Tổng quan thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp và kiên nghị xây dựng chương trình

16/12/2008
Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Liên minh Châu âu về các chính sách tài chính và dịch vụ tư vấn pháp luật, Bộ Tài chính phối hợp với dự án ETV2 tổ chức héi thảo với chủ đề: hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp – Kinh nghiệm quốc tế và định hướng xây dựng Chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam từ ngày 9 đến 11/12/2008 tại Sài Gòn Kim Liên Resort, thị xã Cửa Lò, Nghệ An.

Nội dung chương trình tập trung chủ yếu các nội dung sau:

- Giới thiệu kinh nghiệm một số nước về hoạt động hỗ trợ pháp luật về tài chính cho doanh nghiệp;

- Báo cáo tổng quan về thực trạng công tác hỗ trợ pháp luật về tài chính cho doanh nghiệp:

- Trình bày định hướng xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính;

- Dự kiến định hướng xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan.

Bộ Tư pháp được Chính phủ giao giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước (theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp) và Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính là một trong những lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quan trọng trong chương trình liên ngành của Thủ tướng Chính phủ. Tại Diễn đàn, qua 2 ngày trao đổi, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã trao đổi các nội dung và thống nhất như sau:

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hoạt động nhằm nâng cao trình độ pháp lý và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, đồng thời hoạt động này cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp bằng pháp luật. Trong đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật về tài chính, giúp người có nhu cầu nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.

I. SỰ CẦN THIẾT THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ VỀ TÀI CHÍNH CHO DOANH NGHIỆP

Hỗ trợ pháp luật về tài chính cho doanh nghiệp là hoạt động cần thiết vì các lý do sau:

1. Xuất phát từ các quy định của pháp  luật:

- Việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh là một trong các nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước. Vấn đề này đã được quy định tại nhiều văn bản QPPL với giá trị pháp lý khác nhau, nhiều văn bản Luật đã quy định nhiệm vụ này như: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001; Luật Doanh nghiệp năm 2005; Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007 quy định về chức năng,  nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ...

- Đối với hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý về tài chính tại các cơ quan Bộ và tại các địa phương thì đã có các quy định pháp luật quy định. Tuy nhiên, các quy định này mang tính rải rác tại nhiều văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, tổ chức thuộc Bộ. Trong lĩnh vực thuế, cũng đã có quy chế riêng cho hoạt động này như Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC ngày 18/9/2007 về Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính của người nộp thuế theo cơ chế “một cửa”.

- Liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tại Chỉ thị số 22/2007/CT-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển doanh nghiệp dân doanh, đã giao Bộ Tư pháp trình Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong Quý I/2008; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xay dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (điểm a,b khoản 7 Chỉ thị).

- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008, trong đó quy định việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính. Trong đó quy định các Bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình hỗ trợ phap lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý; đồng thời quy định đầu mối tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là tổ chức pháp chế thuộc Bộ.

2. Xuất phát từ nhu cầu về hỗ trợ pháp lý về tài chính của các doanh nghiệp

-  Trong thực tế, ý thức pháp luật của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, bản thân doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh, cũng có một bộ phận các doanh nghiệp còn lợi dụng sơ hở của pháp luật và yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước để thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư trục lợi, trốn thuế, tránh thuế bất hợp pháp. Doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật (do hạn chế về nguồn lực, hoạt động hỗ trợc của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều bất cập…) cũng phần nào ảnh hưởng đến sự hiểu biết của doanh nghiệp về hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, dẫn tới ảnh hưởng và gây khó khăn cho họ trong việc thực thi pháp luật… Hiện nay, ý thức pháp luật của các doanh nghiệp đã dần được nâng lên, vì vậy nhu cầu tìm hiểu và hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là đối với pháp luật về tài chính cũng đang ngày càng tăng lên.

