Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tham dự Diễn đàn dân chủ Bali, Indonesia

10/12/2008
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tham dự Diễn đàn dân chủ Bali, Indonesia
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn dân chủ Bali, tổ chức tại Bali, Indonesia trong hai ngày 10-11/12/2008. Cùng tham gia với Bộ trưởng có đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.

Với chủ đề “Xây dựng và củng cố dân chủ: Một chương trình nghị sự chiến lược cho châu Á”, Diễn đàn đã thu hút được sự tham gia của đại diện 32 nước trong khu vực châu Á với gần 200 đại biểu chính thức, và đại diện 8 nước quan sát viên  từ khu vực Âu – Mỹ.  Tham gia Phiên khai mạc diễn đàn có các vị lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ như Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Ôxtrâylia Kevin Rudd, Thủ tướng Đông Timo Xanana Gusmao; Trưởng đoàn các nước ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tư pháp; Đặc phái viên của Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ; các vị nguyên là lãnh đạo cấp cao của các nước châu Á. Tổng thống Indonesia và Thủ tướng Ôxtrâylia đồng Chủ toạ Diễn đàn. Càng có ý nghĩa hơn là việc Diễn đàn được tổ chức đúng vào dịp Cộng đồng quốc tế kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế   (10/12/1948) – một văn bản quan trọng đã khẳng định và lưu giữ những giá trị nhân quyền chung của nhân loại vốn không thể tách rời các thể chế và thiết chế dân chủ.  

Diễn đàn dân chủ Bali được tổ chức theo sáng kiến của Indonesia. Mục tiêu là thành lập một cơ chế liên chính phủ mở cho tất cả các nước châu Á tham gia nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác khu vực trong lĩnh vực dân chủ, dựa trên nguyên tắc đối thoại xây dựng, bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi. Chủ đề của Diễn đàn rất rộng, từ xây dựng các thể chế dân chủ, tiến hành bầu cử tự do, nội hàm đa dạng của dân chủ, đến vai trò của các đoàn thể trong xã hội dân chủ. Sau Phiên khai mạc lần này, các nước sẽ tiếp tục thảo luận và thống nhất về cách thức cũng như thời gian, địa điểm tổ chức các cuộc thảo luận thường kỳ về những vấn đề khác nhau nêu trên.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn dân chủ ở châu Á, coi đây là bước tiến bộ của chính nền dân chủ, do trước đây khó có thể tưởng tượng một diễn đàn với chủ đề tế nhị này lại được tổ chức với sự tham gia đông đảo của các quốc gia trong khu vực. Theo Tổng thống, đại biểu các nước tập trung tại đây không phải để áp đặt cho nhau các quan điểm riêng của mình về dân chủ, hoặc để rao giảng nền dân chủ của nước này hơn nước khác mà là để cùng nhau chia sẻ những bài học về kinh nghiệm xây dựng và củng cố dân chủ ở châu Á với những giá trị chung của nhân loại và những giá trị bắt nguồn từ chính khu vực năng động và có bề dày văn minh, truyền thống này. Tổng thống nhấn mạnh những nội hàm và nguyên tắc dân chủ như lòng khoan dung, sự tham gia đời sống chính trị của nhân dân, coi đây là những nguyên tắc định hình và khẳng định vị thế của châu Á trong thế kỷ 21. Tổng thống cũng nêu những nội hàm và phương thức thực hiện quan trọng của nền dân chủ như nhà nước pháp quyền, độc lập thẩm phán, sự tham gia của dân chúng và đời sống chính trị, tiếp cận công lý của người dân.

Trong tham luận của mình, Trưởng đoàn đại biểu các nước cũng nhấn mạnh những nguyên tắc chung, mục tiêu của dân chủ và cách thức xây dựng và thực hiện dân chủ như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của người dân, nhà nước pháp quyền, nền tư pháp độc lập, chính phủ có năng lực và quản lý có hiệu quả, hệ thống thông tin cho người dân; đồng thời chia sẻ những thành tựu đạt được và đặc thù của việc xây dựng và củng cố dân chủ ở nước mình.    

Tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã cám ơn Tổng thống và Chính phủ Indonesia đã mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tham dự Diễn đàn; đánh giá cao sáng kiến của Indonesia chủ trì tổ chức sự kiện này và coi đây là cơ hội quý báu để chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm trong việc tăng cường hợp tác vì dân chủ và thúc đẩy dân chủ. Xây dựng và củng cố dân chủ là những nhiệm vụ ưu tiên của khu vực châu Á và trên toàn thế giới. Theo Bộ trưởng, dân chủ là một quá trình phát triển mà ở đó sự tham gia rộng rãi và bình đẳng của tất cả công dân trong một nước, cũng như sự tham gia của tất cả các nước trên tầm quốc tế, là những điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công và hiệu quả thiết thực.

