Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm

09/12/2008
Pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm có ý nghĩa quan trọng trong việc lành mạnh hoá thị trường vốn, giúp các tổ chức, cá nhân trong xã hội dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng. Do vậy, trong những năm qua, pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta, cũng như những đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế - quốc tế.

Phần 1: HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LUẬT VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM

I. Quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giao dịch bảo đảm tại Việt Nam

          1. Thống nhất áp dụng pháp luật về giao dịch bảo đảm

1.1. Giai đoạn trước ngày 01/01/2006

Trước khi Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực, pháp luật Việt Nam phân chia hợp đồng dân sự và hợp đồng kinh tế thành 2 chế định hoàn toàn độc lập, giống như pháp luật về hợp đồng ở Liên Xô và CHDC Đức trước đây. Theo đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng có sự phân chia tương ứng. Hệ quả là các giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực dân sự chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành, còn các giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực kinh tế thì chịu sự điều chỉnh trước hết của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bảng so sánh giữa các giao dịch bảo đảm trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 và Bộ luật dân sự năm 1995 dưới đây cho thấy sự khác biệt trước hết về số lượng các giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực dân sự và kinh tế, cụ thể như sau:

 

LOẠI BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM

BỘ LUẬT DÂN SỰ

PHÁP LỆNH HỢP ĐỒNG KINH TẾ

Có/Không

Số điều

Có/Không

Số điều

Thế chấp

16

1

Cầm cố

16

1

Bảo lãnh

9

1

Ký cược

1

Không

 

Đặt cọc

2

Không

 

Ký quỹ

1

Không

 

Tín chấp

1

Không

 

Phạt vi phạm

3

1

 

Ngoài ra, việc áp dụng các quy định về giao dịch bảo đảm không thống nhất, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội do có sự khác biệt trong các quy định của pháp luật, ví dụ như: Theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, bên cầm cố bắt buộc phải giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố, trong khi đó, Bộ luật dân sự quy định bên cầm cố vẫn có quyền được giữ tài sản cầm cố hoặc theo quy định của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, thì hợp đồng cầm cố bắt buộc phải có chứng nhận của công chứng nhà nước những theo quy định của Bộ luật dân sự thì lại không bắt buộc... Ngoài ra, pháp luật Việt Nam có sự phân biệt giữa cho vay có bảo đảm trong lĩnh vực ngân hàng với cho vay có bảo đảm trong đời sống dân sự. Theo đó, chủ nợ có bảo đảm là ngân hàng được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với các chủ nợ có bảo đảm khác như: quyền xử lý tài sản bảo đảm, quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ... Điều này là không phù hợp, vi phạm nguyên tắc đối xử bình đắng giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý[1].

Những bất cập nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến “rủi ro pháp lý” cho các chủ thể khi ký kết, thực hiện hợp đồng và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tính ổn định của giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực kinh tế, thương mại thấp.

1.2.  Giai đoạn sau ngày 01/01/2006

BLDS năm 2005 ra đời đã bãi bỏ hiệu lực của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Do đó, kể từ ngày 01/01/2006, về mặt pháp lý, các giao dịch dân sự nói chúng và giao dịch bảo đảm nói riêng được xác lập giữa các doanh nghiệp với nhau để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay được xác lập giữa cá nhân với nhau để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng đều được điều chỉnh dựa trên những nguyên tắc của chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự trong Bộ luật dân sự năm 2005. Theo đó, các quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng chung cho các quan hệ dân sự và là cơ sở pháp lý được cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Pháp luật chuyên ngành phải đảm bảo tính thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự. Với việc thống nhất pháp luật về nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, trong đó có các giao dịch bảo đảm và bãi bỏ Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế dẫn đến trong trường hợp các văn bản pháp luật chuyên ngành, ví dụ về đất đai, thương mại không có quy định thì áp dụng các quy định  tương ứng trong Bộ luật dân sự 2005. Cụ thể hoá quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định 163/2006/NĐ-CP), đồng thời bãi bỏ Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP.

