu sót trong quản lý của ngành đối với các lĩnh vực liên quan.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chất vấn các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ GD ĐT, Bộ TNMT và Bộ KHĐT.
Bình An
Đại biểu QH nói gì về chất lượng trả lời chất vấn?
* Đại biểu Điểu Điều (Bình Phước): Bộ LĐTBXH là một trong những bộ trả lời khá xuất sắc. Tôi cho rằng phải nắm chắc vấn đề Bộ trưởng mới trả lời được như vậy, nhất là những câu hỏi mang tính sự vụ, tình huống. Còn Bộ trưởng Bộ NNPTNT về nội dung cơ bản Bộ trưởng nắm được nhưng có lẽ do phong cách, Bộ trưởng nói chậm và có câu chưa đi thẳng vào vấn đề. Nếu trả lời nhanh hơn, đại biểu sẽ có thêm nhiều thời gian để chất vấn và nghe trả lời chất vấn.
* Đại biểu Võ Thị Thủy (Bình Định): Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nói như vậy về lao động nước ngoài tôi thấy thỏa mãn rồi. Do lao động đi du lịch ở lại là chính chứ thật sự lao động trong nước của mình có thiếu đâu mà phải đi thuê lao động phổ thông nên cái này ngoài tầm kiểm soát của bộ trưởng thì bộ trưởng có thể kiến nghị. Cái này phải kết hợp với các ngành khác. Tôi muốn hỏi thêm Bộ trưởng là về nhóm dành cho đối tượng trẻ em từ 15-18, nhóm lao động nào được nhận đối tượng đó. Bộ trưởng chưa trả lời cụ thể, vấn đề này có thể vì chưa có nhiều thời gian nên phải hỏi riêng Bộ trưởng dịp khác.