Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Dân quân tự vệ: Cần bổ sung thêm nhiệm vụ

17/06/2009
Thảo luận về dự án Luật nói trên trong ngày làm việc hôm qua 16/6, đại đa số đại biểu đều nhất trí cao sự cần thiết phải xây dựng Luật Dân quân tự vệ (DQTV) và khẳng định: lực lượng DQTV có vị trí quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh tổ quốc cả thời chiến và thời bình. Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị Dự án Luật của cơ quan soạn thảo.

Đồng tình với Dự thảo Luật, về nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, cơ quan quân sự tham mưu đối với tổ chức, hoạt động của DQTV, nhưng theo đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) thì thực tế lực lượng DQTV chủ yếu được tổ chức ở cơ sở. Do vậy đại biểu Chu đề nghị quy định theo hướng rõ hơn: hoạt động của DQTV đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cơ quan quân sự có vai trò tham mưu. Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết (Vĩnh Phúc) bổ sung: cần quy định cụ thể cơ chế Đảng lãnh đạo. Đại biểu Thuyết đề nghị: Đảng lãnh đạo DQTV như với quân đội và cần có quy định về trách nhiệm của Chủ tịch nước.

Đại biểu Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) cho rằng, Dự thảo Luật quy định 6 nhiệm vụ của DQTV nhưng chủ yếu là nhiệm vụ chiến đấu. Ông đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ của DQTV trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng bảo vệ tính mạng sức khỏe và tài sản nhân dân. Đại biểu Đỗ Căn , Hà Nội đồng tình: cần cụ thể nhiệm vụ này trong Luật vì thực tế hiện nay DQTV đã và đang làm nhiệm vụ này rồi.

Doanh nghiệp có tổ chức Đảng mới thành lập lực lượng tự vệ?

Tờ trình của Chính phủ hiện nay đang đưa ra hai phương án cho việc tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp và vấn đề này được các đại biểu Quốc hội thảo luận khá sôi nổi.

Theo đại biểu Phạm Quang Hợi (Hưng Yên) thì không nên lấy tiêu trí phải có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để tổ chức lực lượng DQTV vì như vậy sẽ tạo ra sự mất công bằng và giảm nguồn nhân lực cho quốc phòng. Đại biểu Hợi cho rằng nên lấy tiêu trí về quy mô lao động để quy định việc tổ chức lực lượng tự vệ. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Cường dẫn chứng: hiện có chỉ có 7265 doanh nghiệp có tổ chức DQTV, chiếm 7,21% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Con số này là rất nhỏ bé. Ngay cả bản thân các doanh nghiệp đã có tổ chức Đảng (trên 9 ngàn – PV) cũng chưa tổ chức được hết lực lượng tự vệ. Đại biểu Cường đồng ý như phương án Dự thảo Luật đưa ra, đó là đối với Doanh nghiệp có tổ chức Đảng đã hoạt động ổn định từ 12 tháng trở lên, quy mô lao động phù hợp thì phải tổ chức lực lượng Tự vệ.Còn Doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng cũng đủ các điều kiện như trên thì được tổ chức lực lượng Tự vệ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.Đối với  Doanh nghiệp chưa có tổ chức Tự vệ, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí thời gian và kinh phí bảo đảm cho người lao động của doanh nghiệp mình thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ ở địa phương nơi họ cư trú.

Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định việc tổ chức lực lượng tự vệ chưa khách quan vì chưa có những tiêu trí rõ ràng.

Nên rút ngắn thời hạn tham gia DQTV nòng cốt.

Hiện nay theo Pháp lệnh DQTV hiện hành, thời hạn phục vụ DQTV nòng cốt là 5 năm. Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội rút ngắn còn 4 năm. Đại biểu Quàng Thị Xuyến  (Sơn La) nêu quan điểm: tôi đồng ý với việc rút thời hạn nhưng cần có sự linh hoạt, đối với các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa - những nơi cần huy động nhiều lực lượng dân quân tự vệ thì có thể kéo dài hơn và vấn đề này nên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Hữu Cường, Nghệ An nói thêm: rút ngắn thời hạn là phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành.

Tuy nhiên, chưa đồng ý với chủ trương rút ngắn 1 năm so với pháp lệnh, đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) đề nghị rút xuống chỉ còn 3 năm và cần quy định rõ thời gian làm nhiệm vụ trong năm là bao nhiêu ngày. Ý kiến của ông Dũng cũng trùng với một số đại biểu khác khi thảo luận ở Tổ. Các đại biểu này cho rằng rút ngắn hơn thời hạn để tạo thêm nhiều nguồn nhân lực và giải quyết được công bằng xã hội, song theo Ủy ban Quốc phòng – an ninh Quốc hội thì thời hạn đó chưa đủ để bảo đảm chất lượng xây dựng, huấn luyện, hoạt động của DQTV. Cơ bản các đại biểu nhất trí với quan điểm này của Ủy ban Quốc phòng – an ninh trong buổi thảo luận chiều qua.

Ngoài những vấn đề quan trọng nhất của Dự luật các đại biểu còn kiến nghị dành quỹ đất quốc phòng an ninh để xây dựng thao trường, quan tâm hơn đến chế độ lực lượng tự vệ và vấn đề thành lập Quỹ quốc phòng an ninh.

Thu Hằng

 “Không nên lấy tiêu trí phải có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp để tổ chức lực lượng DQTV vì như vậy sẽ tạo ra sự mất công bằng và giảm nguồn nhân lực cho quốc phòng.”

(Đại biểu Phạm Quang Hợi – Hưng Yên)