- Do lĩnh vực tài chính là một lĩnh vực rộng, với hệ thống văn bản nhiều và đang trong quá trình đổi, mới hoàn thiện, ngày càng có nhiều văn bản QPPL được sửa đổi, bổ sung. Vì vậy cũng phát sinh nhu cầu thường xuyên về hệ thống hóa và cập nhật, nắm bắt thông tin về hệ thống pháp luật về tài chính của các doanh nghiệp ngày càng cao. Điều đó cũng đặt ra nhu cầu được hỗ trợ pháp lý về tài chính từ phía các doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.

- Qua kết quả khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý về tài chính của cộng đồng doanh nghiệp tại một số địa phương như Hà nội, Thành phố Hồ chí Minh và Đà Nẵng cho thấy hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát thực tế có sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin pháp luật trung bình khoảng 6 lần/tuần, chỉ một số ít không sử dụng dịch vụ cung cấp pháp luật (khoảng 15%). Trong đó phần lớn các thông tin được cung cấp có liên quan đến lĩnh vực tài chính, tập trung vào một số lĩnh vực lớn như pháp luật về thuế (với tỷ lệ trung bình là 55% trong tổng số lĩnh vực tài chính được cung cấp), pháp luật về hải quan (tỷ lệ trung bình là 32%), pháp luật về kế toán, kiểm toán (tỷ lệ trung bình là 5%)….; Cơ quan đơn vị cung cấp thông tin pháp luật về tài chính khi doanh nghiệp có nhu cầu chủ yếu là từ Bộ Tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan (trên 60%), từ Văn phòng Luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật (khoảng 35%), chỉ có khoảng 5% từ phía các cơ quan khác. Đánh giá chất lượng thông tin pháp luật về tài chính đã được cung cấp thì khoảng hơn 40% cho rằng không đáp ứng được yêu cầu, 35% cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá, số lượng đánh giá đáp ứng được yêu cầu chỉ chiếm khoảng 25%.

Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý về tài chính là cần thiết. Đồng thời, hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để họ có điều kiện chấp hành tốt pháp luật sẽ thuận lợi hơn trong công tác quản lý của chính cơ quan quản lý nhà nước. Đánh giá chung, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà quản trị doanh nghiệp do chưa hiểu, hiểu không đúng hoặc không đầy đủ về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (trong đó có pháp luật về tài chính), điều này đã gây nhiều thiệt hại cho chính bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh rằng trước khi thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì các cơ quan quản lý nhà nước cần khảo sát xem doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin, hỗ trợ gì từ đó mới xác định được nhu cầu và đúng trọng tâm, việc hỗ trợ dàn trải thì vừa không cần thiết đối với doanh nghiệp, vừa tốn nguồn lực của cơ quan quản lý.

Kết quả điều tra cho thấy nhu cầu hỗ trợ pháp lý về tài chính của các doanh nghiêp là rất lớn và ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu đáp ứng cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính nhằm gắn liền việc xây dựng chính sách pháp luật với quá trình tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính.

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ VỀ TÀI CHÍNH CHO DOANH NGHIỆP 

1. Khái quát một số hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp trong thời gian qua

a) Về hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và giải đáp pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp

- Tại Bộ Tài chính: Thời gian qua, hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và giải đáp pháp luật đã được quan tâm, thực hiện nên hoạt động cung cấp thông tin pháp luật và hỗ trợ pháp lý về tài chính đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị chức năng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực có liên quan nhiều đến quyền, lợi ích của doanh nghiệp về thuế (86% phiếu lựa chọn), về tài chính doanh nghiệp (82% phiếu lựa chọn), về hải quan (68% phiếu lựa chọn), về chế độ kế toán (68% phiếu lựa chọn), về chứng khoán (66% phiếu lựa chọn), ngoài ra việc cung cấp thông tin pháp luật cũng được thực hiện tại các lĩnh vực khác như về tài chính đất đại, về bảo hiểm, về ngân sách nhà nước....