          Do vậy, một trong những kết quả quan trọng mà Việt Nam đạt được trong tiến trình cải cách khuôn khổ pháp luật là điều chỉnh và áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, không có sự phân biệt bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng hay tổ chức, cá nhân  khác (loại bỏ những trách nhiệm hay đặc quyền chỉ áp dụng riêng đối với tổ chức tín dụng), ví dụ: Quy định về điều kiện, thủ tục nhận bảo đảm bằng tài sản; xác định giá trị tài sản bảo đảm tiền vay và hỗ trợ trong việc thu giữ tài sản bảo đảm…

2. Xác định đúng bản chất của biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 thì các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và phạt vi phạm[2]. Trong đó, bảo lãnh được xác định là biện pháp bảo đảm đối vật và“người bảo lãnh chỉ được bảo lãnh bằng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc bằng việc thực hiện công việc”[3]. Ngoài ra, theo Bộ luật dân sự năm 1995 thì phạt vi phạm được xác định là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng, cũng như tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới thì bảo lãnh phải được điều chỉnh với bản chất của biện pháp bảo đảm đối nhân, nghĩa là bên bảo lãnh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm xử lý tài sản của mình. Trong khi đó, xét về bản chất, thì phạt vi phạm là một trong các biện pháp chế tài, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm thoả thuận đã được ký kết giữa các bên, mà không phải là biện pháp bảo đảm. Việc xác định không chính xác, đầy đủ bản chất của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đã dẫn đến hệ quả hiệu lực, hiệu quả áp dụng của các quy định này trên thực tế không cao, không phù hợp với tính chất của các quan hệ xã hội được điều chỉnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khi ký kết hợp đồng bảo đảm với các tổ chức, cá nhân nước ngoài do có sự xung đột pháp luật.

Để khắc phục hạn chế trên, một trong những điểm mới của pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm là đã xác định đúng bản chất của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ và tín chấp[4]. Như vậy, so với Bộ luật dân sự năm 1995 thì Bộ luật dân sự năm 2005 đã bổ sung biện pháp tín chấp và không quy định biện pháp phạt vi phạm trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, đồng thời đã chuyển từ bảo lãnh bằng tài sản cụ thể sang bảo lãnh đối nhân (không xác định tài sản cụ thể được dùng để bảo lãnh cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự). Cụ thể hoá những thay đổi trong Bộ luật dân sự năm 2005 về vấn đề này, Nghị định số 163/2003/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm đã thể hiện rõ nét thông qua các quy định như: Quyền của bên nhận bảo lãnh (Điều 46); xử lý tài sản của bên bảo lãnh (Điều 47)...

3. Đơn giản hoá các quy định về điều kiện đối với tài sản bảo đảm

3.1. Động sản và bất động sản đều có thể được dùng để thế chấp hoặc cầm cố

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 thì động sản chỉ được dùng để cầm cố, còn bất động sản chỉ được dùng để thế chấp[5]. Quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 đã hạn chế khả năng tham gia giao dịch của các tài sản vì trong nhiều trường hợp, ngay cả khi có nhu cầu, thì tổ chức, cá nhân cũng không được dùng bất động sản để cầm cố, cũng như không được dùng động sản để thế chấp nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Quy định như Bộ luật dân sự năm 1995 đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cũng như khả năng luân chuyển vốn trong đời sống kinh tế - xã hội. 

Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ luật dân sự năm 2005 đã quy định động sản hay bất động sản đều có thể được dùng để cầm cố và thế chấp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự[6]. Quy định mới của Bộ luật dân sự đã giúp cho các tài sản dễ dàng tham gia giao lưu dân sự và cơ hội tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân được dễ dàng hơn so với Bộ luật dân sự năm 1995.

3.2. Từng bước đơn giản hoá, minh bạch hoá các điều kiện đối với tài sản bảo đảm   

Theo quy định tại Điều 326 Bộ luật dân sự năm 1995 thì vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm và được phép giao dịch. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 1995 đã không phân loại vật hiện có và vật hình thành trong tương lai[7]. Ngoài ra, các quy định khác như Luật Đất đai năm 1993 đã khẳng định quyền sử dụng đất chỉ được tham gia giao dịch khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Tuy nhiên, pháp điển hoá các quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm, Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP khẳng định tài sản bảo đảm có thể là tài sản hình thành trong tương lai[8]. Ngoài ra, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người sử dụng đất khi có nhu cầu vay vốn của các tổ chức tín dụng, pháp luật đất đai đã mở rộng điều kiện tham gia các giao dịch của quyền sử dụng đất. Theo đó, ngoài Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì tổ chức, cá nhân có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai cũng được tham gia giao dịch bảo đảm.

