Ký kết, gia nhập điều ước quốc tế - kinh nghiệm của Canada

25/03/2009
Hiến pháp Canada phân chia quyền lập pháp cho từng cơ quan từ cấp liên bang đến cấp tỉnh, thành phố, theo đó Quốc hội (cơ quan lập pháp liên bang) chịu trách nhiệm lập pháp về các vấn đề liên quan đến thương mại, cơ quan lập pháp cấp tỉnh chịu trách nhiệm lập pháp về những vấn đề liên quan đến phạm vi quản lý của các tỉnh và các cơ quan chính quyền địa phương khác cũng xây dựng pháp luật để điều chỉnh các vấn đề của địa phương do mình quản lý.

Thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế

Theo quy định của Hiến pháp Canada, Hoàng gia có đặc quyền về ký kết các điều ước quốc tế, đặc quyền này được Chính phủ Hoàng gia Anh trao cho cơ quan hành pháp Canada, và do vậy thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thuộc phạm vi quyền hạn của cơ quan hành pháp liên bang do Thống đốc Canada thực hiện, dưới sự tư vấn và chấp thuận của Hội đồng Cơ mật của Nữ hoàng Canada (Nội các), quyền về ký kết, gia nhập điều ước quốc tế của cơ quan hành pháp liên bang bao gồm cả các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp của cấp tỉnh vì theo quy định của Hiến pháp thì chính quyền cấp tỉnh không có quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế. Trong khi đó, chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) chỉ được toàn quyền ký các thoả thuận không ràng buộc với chính phủ các nước khác (cả ở cấp trung ương và địa phương). Ngoài ra, cơ quan chính phủ liên bang (như các Bộ) cũng có toàn quyền ký các thoả thuận không ràng buộc với chính phủ các nước. Mục đích của việc ký kết các thoả thuận không ràng buộc này là nhằm nâng cao khả năng hợp tác hành chính (công nhận các quy định pháp luật của nhau, ví dụ như về cấp giấy phép lái xe) cũng như chia sẻ các nguyện vọng và quan điểm chính trị .v.v… Chính quyền liên bang, địa phương và các cơ quan Chính phủ cũng có thể ký kết các hợp đồng thương mại với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (ví dụ như các hợp đồng thuê tài sản).

Quy trình ký kết điều ước quốc tế ở Canada

Bước1: Thông qua tham vấn, xác định và khẳng định các ưu tiên về chính sách đối với điều ước quốc tế. Bước này tiến hành thực hiện việc tham vấn với các Bộ khác của Chính phủ liên bang, với các tỉnh và vùng lãnh thổ, các nhóm liên quan và các tổ chức phi Chính phủ (như các tổ chức về môi trường) và các ngành công nghiệp liên quan.

Thảo luận, làm rõ nội dung dự thảo điều ước quốc tế  với quốc gia/các quốc gia khác

Bước 2: Xin phép cơ quan hành pháp liên bang (Nội các) về việc đàm phán điều ước quốc tế. Việc xin phép có thể được thực hiện thông qua hình thức văn bản “Báo cáo Nội các” hoặc thực hiện thông qua xác định và khẳng định việc Nội các uỷ quyền đàm phán.

Bước 3: Đàm phán điều ước quốc tế và rà soát lời văn điều ước quốc tế bằng tất cả các ngôn ngữ ký kết (rà soát pháp lý) và thống nhất dự thảo điều ước quốc tế (đây được coi là bước quan trọng trong quy trình ký kết điều ước quốc tế, thông thường một Đoàn đàm phán Canada từ khoảng 35 đến 85 người bao gồm các cán bộ chính sách thương mại, đại diện của các Bộ liên quan, các luật sư thương mại…)

Bước 4: Các nhà đàm phán Canada quay trở lại báo cáo Nội các về các vấn đề mang tính chính sách liên quan đến việc ký và phê chuẩn điều ước quốc tế đó.

Bước 5: Các nhà đàm phán Canada phải đảm bảo việc Nội các đã cho phép đầy đủ về mặt pháp lý cho việc ký điều ước quốc tế đó.

Bước 6: Trình điều ước quốc tế  đã ký lên Quốc hội với các Bản ghi nhớ giải thích kèm theo điều ước quốc tế.

Bước 7: Các nhà đàm phán Canada phải đảm bảo việc Nội các đã cho phép đầy đủ về mặt pháp lý cho việc phê chuẩn điều ước quốc tế  đó.

Bước 8: Ban Điều ước quốc tế phải lưu chiểu văn kiện phê chuẩn, đăng ký điều ước quốc tế với Liên Hợp quốc và công bố điều ước quốc tế  tại Niên giám điều ước quốc tế Canada.

            Thi hành điều ước quốc tế ở Canada

Theo pháp luật Canada, mặc dù một điều ước quốc tế đã có hiệu lực pháp lý nhưng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế không có giá trị áp dụng trực tiếp, để thi hành điều ước quốc tế Canada phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hoá. Việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của cơ quan hành pháp do Hoàng gia trao cho nhưng cơ quan này lại không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nội luật hoá cam kết trong các điều ước quốc tế, quyền ban hành văn bản để nội luật hoá điều ước quốc tế thuộc về cơ quan lập pháp bang và cấp tỉnh. Việc ban hành văn bản nội luật hoá sẽ tuỳ thuộc vào bản chất của điều ước quốc tế được ký kết, tức là tuỳ thuộc vào việc quyền và nghĩa vụ phát sinh có ảnh hưởng đến các biện pháp áp dụng trong nước hay không và các biện pháp áp dụng trong nước nào bị ảnh hưởng mà việc thi hành điều ước quốc tế có thể đặt ra việc ban hành văn bản pháp luật ở cấp liên bang, cấp tỉnh hoặc cả hai cấp. Như vậy, theo pháp luật canada thì một điều ước quốc tế nếu chưa được nội luật hoá thì sẽ chưa được thi hành.

Quy định về thi hành điều ước quốc tế của Việt Nam theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 có sự khác biệt với pháp luật Canada và nhiều nước trên thế giới, khoản 3 Điều 6 Luật này quy định căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.

Quản lý nhà nước về công tác điều ước quốc tế ở Canada

           Theo quy định của pháp luật canada, Bộ trưởng Bộ ngoại giao chịu trách nhiệm về các vấn đề ngoại giao của Canada, trong đó bao gồm các vấn đề quản lý và tiến hành việc đàm phán quốc tế; điều phối các quan hệ kinh tế quốc tế và phát triển quan hệ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể pháp luật có thể giao cho một cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ này. Mặc dù trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế gần như phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ các vấn đề thương mại quốc tế nhưng theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế chỉ giữ vai trò “giúp đỡ” Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong việc thực thi các chức năng liên quan đến thương mại quốc tế. Ngoài ra, các Bộ chuyên ngành, chính quyền cấp tỉnh cũng phối hợp với Bộ Thương mại. Việc theo dõi các thủ tục ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, lưu trữ tất cả các điều ước quốc tế là trách nhiệm của Ban Điều ước quốc tế” thuộc Vụ Pháp luật của Bộ Ngoại giao và Thương mại quốc tế - DFAIT.

TTT