Hình thức thực hiện cung cấp thông tin thường mới tập trung vào các hình thức như văn bản hành chính (84% phiếu lựa chọn), trao đổi trực tiếp (78%), trả lời thông qua trang Website của Bộ (60%). Các hình thức điện thoại, bản tin chuyên đề tuy đã được thực hiện nhưng tỷ lệ còn thấp. Hoạt động này trong những năm qua đã được tổ chức thực hiện theo từng đơn vị chức năng phù hợp với nhiệm vụ được Bộ phân công cho các đơn vị. Theo đó, việc phân công chức năng nhiệm vụ theo từng lĩnh vực đã được quy định cụ thể nhưng quy trình của hoạt động này hiện đang được thực hiện theo quy trình chung trong giải quyết công việc chuyên môn của từng đơn vị. (Hiện tại đối với các lĩnh vực như thuế, hải quan để thực hiện theo các quy định của Luật Quản lý thuế thì hoạt động này đang được chú trọng với mục tiêu hỗ trợ người nộp thuế, người khai hải quan, tạo thuận lợi cho các đối tượng này thực hiện tốt nghĩa vụ với nhà nước).

Hiện nay, xây dựng quy trình thống nhất để thực hiện hoạt động cung cấp thông tin của Bộ Tài chính đang được triển khai theo hướng vừa tăng cường hỗ trợ cho đối tượng có yêu cầu, nhất là đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có các nghĩa vụ liên quan đến tài chính, vừa nhằm tạo thuận lợi cho chính cơ quan nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước (thông qua việc nắm bắt được thông tin yêu cầu để có phản hồi tích cực, phù hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện, chính sách pháp luật về tài chính).

- Tại các cơ quan tài chính địa phương: thông qua kết quả khảo sát cho thấy các hoạt động này tại các Cục Thuế, Cục Hải quan địa phương diễn ra khá thường xuyên và được quan tâm tổ chức nên hầu hết đã được thực hiện theo quy trình cụ thể, thống nhất. Hình thức thực hiện ngày càng đa dạng và có sự kết hợp nhiều hình thức để đạt hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức theo bộ phận đầu mối như tại các Cục Thuế có thuận lợi hơn trong hoạt động cung cấp thông tin và hỗ trợ cho doanh nghiệp vì việc thể hiện quy trình thuận lợi hơn, đáp ứng yêu  theo các quy trình thống nhất. Việc tổ chức bộ phận đầu mối cung cấp thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổ chức, triển khai. Nổi bật nhất là tại Cục Thuế Thành phố Hồ chí Minh, hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn pháp luật về thuế khá hiệu quả, đồng thời do có sự quan tâm đặc biệt đến công tác này nên tại đây đã thực hiện hoạt động trên các quy trình chuẩn (đạt chất lượng ISO).

b) Về hoạt động xây dựng, hỗ trợ khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu pháp luật về tài chính đối với doanh nghiệp

- Những năm qua, Bộ Tài chính đã đăng tải kịp thời các thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật thuộc hệ thống pháp luật của ngành tài chính trên công báo, các tạp chí, bản tin của ngành và trên trang Website của Bộ Tài chính nhằm phổ biến rộng rãi đến các đối tượng, trong đó có đối tượng là doanh nghiệp.

- Các báo, tạp chí của ngành và website của Bộ Tài chính đã mở chuyên mục hoặc dành nội dung để phổ biến, giới thiệu các văn bản mới được ban hành về pháp luật tài chính, thông qua đó phổ biến, giáo dục, tuyên truyền về pháp luật cho các đối tượng trong và ngoài ngành tài chính. Các đơn vị có hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương như Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc nhà nước... đều đã có website riêng bổ sung thêm các thông tin về chính sách pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt trang Web của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan còn có thêm các chuyên mục diễn đàn trao đổi, giải đáp vướng mắc giữa cơ quan thuế, hải quan và doanh nghiệp

          - Thiết lập chuyên mục giới thiệu, giáo dục và hỏi đáp pháp luật trên các phương tiện thông tin, báo chí, tạp chí trong và ngoài ngành Tài chính.

          - Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các Đài phát thanh, truyền hình địa phương và các báo viết từ Trung ương đến địa phương để phổ biến chính sách pháp luật về thuế và tài chính.

c) Về hoạt động xây dựng tài liệu, phổ biến các văn bản QPPL về tài chính cho doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

Hoạt động này được thực hiện trên nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức các buổi họp báo định kỳ giới thiệu các văn bản chính sách, chế độ tài chính mới, nhất là các luật thuế, chính sách quản lý ngân sách nhà nước, tài chính doanh nghiệp, giá, chứng khoán, hải quản, hội nhập quốc tế….

Trong những năm gần đây thường tổ chức các diễn đàn trao đổi với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để giải đáp và xử lý các vướng mắc về chính sách, chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp; thiết lập “đường dây nóng” để kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện chính sách tài chính mới, nhất là các luật thuế mới… .; Biên soạn, in sách, tài liệu hỏi đáp, thông qua báo chí, tờ rơi và các loại tài liệu khác để phổ biến, giải đáp các chính sách tài chính mới tới doanh nghiệp; Định kỳ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật và vận động mọi người tuân thủ pháp luật tài chính; Tăng cường trao đổi với chuyên gia nước ngoài và tổ chức khảo sát ở nước ngoài để nghiên cứu về công tác tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế nhằm phục vụ cho công tác PBGDPL.

Một số ví dụ về hoạt động này trong một số năm gần đây:

Năm 2005: Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các đối tượng ngoài ngành về chính sách, quy định mới và tổ chức, giới thiệu, tiếp xúc, đối thoại theo yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc về Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật kế toán; Nghiệp vụ về hải quan; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu....; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giới thiệu nội dung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính tới cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn Hoá Thông tin tổ chức được 24 cuộc thi tìm hiểu các chính sách, pháp luật thuế ở các địa phương với đối tượng tham gia là công dân Việt Nam;

Năm 2006: Đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về thuế trên truyền hình thu hút đông đảo các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp và người dân tham gia; tổ chức 04 chương trình thi tìm hiểu Luật Hải quan trên sóng VTV2, giới thiệu phim tài liệu về Pháp lệnh giá và các văn bản hướng dẫn với thời lượng 45 phút, đã phát nhiều lần trên VTV1, VTV2, VTV3... 

Năm 2007: Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các đối tượng ngoài ngành về chính sách, quy định mới và tổ chức giới thiệu, tiếp xúc, đối thoại theo yêu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc, biên soạn tờ rơi, ấn phẩm và cấp phát miễn phí… về Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán; nghiệp vụ về hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Chứng khoán…

d) Về hoạt động tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật về tài chính:

Hoạt động tiếp nhận kiến nghị của các doanh nghiệp để hoàn thiện pháp luật về tài chính trong những năm qua đã được chú trọng. Trong đó, tập trung vào việc lấy ý kiến doanh nghiệp để ban hành các văn bản QPPl. Đối với các văn bản QPPL trong lĩnh vực tài chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, tài chính doanh nghiệp… có liên quan nhiều đến lợi ích của doanh nghiệp thời gian qua đã thực hiện quy trình lấy ý kiến bắt buộc theo quy định tại Nghị định 161/2005/NĐ-CP. Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi được thực hiện qua nhiều hình thức đa dang. Việc tiếp nhận ý kiến được thực hiện qua hình thức tổng hợp ý kiến từ văn bản tham gia ý kiến (gửi xin ý kiến trực tiếp hoặc thông qua Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam), thông qua tổng hợp ý kiến từ trang web của Bộ; tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề tậphợp ý kiến; ngoài ra chính thông qua các đề nghị giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật từ phía doanh nghiệp cũng được các Bộ phận liên quan trong Bộ tiếp nhận để phục vụ việc hoàn thiện pháp luật về tài chính, góp phần nâng cao tính khả thi của các văn bản QPPL trên cơ sở phù hợp hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.