3.3. Một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự

Với quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Nghị định số 165/1999/NĐ-CP thì điều kiện để một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ là rất chặt chẽ, khó khăn[9]. Do vậy, trong nhiều trường hợp, thoả thuận dùng một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân bị tuyên vô hiệu mặc dù các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ trong hợp đồng, với lý do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định, đặc biệt là điều kiện giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Bộ luật dân sự năm 2005 đã khẳng định rõ thời điểm xác định giá trị của tài sản bảo đảm là “tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm”. Mặt khác, để cụ thể hoá quyền tự do thoả thuận của các bên trong việc dùng một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, Điều 5 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định “các bên có thể thoả thuận dùng  tài sản có giá trị nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Ngoài ra, pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã bước đầu xây dựng cơ chế pháp lý nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có thể dễ dàng nhận mọi loại tài sản của con nợ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, ví dụ như hàng hoá là thành phẩm, bán thành phẩm trong kho của con nợ, các quyền đòi nợ, quyền ưu tiên…

4. Tăng cường tính thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong giao dịch bảo đảm

Trong tiến trình cải cách pháp luật về giao dịch bảo đảm, Việt Nam đã cụ thể hoá quan điểm tăng cường hơn nữa quyền tự chủ, quyền tự do cam kết, thoả thuận của các bên về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, kinh doanh, thương mại (bao gồm cả lĩnh vực bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng), kết hợp với việc đề cao nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của các bên về cam kết, thoả thuận của mình như: các bên được thoả thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; về nguyên tắc mọi tài sản đều có thể được dùng để bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định cấm... Điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất của các quan hệ dân sự, khắc phục sự lạc hậu so với sự phát triển kinh tế - xã hội trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự nói chung và quan hệ hợp đồng nói riêng là tự do thoả thuận, tự do ý chí, miễn là không được vi phạm điều cấm của pháp luật và trái với đạo đức xã hội. Do đó, về cơ bản, các bên có thể thoả thuận về mọi quan hệ giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, kể cả trong trường hợp thoả thuận đó không được pháp luật hoặc khác với các quy định của pháp luật, nếu những thoả thuận như vậy không vi phạm nguyên tắc nêu trên. Các quy định pháp luật về quan hệ giữa bên nhận bảo đảm chỉ áp dụng trong trường hợp:

·      Các bên thoả thuận áp dụng theo các quy định đó; hoặc

·      Các bên không có thoả thuận hoặc không đạt được thoả thuận.

·      Pháp luật quy định cụ thể, các bên không được thoả thuận trái với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật về giao dịch bảo đảm của Việt Nam đã thể hiện quan điểm tuy có hạn chế một số quyền của bên bảo đảm đối với tài sản bảo đảm, nhưng không vì thế mà làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh (Điều 331, 349 Bộ luật dân sự năm 2005…). Từ đó, một số quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên đã được sửa đổi theo hướng xoá bỏ những quy định gây phiền hà, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, tạo cơ chế thông thoáng cho sự phát triển của đời sống xã hội, song vẫn đảm bảo tính an toàn pháp lý trong  giao lưu dân sự.    

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm thông qua các quy định về giá trị pháp lý đối với người thứ ba

Công khai, minh bạch là tinh thần cơ bản được thể hiện trong các quy định về giao dịch bảo đảm hiện nay. Do vậy, pháp luật về giao dịch bảo đảm đã giải quyết mối quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với người thứ ba thông qua cơ chế đăng ký.

