Các tập đoàn, tổng công ty cam kết không cắt giảm lao động

17/12/2008
Lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm. Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hợp lý và hiệu quả, cho phép các chủ đầu tư được quyết định chỉ định thầu các dự án cấp bách. Các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước cam kết không cắt giảm lao động dù kinh tế tiếp tục suy giảm. Đây là những nội dung quan trọng được khẳng định tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Tập đoàn, Tổng Công ty triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 được tổ chức tại Hà Nội ngày hôm qua (16/12).

1 TỶ USD DÙNG ĐỂ KÍCH CẦU

Tại thời điểm này, nền kinh tế thế giới đã chính thức suy giảm.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự báo năm 2009, tăng trưởng của Mỹ sẽ âm 0,7%, châu Âu âm 0,5%, Nhật Bản âm 0,2%. Việc ba trung tâm kinh tế lớn trên thế giới suy giảm tác động rất mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2008 chỉ tăng 15,6%, trong khi cùng kỳ năm 2007 tăng 17%. Sản lượng than sạch tháng 11 giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2007, dầu thô giảm 5%, thép giòn giảm 29%. Trong ngành xây dựng, hầu như không có tăng trưởng, trong khi các năm trước tăng trên 10%, do thị trường bất động sản bị đóng băng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong lĩnh vực nông nghiệp, vụ đông ở phía Bắc bị mất trắng, năng suất lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc giảm 0,7 tạ/ha so với vụ trước, sản lượng lúa mùa cả nước giảm 130 nghìn tấn so với năm 2007, thiệt hại do lũ lụt hàng nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 11 chỉ tăng 1,7%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 giảm 6% so với cùng kỳ năm trước... Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng nhưng có dấu hiệu chậm lại, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong tháng 11 giảm 2% về số lượng và 25% về vốn. Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm mạnh. Chỉ số giá chứng khoán giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ số giá tiêu dùng giảm liên tục....

 Tình hình này buộc Chính phủ phải ra Nghị quyết về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh  tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết đã đề ra 5 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; nhóm giải pháp về chính sách tài chính, tiền tệ; nhóm giải pháp đảm bảo an sinh xã hội và nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện.  Đi kèm với 5 nhóm giải pháp này là gói kích cầu trị giá 1 tỷ USD “làm mồi” cho các gói giải pháp khác đi kèm, nâng tổng trị giá gói kích cầu tổng thể lên khoảng 6 tỷ USD hỗ trợ cho nền kinh tế có sức vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định, 1 tỷ USD là không lớn nếu đem ra làm vốn đầu tư, bởi vậy, với khả năng của Chính phủ, Chính phủ dự tính dùng 1 tỷ USD này để hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Hỏi ý kiến các Tập đoàn, Tổng Công ty, Thủ tướng cho biết Chính phủ dự tính sẽ dùng phần lớn trong gói kích cầu 1 tỷ USD này để bù lãi suất, tức là Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay ngân hàng với mức lãi suất thấp mà doanh nghiệp có thể chịu đựng được; đồng thời hỗ trợ các chương trình đảm bảo an sinh xã hội như chương trình nhà ở xã hội... Đối với các tập đoàn, Tổng Công ty, Thủ tướng sẽ đứng ra nhận trách nhiệm trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép các Chủ đầu tư được chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

SẼ SỬA LUẬT ĐẤU THẦU ĐỂ TẠO CƠ CHẾ THÔNG THOÁNG

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phân tích, năm 2008, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ thực hiện biện pháp thắt chặt tiền tệ, nay lạm phát đã cơ bản được kiềm chế, nhiệm vụ hiện nay là kiềm chế suy giảm kinh tế, bởi vậy giải pháp của Chính phủ hiện nay là nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý và hiệu quả. Giải pháp cụ thể của chính sách này là tiếp tục hạ lãi suất ngân hàng. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, năm 2008, Chính phủ cắt giảm đầu tư, bây giờ, để kích cầu, Chính phủ khuyến khích đầu tư và tiêu dùng. Bởi vậy, các biện pháp nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư sẽ được lập tức thực hiện. Trong khi chờ sửa Luật Đấu, Chính phủ cho phép các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư trình lên danh sách các dự án cần chỉ định thầu, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện điều này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án vì chậm ngày nào lãng phí ngày đó. Cam kết này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty rất hoan nghênh.

Về phía các Tập đoàn, Tổng Công ty, khu vực đóng góp tới 40% GDP  của đất nước, phát biểu với Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty cam kết sẽ quyết liệt duy trì sản xuất, kích cầu, tăng cường liên kết, phối hợp, dẫn dắt thị trường. Về đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty khẳng định, trong lúc khó khăn này, dù kinh tế suy giảm, các Tập đoàn, Tổng Công ty cũng cố gắng không để cán bộ, công nhân mất việc làm, đồng thời đồng hành cùng Chính phủ trong việc hỗ trợ 61 huyện nghèo nhất nước thoát nghèo.

Sau cuộc làm việc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tiếp tục làm việc với lãnh đạo các địa phương bàn giải pháp chống suy giảm kinh tế trong năm 2009.

Hồng Thuý