2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

a) Tồn tại, hạn chế: Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất như nêu trên song nhìn chung hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp những năm qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Vấn đề này thể hiện qua kết quả khảo sát thông qua phiếu điều tra:

(i) Tại các đơn vị trong Bộ Tài chính có 42% phiếu điều tra cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên ý kiến cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá cũng tương đương 42% lựa chọn, số lượng các ý kiến cho  rằng hoạt động này chưa đáp ứng được yêu cầu cũng không nhỏ (16%). Kết quả khảo sát này cũng tương đối phù hợp với thực trạng được thống kê từ Tổng cục Thuế (thống kê chưa đầy đủ để phục vụ cho việc xây dựng quy chế hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của đối tượng nộp thuế về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế) thì trong năm 2006, tại Ban Pháp chế chính sách và Ban Doanh nghiệp nhà nước đã nhận được khoảng 1738 văn bản yêu cầu giải đáp vướng mắc, trong đó có tới 63 văn bản còn tồn chưa giải quyết sau 31/12/2006, số lượng các văn bản được giải quyết với thời gian hơn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu chiếm tới hơn 1400 văn bản…

(ii) Tại một số cơ quan thuế, hải quan địa phương: Tại Hải phòng có 43% số phiếu cho rằng đã đáp ứng được yêu cầu, 35% cho rằng chưa đáp ứng được, và 23% cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá; Tại Thành phố Hồ Chí Minh thì phần lớn phiếu điều tra cho thấy chất lượng hoạt động cung cấp thông tin, ở một mức độ nào đó, đã đáp ứng được yêu cầu (khoảng hơn 73% đối với Cục Thuế; khoảng hơn 87% đối với Cục Hải quan), một số ý kiến cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá (gần 27% tại Cục Thuế, 7% tại Cục Hải quan), tại Cục Hải quan có 7% ý kiến cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu; Tại Đà nẵng có 60% số phiếu cho rằng đáp ứng được yêu cầu, 23% số phiếu cho rằng chưa đủ cơ sở để đánh giá, chỉ có 17% số phiếu cho rằng không đáp ứng được yêu cầu.

(iii) Kết quả đánh giá từ phía doanh nghiệp được khảo sát thì tỷ lệ cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu lớn hơn rất nhiều: khoảng hơn 40% đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu, 35% đánh giá là chưa đủ cơ sở để đánh giá, số lượng đánh giá đáp ứng được yêu cầu ít hơn (khoảng 25%).

b) Một số nguyên nhân chủ yếu

          - Việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp trong những năm qua mặc dù đã được tiến hành dưới nhiều hình thức và nội dung khá phong phú nhưng vẫn bị động, chưa có Chương trình thống nhất giữa các lĩnh vực từ trung ương tới địa phương nên còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, dễ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo, vừa bỏ sót.

- Về quy trình cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật tài chính: do hiện nay chưa có quy trình thống nhất trong hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, và hỗ trợ pháp lý tại Bộ Tài chính. Hoạt động này trong những năm qua đã được tổ chức thực hiện theo từng đơn vị chức năng phù hợp với nhiệm vụ được Bộ phân công cho các đơn vị, vì vậy việc thực hiện có phần chưa thống nhất.

- Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính rất lớn và ngày càng gia tăng. Những năm qua, Bộ Tài chính đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản trong lĩnh vực tài chính) đòi hỏi hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, cán bộ.

- Về đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp :

Do phạm vi quản lý rộng, đội ngũ cán bộ, công chức nhiều ở cả trung ương và địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý còn mỏng nên công tác hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp trong thời gian qua còn chưa đáp ứng được nhu cầu

Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp chủ yếu mới đáp ứng được những vấn đề pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính; đối với các lĩnh vực khác còn phụ thuộc nhiều ở sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các Bộ, ngành nên có khi còn bị động.

- Nội dung hỗ trợ pháp lý chưa thật sát hợp với từng đối tượng, nhất là trong công tác phổ biển pháp luật vẫn nặng về phổ biến, giới thiệu chung mà chưa đi vào phổ biến phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể nêu hiệu quả còn hạn chế. Việc khai thác, tìm tòi, đổi mới một cách có hiệu quả các hình thức hỗ trợ pháp lý phù hợp với đặc thù địa bàn, đối tượng còn hạn chế.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật tài chính để phục vụ hoạt động cung cấp thông tin, tiếp cận pháp luật cho doanh nghiệp và nhân dân còn chưa đầy đủ và đồng bộ, có những nội dung doanh nghiệp muốn tìm hiểu nhưng hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đáp ứng hoặc phải tra cứu, đối chiếu khá phức tạp.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP

