Hòa giải cơ sở là một trong những hình thức quan trọng để giải quyết vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư nhằm mục đích giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở thông qua việc phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở. Bên cạnh đó, hòa giải có kết quả sẽ góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, giảm bớt tình trạng khiếu nại đến Tòa án nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan nhà nước và công dân.
Hiện nay, văn bản pháp lý quy định công tác hòa giải cơ sở được ban hành ngày một hoàn thiện. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1999 và Nghị định 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở là hai văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ và đồng bộ các vấn đề về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở. Các văn bản pháp lý này quy định cụ thể phạm vi, chủ thể, phương hướng cũng như trình tự, thủ tục, kết quả của một cuộc hòa giải cơ sở những vụ việc được tiến hành hòa giải cũng như những vụ việc không được tiến hành hòa giải. Qua các quy định của các văn bản luật về công tác hòa giải đã phát sinh nhiều vướng mắc về kết quả của một cuộc hòa giải cơ sở dẫn đến khó khăn cho công dân thực hiện quyền khiếu kiện của mình đến các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của pháp lệnh hòa giải và nghị định hướng dẫn thì trình tự, thủ tục của một cuộc hòa giải cơ sở không tiến hành theo một trình tự, thủ tục bắt buộc hoặc một khuôn mẫu thống nhất. Tùy tính chất vụ việc, điều kiện thực tiễn, quan hệ gia đình, xã hội... của các bên mâu thuẫn, tranh chấp mà các tổ viên tổ hòa giải có thể lựa chọn, sử dụng các hình thức, biện pháp hòa giải theo trình tự thích hợp. Và kết quả của hoạt động hòa giải cơ sở là sự thỏa thuận tự nguyện của các bên để chấm dứt bất đồng trong vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ phù hợp với quy định của pháp luật. Quan trọng hơn hết kết quả hòa giải là vụ việc được giải quyết bằng thỏa thuận miệng hoặc có thể ghi thành biên bản nếu các bên mâu thuẫn, tranh chấp yêu cầu. Từ quy định trên đã phát sinh nhiều vướng mắc trong việc đi đến kết quả của một cuộc hòa giải cơ sở.
Điển hình, bà Nguyễn Thị Hoa tranh chấp diện tích ranh đất với bà Trần Thị Thanh Mộng cùng ngụ tại khóm 1, T.T L.V, huyện L.V, tỉnh Đồng Tháp, vụ việc được đưa đến UBND T.T L.V hòa giải. Sau khi tiến hành xong việc hòa giải và các bên không đi đến sự thống nhất với nhau nên UBND T.T L.V lập biên bản hòa giải không thành gửi cho các đương sự. Trong biên bản thể hiện các nội dung tranh chấp giữa các đương sự và kết quả của cuộc hòa giải. Nhưng khi bà Hoa khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện L.V thì phát hiện biên bản hòa giải được lập không đảm bảo về hình thức cụ thể thiếu ngay cả quốc hiệu và thiếu chữ ký của bà Mộng nên biên bản được xem như chưa hợp lệ, Tòa án yêu cầu bà Hoa phải nộp biên bản hòa giải hợp lệ với đầy đủ nội dung theo quy định và biên bản hòa giải cơ sở đối với tranh chấp đất đai là một trong những thủ tục bắt buộc phải có trong hồ sơ khởi kiện theo quy định của Luật Đất đai. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 (Điều 135) đối với các tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp tiến hành hòa giải, kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp. Như vậy biên bản hòa giải nêu trên không đảm bảo theo quy định của pháp luật đất đai dẫn đến thủ tục khởi kiện của công dân gặp nhiều khó khăn.
Một trường hợp khác cho thấy, anh Trần Văn Lâm điều khiển xe gắn máy gây thương tích nhẹ chị Trần Thị Thu, vụ việc được đưa ra ban hòa giải UBND xã T.T, huyện L.V, tỉnh Đồng Tháp giải quyết và đi đến kết quả thỏa thuận anh Lâm bồi thường cho chị Thu số tiền chữa trị vết thương là 01 triệu đồng. Vụ việc đã được UBND xã T.T hòa giải thành, hai bên đương sự đều nhận được biên bản hòa giải để làm cơ sở cho việc bồi thường của anh Lâm đối với chị Thu. Nhưng khi chị Thu đến yêu cầu anh Lâm thực hiện thì phát hiện biên bản hòa giải mà mình nhận được không có chữ ký xác nhận của anh Lâm dẫn đến biên bản hòa giải giảm đi giá trị pháp lý cũng như mất đi giá trị thỏa thuận của các bên yêu cầu hòa giải gây ra khó khăn cho việc khiếu kiện sau này.
Thiết nghĩ, tuy hòa giải cơ sở là một công việc tương đối đơn giản không phức tạp nhưng đây là những công việc góp phần giải quyết kịp thời, tại chỗ những vi phạm pháp luật, tranh chấp không lớn trong nội bộ quần chúng nhân dân là tiền đề cho việc ngăn ngừa phát sinh các tội phạm hình sự, tranh chấp phức tạp về dân sự và các vi phạm pháp luật khác, hạn chế các đơn thư khiến kiện của người dân giảm áp lực xét xử cho cơ quan Tòa án một khi kết quả hòa giải thành. Hệ thống pháp luật hiện hành cần có những hướng dẫn cụ thể hơn các trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải, hình thức, nội dung biên bản hòa để có một kết quả hòa giải mang giá trị pháp lý đảm bảo sự thỏa thuận của các bên mâu thuẫn được thực hiện. Từ đó, trình tự thủ tục tiến hành một cuộc hòa giải cũng như kết quả hòa giải cần được quan tâm thực hiện đúng quy định và quan trọng hơn hết là trình tự, thủ tục lập biên bản hòa giải cần được đảm bảo về nội dung lẫn hình thức để nâng cao giá trị pháp lý của một cuộc hòa giải đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi thực hiện quyền khiếu kiện của mình./.
Nguyễn Thanh Xuân