Sửa đổi Thông tư 63/2005/TT-BTC về sử dụng kinh phí cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật: Cần tăng các mức chi

16/02/2009
Bằng Thông tư 63/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 05/8/2005 lần đầu tiên việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được quy định một cách cụ thể, giúp các địa phương có cơ sở đầu tư thúc đẩy hoạt động PBGDPL. Tuy nhiên sau hơn 3 năm, nhiều khoản chi trong Thông tư này không còn phù hợp, ngược lại nhiều hoạt động khác cần phải chi nhưng lại chưa có quy định.

Chi hay không: địa phương quyết.

Theo thông tư 63/2005/TT-BTC nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PBGDPL thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, không nhiều địa phương quan tâm, đầu tư kinh phí cho hoạt động PBGDPL một cách thoả đáng với lý do ngân sách có hạn. Thậm chí nhiều đơn vị cấp xã hàng năm không có mục chi cho công tác này bởi lẽ nguồn thu không đủ chi, ngân sách chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ TW. Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận lãnh đạo địa phương cho rằng hoạt động PBGDPL chưa đến mức cấp bách, cần thiết nên ngân sách được đầu tư cho các hoạt động khác. Theo phản ánh của nhiều Sở Tư pháp, hàng năm họ vẫn lập dự toán kinh phí nhưng HĐND và UBND không quyết kịp thời (hoặc quyết chi ở mức thấp; hoặc chi không thường xuyên) nên việc triển khai các hoạt động PBGDPL gặp nhiều khó khăn.

Ngược lại với các địa phương không quan tâm đến kinh phí tuyên truyền, một số địa phương khác muốn chi nhiều hơn cũng không được. Bởi lẽ, một số mục chi trong Thông tư 63/2005/TT-BTC khống chế mức chi của địa phương. Ví dụ mức chi thù lao cho hoà giải viên (từ 50 đến 100 ngàn/vụ), nhưng căn cứ vào mức chi quy định và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao hàng năm, Thủ trưởng các Bộ, ngành ở TW và Chủ tịch UBND cấp tỉnh duyệt mức chi cụ thể nhưng “không được vượt quá mức tối đa quy định tại Thông tư này”. Quy định như vậy nên địa phương không thể ban hành một mức chi vượt khung, cho dù mức chi quy định là quá thấp.

Cần tăng kinh phí và bổ sung các mục chi.

Sau hơn 3 năm thực hiện Thông tư 63/2005/TT-BTC, nhiều mức chi cho hoạt động tuyên truyền đã không còn phù hợp, quá thấp so với thực tế. Ví dụ chi cho một vụ hoà giải thành chỉ là 50 ngàn (vụ phức tạp là 100 ngàn), trong khi để hoà giải thành một vụ mất rất nhiều thời gian và công sức, với sự tham gia của nhiều người từ thôn xóm đến xã, thậm chí là huyện. Với các mục chi cho báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng là chưa thoả đáng vì nhiều trường hợp để tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền viên, báo cáo viên phải đi đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Những trường hợp như vậy cần quy định tối thiểu ở mức 200-300 ngàn/ngày. Nhìn chung, các địa phương đề nghị tăng mức chi cho các hoạt động PBGDPL để đáp ứng đòi hỏi của công tác này trong tình hình mới và phù hợp với một số văn bản hướng dẫn về kinh phí mới ban hành.

Hiện nay, hoạt động của các Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL (ở cả ba cấp) đang rất khó khăn do thiếu kinh phí. Thậm chí nhiều nơi, Hội đồng còn không thể tiến hành họp dù là họp định kỳ huống hồ triển khai các hoạt động đến từng thành viên. Để khắc phục, cơ quan Tư pháp phải “giật gấu vá vai” trong bối cảnh hết sức khó khăn và thiếu thốn. Các địa phương đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức hỗ trợ kinh phí nghiệp vụ cho Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL từng cấp (Tỉnh, huyện, xã). Mức hỗ trợ tính trên đầu số dân được giao trong kế hoạch từng địa phương. Bên cạnh đó, Thông tư thay thế Thông tư 63/2005/TT-BTC cũng cần bổ sung một số mục chi mới (như chi trong trường hợp hoà giải không thành, chi cho các hoạt động kiểm tra PBGDPL tại cơ sở, chi cho khen thưởng đột xuất và thường xuyên với những người có thành tích đặc biệt, có đóng góp trong công tác PBGDPL…)

Đối với các địa phương khó khăn về ngân sách, không bố trí được kinh phí cho công tác PBGDPL, Chính phủ cần có những hỗ trợ đặc biệt (ví dụ chính sách trợ giá hoặc cấp sách, báo, tài liệu pháp luật miễn phí cho tủ sách pháp luật ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Cần mở rộng phối kết hợp với các Bộ ngành và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để có thêm kinh phí cho hoạt động PBGDPL, nhất là đối với những nơi nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế. Ngoài ra Sở Tư pháp cũng cần chủ động trong việc lập dự toán kinh phí hàng năm trình HĐND, UBND ban hành kịp thời để hoạt động PBGDPL không bị gián đoạn với lý do chưa cấp kinh phí.

Huy Hoàng

Thời gian qua, thông qua các chương trình, kế hoạch PBGDPL (như chương trình quốc gia về PBGDPL, đề án chỉ đạo điểm các hình thức PBGDPL..) Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ (cả gián tiếp và trực tiếp) cho các địa phương như cấp phát tài liệu, sách báo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cấp phát kinh phí cho việc thành lập, hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, hỗ trợ 63 tỉnh, TP thực hiện chỉ đạo điểm các hình thức PBGDPL hiệu quả…