Trong bối cảnh tới đây khi nhu cầu tìm hiểu hỗ trợ pháp lý tài chính của doanh nghiệp ngày càng nâng cao, nhất là lĩnh vực tài chính là  lĩnh vực rộng, với hệ thống văn bản QPPL lớn và phức tạp, đan xen nhau, để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả của hoạt động thì cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

- Đảm bảo tính đồng bộ trên cơ sở chương trình, kế hoạch phù hợp với lĩnh vực tài chính và với nhu cầu được hỗ trợ từ phía doanh nghiệp từng thời kỳ.

- Có hình thức, nội dung phù hợp phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong và ngoài Bộ Tài chính, với các cơ quan chuyên môn tại địa phương.

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp để đáp ứng các mục tiêu sau:

- Hệ thống hóa các văn bản pháp luật của ngành tài chính và thường xuyên thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp;

- Tạo lập kênh hỗ trợ pháp lý tài chính thuận lợi, kịp thời cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu tìm hiểu, nắm bắt pháp luật về tài chính;

- Hình thành ý thức, trách nhiệm của các cơ quan trong ngành tài chính từ trung ương tới địa phương trong việc hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình này sẽ giúp hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp có tính hệ thống, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể đảm bảo hình thức triển khai phù hợp có hiệu quả. Thông qua đó, bồi dưỡng thông tin pháp lý về tài chính và kiến thức pháp luật về tài chính cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp thực hiện hiệu quả nghĩa vục của mình.

b) Xây dựng và tổ chức khai thác có hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý tài chính cho doanh nghiệp.

Hiện nay, tại trang Web của Bộ Tài chính đã có cơ sở dữ liệu liên quan đến các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, tới đây cần triển khai để đưa vào khai thác, sử dụng Trang Thông tin pháp luật tài chính trên Website của Bộ Tài chính. Đây là công cụ hữu hiệu không chỉ cho các cán bộ, công chức ngành tài chính thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mà còn là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp có thể truy cập thông tin pháp luật nhanh chóng, sử dụng miễn phí. Trang Thông tin pháp luật cũng cần phải được cập nhật thường xuyên để đáp ứng yêu cầu của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Hoàn thiện quy trình cung cấp thông tin, giải đáp pháp luật về tài chính thực hiện thống nhất trong các hoạt động thuộc lĩnh vực tài chính.

Trong đó, tại quy trình cần đưa ra các quy định cụ thể về thủ tục, cách thức thực hiện, thời gian thực hiện giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật, bộ phận đầu mối tiếp nhận, bộ phận thực hiện giải đáp một cách cụ thể rõ ràng; quy trình cụ thể cho các hình thức cung cấp thông tin pháp luật như văn bản, qua mạng điện tử, trực tiếp, điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cán bộ tại từng khâu thực hiện.

Từng bước tổ chức bộ phận đầu mối (một cửa) về cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý tài chính tại một số tổ chức chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính (đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan).

d) Tạo điều kiện về nhân lực và vật chất để đáp ứng nhu cầu phổ biến, cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý tài chính và việc tăng cường bồi dưỡng và nâng cao năng lực cán bộ, bảo đảm nguồn thông tin pháp luật phục vụ cho quá trình phổ biến, cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý tài chính.

Hoạt động hỗ trợ pháp lý nói chung và hỗ trợ pháp lý về tài chính nói riêng cho doanh nghiệp có vai trò lớn, ngày càng quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm hướng tới tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ hợp pháp của mình. Yêu cầu hỗ trợ pháp lý về tài chính đang ngày càng gia tăng đòi hỏi chất lượng hỗ trợ pháp lý của cơ quan nhà nước ngày càng nâng cao. Để đáp ứng được các yêu cầu này cần tích cực đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý về tài chính cho doanh nghiệp.  

Trần Minh Sơn - Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Bộ Tư pháp