Một số quy định mới về kháng nghị và giải quyết kháng nghị về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008

31/03/2009
Luật thi hành án dân sự được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 4, thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 tiếp tục quy định những nội dung về kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự. Theo đó, Viện kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã sửa đổi, bổ sung mới một số nội dung về hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định về kháng nghị và giải quyết kháng nghị về thi hành án dân sự, bao gồm:

Một là, bổ sung nội dung về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Trước đây theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân chỉ quy định kháng nghị đối với các quyết định thi hành án, cụ thể Điều 64 quy định như sau: "Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kháng nghị đối với các quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên cơ quan thi hành án cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân". Khắc phục hạn chế này của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Luật thi hành án dân sự năm 2008 bổ sung quy định việc kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân không chỉ đối với quyết định mà còn cả đối với hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới. Theo đó, khoản 1 Điều 160 Luật thi hành án dân sự về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát được quy định như sau: "Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân".

Hai là, bổ sung trách nhiệm thực hiện kháng nghị của các cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan thi hành án dân sự trong việc thực hiện kháng nghị nếu kháng nghị của Viện kiểm sát được chấp nhận. Do đó, đoạn 2 khoản 1, Điều 161 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định bổ sung về trách nhiệm thực hiện kháng nghị như sau: "Trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát".

Ba là, tăng thời gian trả lời kháng nghị của Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.  Khoản 2 Điều 65 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 quy định: "Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh phải xem xét trả lời trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh có hiệu lực thi hành". Tuy nhiên, thời hạn 15 ngày để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét trả lời là quá ngắn đặc biệt đối với những vụ việc thi hành án phức tạp cần phải có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu hồ sơ, tài liệu và các văn bản có liên quan. Do đó, Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định tăng lên 30 ngày thay vì 15 ngày để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, trả lời báo cáo của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện đối với các quyết định, hành vi bị kháng nghị. Cụ thể điểm b khoản 2 Điều 161 Luật thi hành án dân sự năm 2008 quy định: "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành".

Bốn là, bổ sung quy định mới về việc xem xét văn bản trả lời kháng nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án cấp quân khu; Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 mới chỉ quy định việc trả lời kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân như sau: "1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân đối với quyết định về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc cơ quan thi hành án của mình trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

2. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh phải xem xét trả lời trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp xem xét và trả lời trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát quân sự trung ương. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành" (Điều 65).

Tuy nhiên, nếu các văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng mà không có căn cứ thì Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 chưa quy định biện pháp giải quyết. Do đó, để khắc phục những hạn chế này của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, khoản 3 Điều 161 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định: "Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị được quy định tại khoản 2 Điều này không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng"./.

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Bộ Tư pháp