Các Bộ trưởng trả lời chất vấn: Tập trung những vấn đề “nóng”

23/03/2009
Cuối tuần qua, tại phiên họp thứ 18 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 3 bộ trưởng (Bộ LĐTBXH, Bộ KHĐT và Bộ VHTTDL) đã trả lời chất vấn về một số vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lần trả lời chất vấn này đã tập trung hơn, có chất lượng hơn. Tuy nhiên, trong phạm vi trách nhiệm của mình các Bộ trưởng cần thực hiện lời hứa mà cử tri cả nước đang trông đợi.

Cơ chế xác định hộ nghèo: còn nhiều bất cập.

Đó là thừa nhận của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Kim Ngân trong nội dung chất vấn liên quan đến sai phạm của một số địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ cho người nghèo ăn Tết vừa qua. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã phát hiện hơn 10 địa phương sai phạm. Các sai phạm chủ yếu là chia không đều, chia chậm, chia không đủ… Tuy nhiên - chưa phát hiện cán bộ cơ sở tư túi, thậm chí tại nhiều địa phương khó khăn về giao thông (ví dụ các tỉnh miền núi phía Bắc) cán bộ cơ sở phải đem tiền đến tận nhà cho dân trong bối cảnh cái Tết đã cận kề mà không được hưởng một đồng thù lao nào, đó là điều đáng biểu dương - bà Ngân nói.

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thẳng thắn: cơ chế xác định hộ nghèo hiện nay đang có vấn đề. Hiện tổng số hộ nghèo của cả nước là hơn 2,3 triệu hộ với trên 9 triệu người nghèo. Tuy nhiên, thực tế con số có thể lớn hơn. Nhiều địa phương trước đây vì chạy theo thành tích nên có nhiều người nghèo thật không đưa vào danh sách, không được hỗ trợ trong dịp Tết rồi gây bức xúc trong dư luận.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết về trách nhiệm của Bộ LĐTBXH trong sự việc này, bà Ngân thừa nhận, để xảy ra sai phạm, Bộ cũng có một phần trách nhiệm. Cùng với việc chỉ đạo địa phương xem xét xử lý cán bộ, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo, đặc biệt trong việc rà soát lại hộ nghèo. Tuy nhiên, với hơn 11 ngàn xã, phường Bộ LĐTBXH không thể kiểm soát hết mà còn cần sự giám sát của chính quyền, HĐND, của Đoàn Đại biểu QH… các địa phương.

Về vấn đề trên 85 ngàn người mất việc do suy thoái kinh tế, bà Ngân cho biết, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ phương án hỗ trợ cho người lao động mất việc trong doanh nghiệp, người lao động VN ở nước ngoài phải về nước trước thời hạn (và đã được Chính phủ phê duyệt); có các chính sách tạo việc làm và đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt cho thanh niên các vùng nông thôn, cho học sinh, sinh viên nghèo…

Vùng sâu, vùng xa: có thể thực hiện chỉ định thầu.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu QH về thực tế hiện nay, nhiều dự án phải qua đấu thầu nhưng các địa phương thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc thừa nhận, tình trạng đó là có. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết: Với công trình có tính cấp bách ở vùng sâu, xa, biên giới… không có nhiều nhà thầu để lựa chọn thì cho phép chỉ định thầu. Nhưng, nơi nào, công trình nào được thực hiện hình thức chỉ định thầu phải do Bộ KHĐT quy định cụ thể về tiêu chí, trên cơ sở đề nghị của địa phương. Hiện nay, Luật đấu thầu cũng đang trong quá trình sửa đổi bổ sung, theo đó đảm bảo sẽ không có đấu thầu hình thức và sớm khắc phục tình trạng các nhà thầu ‘đạp chân” nhau.

Liên quan đến nhóm giải pháp kích cầu nền kinh tế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thực hiện nhiều chính sách tài chính, tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Quang Hải thì chúng ta đang kích cung nhiều hơn kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, một loạt các giải pháp mà Chính phủ đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua đã và đang tỏ ra có hiệu quả, so với tháng 1, các chỉ tiêu kinh tế tháng 2 đã tăng trưởng, nền kinh tế đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phúc cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề sử dụng 1 tỷ USD để hỗ trợ lãi suất trong vòng một năm. Trong khi đó, cho đến cuối tuần trước mới chỉ giải ngân được hơn 144 ngàn tỷ đồng. Nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp hỗ trợ phải ưu tiên cho nhóm đối tượng này, kích cầu là phải làm sao cân bằng giữa nhu cầu của người tiêu dùng với sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp.

Lê hội tràn lan, khó khăn cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh lần đầu tiên trả lời chất vấn trước UBTVQH nên cũng nhận được nhiều câu hỏi trong lĩnh vực quản lý của Bộ như tình trạng xâm hại di tích, vấn đề xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Đặc biệt liên quan đến việc phát triển lễ hội, nhiều đại biểu đặt vấn đề: nền kinh tế khó khăn mà lễ hội tràn lan (theo thống kê hiện cả nước có gần 8 ngàn lễ hội - PV), có lễ hội phải chi hàng tỷ đồng như vậy có nên không, vai trò của Bộ VHTTDL trong việc này ra sao. Bên cạnh một số cực ít lễ hội lịch sử cách mạng (332 lễ hội, chiếm hơn 4%) còn lại chủ yếu là lễ hội dân gian, làm thế nào để hạn chế bớt các lễ hội không cần thiết. Về vấn đề này Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận: bất cập lớn nhất trong lễ hội hiện nay tập trung chủ yếu lễ hội văn hóa, thể thao du lịch. Nó gây nhiều tốn kém không cần thiết nhưng các địa phương lại lúng túng trong việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức. Nhiều lễ hội diễn ra lộn xộn, quá tải gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự… Nhiều lễ hội diễn ra nhàm chán, kịch bản năm này qua năm khác giống nhau nhưng vẫn tồn tại.

Về vấn đề xây dựng nếp sống văn hóa, một số đại biểu QH nêu thực tế, hiện nay phía người dân chấp hành khá tốt nhưng ngược lại, nhiều cán bộ Đảng viên lại vẫn vi phạm, nhất là trong việc cưới, việc tang, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng đối với đối tượng là cán bộ đảng viên cần phát huy vai trò của các cơ quan trong việc giáo dục ý thức cho cán bộ của mình. Nếu có vi phạm phải xử lý triệt để sẽ làm gương cho người khác.

Thu Hằng