Đối với Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh, từ khi thành lập Nhà nước Dân chủ cộng hoà năm 1945, một trong những chế độ cộng hoà được thành lập sớm nhất ở Đông Nam Á, chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhân dân Việt Nam là người trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình quyết định công việc nhà nước, tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo công bằng xã hội, xây dựng và củng cố dân chủ luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam với phương châm xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dân chủ ở Việt Nam trước hết là thành quả của những cố gắng không mệt mỏi, cuộc đấu tranh bền bỉ, trường kỳ của dân tộc Việt Nam để giành và gìn giữ nền độc lập cho đất nước và quyền tự quyết cho nhân dân. Vừa là mục tiêu lại vừa là động lực phát triển, dân chủ được biểu hiện trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống đất nước, như đời sống chính trị, nhà nước pháp quyền, nền hành chính minh bạch, phát triển kinh tế và xã hội. 

Dân chủ là công cụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kết quả và thành tựu kinh tế xã hội, về phần mình, cũng hỗ trợ củng cố dân chủ; và kết quả cuối cùng của tất cả những điều này là cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần cho người dân. Với hiểu biết như vậy, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế từ năm 1986. Chính sách phát triển kinh tế thị trường với chủ trương tự do hoá nền kinh tế và giải phóng sức lao động, mở cửa để hội nhập với cộng đồng quốc tế đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần củng cố và mở rộng dân chủ. Sự giảm đáng kể những hộ nghèo, tăng điều kiện sống của người dân và một xã hội ngày càng khá giả chính là những kết quả cụ thể của quá trình xây dựng và củng cố dân chủ ở Việt Nam .

Xây dựng và củng cố dân chủ chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thiết kế một hệ thống các thiết chế nhà nước và xã hội vận hành thông suốt, hiệu quả và có trách nhiệm. Để dân chủ thực sự trở thành gốc rễ và nguyên tắc xuyên suốt trong các hoạt động của nhà nước và cuộc sống của người dân, Việt Nam tiến hành công cuộc cải cách pháp luật, tư pháp và hành chính công. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trước hết là trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước,  đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Tăng cường năng lực lập pháp, đảm bảo sự độc lập của thẩm phán, xây dựng tinh thần và thái độ tôn trọng pháp luật của công chức trong bộ máy chính quyền và những cố gắng, quyết tâm để có được một bộ máy nhà nước không tham nhũng chính là những điều kiện và công cụ thực hiện dân chủ. Đó là những gì cần làm từ phía bộ máy nhà nước, các cơ quan công quyền. Còn về phía người dân thì, tăng cường tiếp cận công lý chính là để tạo cơ hội cho người dân thực hiện quyền làm chủ và thụ hưởng những thành quả lao động của mình. Hệ thống trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, và việc chuẩn bị thành lập Liên đoàn luật sư toàn quốc cho giới luật sư, chẳng hạn, sẽ góp phần vào việc phát huy và củng cố dân chủ trực tiếp và gián tiếp. Với tự thân nó đã là mục tiêu cao cả, dân chủ cần được coi là một quá trình và một giá trị động, liên tục phát triển và hoàn thiện trong những điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá cụ thể. Điều quan trọng là các nước đều có một mục tiêu cuối cùng là làm sao cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn thông qua thực hiện dân chủ.

Cuối cùng, dân chủ đã giúp mở rộng và tăng cường quan hệ quốc tế. Thông qua việc khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển dân chủ, các nước đã củng cố sự tin cậy lẫn nhau và bình đẳng trong hợp tác. Trong một thế giới toàn cầu hoá và phụ thuộc lẫn nhau ngày hôm nay, thì việc củng cố và phát huy dân chủ không còn đơn thuần chỉ là công việc của một quốc gia, mà của tất cả các quốc gia. Việc các nước châu Á tập trung tại Bali với các đại diện lãnh cấp cao là biểu hiện sinh động của quá trình hợp tác và tin cậy lẫn nhau trong việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về xây dựng và củng cố dân chủ.

Lê Thành Long, Bộ Tư pháp