Đối chiếu với thực tiễn xác lập và thực hiện giao dịch bảo đảm (không chỉ đối với Việt Nam), pháp luật thường tập trung điều chỉnh mối xung đột lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm giữa bên nhận bảo đảm với những đối tượng sau đây:

·      Các chủ nợ không có bảo đảm

·      Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm bằng tài sản;

·      Người mua, người thuê, người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm;

·      Người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp;

·      Người có quyền cầm giữ tài sản bảo đảm (Người sửa chữa, nâng cấp tài sản/ người bảo quản tài sản);

Với các quy định về giá trị pháp lý của giao dịch bảo đảm đối với người thứ ba, pháp luật Việt Nam hướng đến các nội dung chủ yếu sau đây[10]:

·      Giao dịch bảo đảm đã có giá trị pháp lý đối với người thứ ba (thông qua cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm) thì tài sản bảo đảm trong giao dịch đó sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ các trường hợp ngoại lệ (thường là rất hiếm) do pháp luật quy định[11]. Quy định này đòi hỏi bên nhận bảo đảm cần có ý thức trong việc sử dụng cơ chế đăng ký giao dịch trong thời gian sớm nhất để bảo vệ một cách hiệu quả quyền lợi của mình (Điều 4 khoản 4)

·      Xác định thứ tự ưu tiên với các chủ nợ có bảo đảm khác (Điều 6, Điều 27).

·      Xác lập quyền ưu tiên với người mua, người thuê, người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm (Điều 22),

·      Có thể được ưu tiên đối với người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp (Điều 13).

·      Việc giao dịch bảo đảm đã có hiệu lực đối kháng hay chưa không có ý nghĩa trong việc xác định thứ tự ưu tiên đối với các đối tượng sau đây:

(1)   Đối với chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm luôn được ưu tiên thanh toán.

(2)   Đối với người có quyền cầm giữ, chủ nợ có bảo đảm luôn có thứ tự ưu tiên thanh toán sau.

(3)   Đối với người mua tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; người mua phương tiện giao thông cơ giới đã đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng không mô tả chi tiết số khung, số máy thì luôn trở thành chủ sở hữu tài sản đó.

(4)   Người bán trả chậm, trả dần, người cho thuê tài sản đã đăng ký giao dịch đó trong thời hạn mười lăm ngày kế từ ngày giao kết hợp đồng thì luôn được ưu tiên cao hơn so với bên nhận bảo đảm ngay tình.

6. Tạo điều kiện cho chủ nợ có bảo đảm dễ dàng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ thông qua các quy định về xử lý tài sản bảo đảm rõ ràng, cụ thể

Trước khi có Bộ luật dân sự năm 2005, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, chủ nợ có bảo đảm gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận tài sản bảo đảm để thu hồi nợ có bảo đảm do quy trình phức tạp, do không có cơ chế hợp lý trong việc xử lý tài sản bảo đảm, phù hợp với yêu cầu thực tế. Khắc phục bất cập đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm Việt Nam với các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã thể hiện quan điểm tăng cường khả năng thu hồi nợ cho bên nhận bảo đảm, ví dụ như: bán trực tiếp không cần qua đấu giá, quyền được tiếp cận hợp pháp để thu giữ tài sản bảo đảm…

Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã thể hiện cụ thể các nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm, ví dụ như: (i) Khẳng định nguyên tắc việc xử lý tài sản trước tiên được thực hiện theo thoả thuận của các bên, có thể là thoả thuận tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm hoặc thoả thuận tại bất kỳ thời điểm nào khác trong quá trình thực hiện giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Trong trường hợp không có thoả thuận thì mới xử lý theo quy định của pháp luật; (ii) Nguyên tắc thực hiện xử lý tài sản bảo đảm một cách khách quan, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, cá nhân, tổ chức có liên quan và phù hợp với quy định của pháp luật; (iii) Việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.

Với những nguyên tắc trên, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện tốt không chỉ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm, mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên bảo đảm, cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm.

