Sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Phạt tối đa 500 triệu đồng.

30/03/2009
Bộ Tài nguyên và môi trường đang chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 182/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đánh giá, qua hơn 4 năm thi hành, hàng trăm ngàn trường hợp vi phạm đã bị xử lý, tuy nhiên với Nghị định hiện hành nhiều đối tượng, hành vi vi phạm đã bị bỏ lọt. Hơn nữa, các mức phạt hiện nay chưa tương xứng gây ra tình trạng nhờn luật trong một bộ phận dân cư.

Thêm nhiều đối tượng, hành vi bị phạt

Nghị định 182 hiện hành chỉ quy định chung chung các đối tượng là cá nhân, tổ chức của VN và nước ngoài có vi phạm thì bị xử phạt, quy định như vậy dẫn đến việc khó khăn trong xác định đối tượng. Mặt khác thời gian qua cho thấy vi phạm phổ biến trong lĩnh vực sử dụng đất còn có hộ gia đình, các cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư, người VN định cư ở nước ngoài… nhưng cơ quan chức năng không xử lý được vì nằm ngoài đối tượng áp dụng của Nghị định 182. Dự thảo Nghị định mới đã bổ sung các đối tượng này.

Cùng với việc mở rộng về đối tượng, dự thảo Nghị định mới còn mở rộng các hành vi bị xử phạt hành chính. Theo quy định hiện hành, có 15 nhóm hành vi sẽ bị phạt nhưng Dự thảo đã bổ sung thêm, đồng thời quy định rõ các hành vi vi phạm, đó là các trường hợp như cho thuê, cho thuê lại, góp vốn, nhận chuyển nhượng với đất không đủ điều kiện; không đăng ký quyền sử dụng đất; chây ỳ, trốn tránh không trả đất đúng thời hạn; tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch giấy tờ; chậm đưa vào sử dụng đất; và hành vi cung cấp thông tin về đất không đúng quy định.

Lấn chiếm đất: phạt nặng

Thay vì hiện nay, Nghị định hiện hành chỉ phạt tối đa là 30 triệu đồng, nhiều hành vi bị phạt rất nhẹ (chỉ 100-200 ngàn) thì nay Dự thảo Nghị định mới mức phạt tối đa có thể là 500 triệu. Theo lý giải của Ban soạn thảo Nghị định do các mức phạt hiện tại quá thấp trong điều kiện đồng tiền trượt giá, không đủ sức răn đe nên việc tăng mức phạt là cần thiết.

Đặc biệt, các hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị phạt rất nặng theo mức độ nghiêm trọng khác nhau. Theo đó, mức thấp nhất là 500 ngàn, cao nhất là 400 triệu. Lấn chiếm đất quốc phòng, an ninh cũng sẽ bị xử phạt nặng theo pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, xử phạt nhiều như vậy nhưng thực tế có thể thu được khoản tiền này không lại là chuyện khác. Để thực hiện nghiêm quy định này cần phải có cơ chế để các cơ quan chức năng buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu nếu đối tượng vi phạm là các tổ chức, hay cộng đồng dân cư.

Không trả đất đúng thời hạn: phạt 5 triệu

Nghị định 182 chỉ quy định hành vi cố ý đăng ký không đúng loại đất, không đăng ký khi chuyển mục đích sử dụng đất. Dự thảo quy định thêm hành vi cố ý không đăng ký quyền sử dụng đất có thể bị phạt tới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, quy định này có nhiều ý kiến khác nhau.

Hiện nay, theo ông Trần Hồng Phi – Cục Đăng ký và Thống kê đất đai, Tổng cục quản lý đất đai thì mục tiêu đặt ra đến 2010 cả nước phải hoàn thành việc đăng ký cho các loại đất, tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khó đạt được mà một trong những nguyên nhân là do người dân không đi đăng ký.

Không đi đăng ký thì có muôn vàn lý do, tuy nhiên cũng có lý do là người dân ngại bởi thủ tục hành chính và các khoản tiền nộp quá lớn. Thực tế cho thấy một số người khi cần sổ đỏ để đem đi cầm cố thế chấp, chuyển nhượng…mới làm sổ đỏ, còn nếu đất chỉ để ở thì…lúc nào làm sổ cũng được.

Vậy theo dự thảo Nghị định, không đăng ký là phạt. Nhưng vấn đề là, làm sao chứng minh được lỗi cố ý? Trong trường hợp này nhiều ý kiến cho rằng sẽ là rất khó.

Ngoài ra, theo Dự thảo, một hành vi mới sẽ bị xử phạt đó là trường hợp trốn tránh chây ỳ không trả lại đất theo quyết định thu hồi. Những trường hợp này trên thực tế hiện khá phổ biến, nhất là với các dự án giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, xây dựng các khu công nghiệp. Nhiều cá nhân, tổ chức thường lấy lý do chưa đồng ý với mức bồi thường nên chây ỳ, trốn tránh không trả đất. Đối với vi phạm này, Dự thảo chia ra hai mức phạt,mức một từ 500 ngàn đến 2 triệu, mức thứ hai từ 2 đến 5 triệu.

Thu Hằng

Thời gian qua vi phạm phổ biến trong lĩnh vực sử dụng đất còn có hộ gia đình, các cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư, người VN định cư ở nước ngoài…nhưng cơ quan chức năng không xử lý được vì nằm ngoài đối tượng áp dụng của Nghị định 182. Dự thảo Nghị định mới đã bổ sung các đối tượng này.