Triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Bao giờ có nhà tạm lánh?

20/03/2009
Ngày 21/11/2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Chính phủ cũng đã có văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, việc đưa các quy định của Luật vào cuộc sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề bảo vệ nạn nhân khi họ cần đến sự can thiệp của pháp luật.

Mới đây, trong một lần theo chân đoàn Trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động do Văn phòng TGPL cho Phụ nữ (PN) số 2 tại tỉnh Khánh Hòa tổ chức về xã Ninh Quang (Ninh Hòa, Khánh Hòa) - một địa phương có tình trạng BLGD diễn ra khá nhiều, mà nạn nhân đa phần là chị em PN, chúng tôi đã được nghe nói nhiều đến PCBLGĐ. Điều mà chị em PN ở đây quan tâm đến trong công tác PCBLGĐ là: Khi người bị BLGĐ tố cáo với chính quyền thì ai sẽ bảo vệ họ, nếu không tình cảnh của họ lại càng tồi tệ hơn?

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: ngay từ khi có Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Hội PN xã đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ Hội ở thôn, xóm; đồng thời tranh thủ sự quan tâm của Hội LHPN huyện và Văn phòng TGPL cho PN số 2 tổ chức nhiều đợt TGPL tại cơ sở để phổ biến sâu rộng các quy định của Luật PCBLGĐ đến với mọi người dân, nhất là chị em PN. Hầu hết chị em PN trên địa bàn đều hiểu và nắm vững những quy định của Luật. Dù vậy, khi nạn nhân tố cáo hành vi BLGĐ thì chưa thấy cơ quan, đoàn thể nào ở cơ sở làm mọi cách để bảo vệ họ ngoại trừ Hội PN. Tại buổi TGPL, chúng tôi đã được nghe phản ánh: Tình trạng BLGĐ diễn ra trên địa bàn không phải là ít nhưng không ai dám tố cáo. Bởi khi nạn nhân báo Công an xã thì Công an cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình nên không giải quyết. Về phía Hội, cán bộ ở thôn kịp thời lập biên bản vụ việc và chuyển lên UBND xã. Khi xã mời đến làm việc thì chồng nạn nhân không chấp hành nên không thể giải quyết. Có người còn lớn tiếng đe dọa người đứng ra bênh vực nạn nhân, dùng những lời lẽ khó nghe để chửi bới, mạt sát họ.

Có trường hợp, chồng không chịu làm ăn để nuôi sống gia đình mà ra ngoài chung sống như vợ chồng với người PN khác, sau đó lại về hành hạ vợ con. Khi cán bộ Hội ở thôn biết, góp ý thì vợ con càng bị hành hạ nhiều hơn. Cũng có trường hợp, khi thấy vợ tố cáo hành vi của mình, bị các thành viên tổ hòa giải và cán bộ PN thôn tới làm việc thì người chồng có biểu hiện e sợ, không dám hành hạ vợ con nữa. Nhưng chỉ một thời gian sau, thấy không có gì thì người chồng lại tiếp tục thể hiện "đẳng cấp" BLGĐ cao hơn trước nhiều lần. Qua thực tế của hàng xóm láng giềng và của bản thân, hầu hết nạn nhân BLGĐ trên địa bàn đành cam chịu. Bởi nói ra thì tốt đâu chưa thấy, chứ bị bạo hành nhiều hơn là điều khó tránh.

Chị Trần Thị Thu Vân - Chủ tịch Hội PN xã cho biết: Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật PCBLGĐ cho chị em, Hội luôn có mặt kịp thời để bảo vệ chị em PN bị bạo hành. Nhưng việc xử lý nghiêm minh các hành vi BLGĐ theo pháp luật chỉ một mình Hội thì không thể. Để bảo vệ nạn nhân của BLGĐ rất cần sự phối hợp của các ngành, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Cũng theo chị Vân thì cần sớm triển khai nhà tạm lánh cho PN là nạn nhân của BLGĐ, bởi trong Luật PCBLGĐ đã có quy định. Và trong thực tế, khi người PN bị bạo hành nhiều lần, họ không thể chịu đựng thêm nữa đã đứng ra tố cáo hành vi BLGĐ mà pháp luật không xử lý nghiêm minh, tới nơi tới chốn người vi phạm thì họ biết đi đâu để tránh bị hành hạ trả thù. Còn nếu quay về chính căn nhà của mình thì kết cục rất xấu đang chờ đợi họ. Rồi chuyện nạn nhân cần nhiều thời gian để tinh thần và thể xác dần bình phục, ổn định lại....

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Lê Thị Thanh Vân - Trưởng Văn phòng TGPL cho PN nói: ở góc độ TGPL, chúng tôi chỉ tư vấn, hướng dẫn chị em cách thức để bảo vệ bản thân theo quy định của pháp luật. Qua đợt TGPL lưu động, kiến nghị với lãnh đạo chính quyền cơ sở có biện pháp xử lý các hành vi vi phạm Luật PCBLGĐ xảy ra trên địa bàn. Nếu có vụ việc nghiêm trọng phải ra tòa, chúng tôi sẽ cử Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân trước Tòa án theo quy định của pháp luật. Tôi rất mong sớm triển khai cơ sở lánh nạn dành cho chị em bị BLGĐ để họ có chỗ nương tựa trong khi chờ pháp luật can thiệp, bảo vệ họ.

Luật PCBLGĐ là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể chế hóa chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước về vấn đề PCBLGĐ. Nhưng để Luật đi vào cuộc sống rất cần tinh thần trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của từng gia đình và toàn xã hội, nhằm góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Điều 13 Nghị định 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định về Hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình

1. Hoạt động trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình là hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận nhằm giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:

a. Chăm sóc sức khoẻ; chăm sóc y tế;

b. Tư vấn pháp luật; tư vấn tâm lý;

c. Cung cấp nơi tạm lánh trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không có chỗ ở khác, nhằm tránh những hành vi bạo lực tiếp theo của người gây bạo lực gia đình;

d. Hỗ trợ một số nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình không tự lo được hoặc không có sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu bao gồm cung cấp đồ ăn, nước uống, cung cấp hoặc cho mượn quần áo, chăn màn và các đồ dùng thiết yếu khác.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện cho các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình hoạt động.

           3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc bảo vệ cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình trong trường hợp cần thiết.

 

Hải Dương