II. Một số kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về giao dịch bảo đảm

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm, chúng ta cần nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, nghiên cứu để mở rộng nội hàm của khái niệm giao dịch bảo đảm vì cách hiểu truyền thống về giao dịch bảo đảm đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trước xu thế hiện nay. Tham khảo pháp luật một số nước có thị trường tín dụng phát triển mạnh  (Anh, Mỹ, Canada, Niudilân), chúng tôi nhận thấy, do chỉ quan tâm đến bản chất của giao dịch bảo đảm là giao dịch làm phát sinh lợi ích bảo đảm mà không chú trọng loại giao dịch nên pháp luật về giao dịch bảo đảm không điều chỉnh về từng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cụ thể (cầm cố tài sản, thế chấp thế chấp, bảo lãnh…) mà điều chỉnh về lợi ích bảo đảm và các vấn đề liên quan đến việc thực hiện lợi ích bảo đảm đó. Các loại giao dịch bảo đảm được gọi chung là các hợp đồng bảo đảm (security agreements).[12] Để thúc đẩy sự phát triển của giao lưu thương mại và phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế, chúng ta cần tiếp cận xu hướng này để nghiên cứu mở rộng phạm vi các giao dịch chịu sự điều chỉnh của pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường tính an toàn, công khai, minh bạch cho các giao dịch trên thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Hai là, cần loại bỏ những “rào cản pháp lý” để có thể mở rộng hơn nữa phạm vi tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Xu hướng cải cách này đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thực hiện[13] vì những quy định thiếu rõ ràng, cụ thể về điều kiện đối với tài sản bảo đảm, hình thức của hợp đồng bảo đảm… đã dẫn đến khó khăn trong việc khai thông thị trường vốn, cản trở các chủ thể kinh doanh (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế… Do vậy, pháp luật về giao dịch bảo đảm cần rà soát, đánh giá toàn diện nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân dùng tài sản hợp pháp để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Xu hướng này cần được thực hiện kiên trì nhưng phải kiên quyết và mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính tương thích với pháp luật về giao dịch bảo đảm trong khu vực và trên thế giới.     

Ba là: Cùng với tiến trình hội nhập đời sống quốc tế, tài sản bảo đảm là các quyền từ hợp đồng sẽ trở nên phổ biến. Các quyền từ hợp đồng là một khái niệm rộng hơn quyền tài sản hiên đang được quy định trong Bộ luật dân sự. Trong thực tế, đã có trường hợp dùng quyền được bao tiêu sản phẩm gia công, quyền yêu cầu thanh toán trong các hợp đồng, quyền nhận tiền bảo hiểm, quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát sinh từ các hợp đồng tín dụng thương mại... để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.  Song, đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa quy định cụ thể về nội hàm của khái niệm “quyền từ hợp đồng”, “quyền tài sản hình thành trong tương lai”, về căn cứ chứng minh quyền thuộc sở hữu, sử dụng của bên bảo đảm và về cơ chế bảo vệ bên nhận bảo đảm bằng các quyền… Trong thời gian tới, các quyền từ hợp đồng (bao gồm cả quyền tài sản) sẽ giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong giao lưu dân sự, thương mại, do vậy pháp luật về giao dịch bảo đảm cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về loại tài sản bảo đảm đặc thù này.

Bốn là, rà soát để bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn, hạn chế các chủ thể thiết lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm, ví dụ như: quy định “vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm” (khoản 1 Điều 320 Bộ luật dân sự), về giá trị của tài sản so với tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm (khoản 1 Điều 324 Bộ luật dân sự) hay quy định giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp giữ trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất (khoản 1 Điều 717, khoản 5 Điều 718 Bộ luật dân sự)...; bãi bỏ các quy định về giao dịch bảo đảm còn mẫu thuẫn, chưa thống nhất, ví dụ như cách thức xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất (Luật Đất đai năm 2003 quy định trong trường hợp không xử lý được theo thoả thuận thì quyền sử dụng đất được bán đấu giá, trong khi đó Bộ luật dân sự quy định bên nhận bảo đảm  phải khởi kiện tại Toà án); nghiên cứu để bổ sung một số quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ví dụ như: những quy định nhằm bảo vệ quyền kiểm soát tài sản bảo đảm là quyền tài sản (đặc biệt là quyền đòi nợ) của bên nhận bảo đảm hay hay như quy định về hạn chế tài sản là nhà ở dùng để thế chấp cho nhiều nghĩa vụ tại nhiều tổ chức tín dụng trong Luật Nhà ở… Vì chính những mâu thuẫn, thiếu thống nhất của pháp luật về giao dịch bảo đảm dẫn đến những rủi ro pháp lý và cản trở các nhà đầu tư khi tiếp cận với thị trường vốn Việt Nam.

Năm là, quy định chính xác, toàn diện thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các chủ thể có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm vì sự rõ ràng, chính xác và công bằng về lợi ích giữa các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các giao dịch. Theo chúng tôi, mặc dù, Bộ luật dân sự năm 2005 và Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, cụ thể là căn cứ theo thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với trường hợp giao dịch bảo đảm có đăng ký) hoặc theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm (đối với trường hợp giao dịch bảo đảm không có đăng ký)[14] nhưng quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm vẫn chưa được bảo vệ thoả đáng. 

Sáu là: Cần có các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nợ có bảo đảm được thực thi tốt nhất quyền năng của mình trên thực tế. Nói cách khác, trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm trong thời gian nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng vẫn phải khách quan, trung thực. Ngoài ra, cần phải có sự thay đổi về quan điểm lập pháp khi điều chỉnh hành vi của các bên ký kết hợp đồng bảo đảm, đó là: áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm; tăng cường cơ chế, biện pháp để bên nhận bảo đảm dễ dàng tiếp cận và xử lý tài sản bảo đảm[15] hoặc chỉ cần chứng minh hai chứng cứ là: (i) hợp đồng bảo đảm hợp pháp và (ii) con nợ không có khả năng trả nợ theo đúng cam kết, thì chủ nợ hoàn toàn có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo như thoả thuận hoặc theo pháp luật quy định. Hiện nay, “có 56 nước áp dụng quy trình tố tụng giản lược này, nhờ đó thời gian để tiến hành xử lý tài sản thế chấp ở những nước này ít hơn 50% so với những nước dùng các biện pháp xét xử khác”[16].

(Phần 2 của bài viết này sẽ được giới thiệu trong thời gian tới).                

Hồ Quang Huy


 


[1] Các chủ thể là ngân hàng chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP.

[2] Điều 324 Bộ luật dân sự năm 1995

[3] Khoản 2 Điều 2 Bộ luật dân sự năm 1995

[4] Điều 318 Bộ luật dân sự năm 2005

[5] Khoản 1 Điều 329 và khoản 1 Điều 346 Bộ luật dân sự năm 1995

[6] Điều 326 và Điều 342 Bộ luật dân sự năm 2005

[7] Khái niệm tài sản hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 7 Điều 2, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và  khoản 3 Mục I của Thông tư số 06/2002/TT-BTP ngày 28/2/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định số 165/1999/NĐ-CP.

[8] Điều 320 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

[9] Điều 6 Nghị định số 165/1999/NĐ-CP.

[10] Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.

[11] Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004

[12] Theo Điều 9 của Bộ luật thương mại thống nhất của Hoa Kỳ (UCC) thì “lợi ích bảo đảm”“lợi ích gắn với động sản được xác lập hoặc được cung cấp thông qua giao dịch nhằm bảo đảm cho việc thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ, không phụ thuộc vào: hình thức giao dịch; đặc điểm xác nhận của người có quyền đối với tài sản bảo đảm và bao gồm lợi ích được xác lập hoặc cung cấp thông qua việc chuyển nhượng quyền yêu cầu thanh toán hoặc chứng thư bảo đảm, cho thuê có thời hạn trên một năm, việc gửi bán thương mại (không phụ thuộc vào việc chuyển nhượng, cho thuê hoặc gửi bán thương mại có bảo đảm cho việc thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ hay không)”.

[13] Theo ấn phẩm Môi trường kinh doanh năm 2006 do Ngân hàng thế giới và Công ty Tài chính quốc tế đồng xuất bản.

[14] Điều 325 Bộ luật dân sự

[15] Hiện nay, khi bán đấu giá quyền sử dụng đất, ngân hàng cấp vốn phải gửi hồ sơ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tổ chức) hoặc cấp huyện (đối với hộ gia đình, cá nhân) cho phép bán đấu giá

[16] Theo ấn phẩm Môi trường kinh doanh năm 2006 do Ngân hàng thế giới và Công ty Tài chính quốc tế đồng xuất bản