Tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008

15/12/2008
Để có cơ sở pháp lý kiện toàn bộ máy và tổ chức thực hiện các hoạt động của Quỹ, vừa qua, tại Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008, Bộ trưởng Bộ tư pháp đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.

Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg ngày 30/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa và người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện làm việc cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương có khó khăn...

Để có cơ sở pháp lý kiện toàn bộ máy và tổ chức thực hiện các hoạt động của Quỹ, vừa qua, tại Quyết định số 08/2008/QĐ-BTP ngày 08/12/2008, Bộ trưởng Bộ tư pháp đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam. Theo đó, Quy chế tập trung làm rõ các nội dung về tổ chức và hoạt động của Quỹ, cụ thể như sau:

1. Về mục đích, vị trí pháp lý

Quy chế khẳng định Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Trợ giúp pháp lý. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, có tổ chức bộ máy chuyên trách. Tài khoản Quỹ được mở tại Kho bạc nhà nước để thực hiện thu, chi qua Kho bạc nhà nước đối với các khoản kinh phí thuộc Ngân sách nhà nước cấp theo quy định của Luật Ngân sách. Để tạo thuận lợi cho Quỹ khi thực hiện các khoản thu, chi từ các nguồn ngoài Ngân sách nhà nước, Quy chế đã quy định Quỹ còn được mở tài khoản tại Ngân hàng được phép hoạt động tại Việt . Quỹ có tổ chức, bộ máy thuộc Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý hoạt động của Quỹ.

2. Các nguyên tắc hoạt động và quản lý Quỹ

Để bảo đảm Quỹ triển khai hoạt động và quản lý các nguồn tài chính được thuận lợi và có hiệu quả, ngoài các nguyên tắc được nêu trong Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg ngày 30/6/2008, theo Quy chế này, Quỹ còn tuân thủ các nguyên tắc như: hoạt động theo chương trình, kế hoạch hàng năm đã được Bộ trưởng phê duyệt; quản lý và sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ phải đúng mục đích, có hiệu quả và không được tiếp nhận nguồn tài chính được yêu cầu sử dụng trái với mục đích của Quỹ.

3. Về nội dung chi của Quỹ

Quy chế quy định cụ thể, chi tiết các nội dung chi của Quỹ nhằm làm rõ phạm vi hỗ trợ đã được quy định tại Điều 5 Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg, bảo đảm chi đúng mục đích và yêu cầu đề ra, bao gồm:

- Chi hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý: đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho người thuộc nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, hội thảo, toạ đàm, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ trực tiếp nhiệm vụ trợ giúp pháp lý; công tác truyền thông; xuất bản tài liệu, sách, tờ gấp pháp luật và các ấn phẩm khác phục vụ cho hoạt động trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc cho tổ chức trợ giúp pháp lý…

- Chi hỗ trợ trang thiết bị, máy vi tính, máy in, máy photocoppy, bàn ghế làm việc, điện thoại, loa đài, tăng âm và các trang thiết bị thiết yếu khác cho các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý ở các tỉnh thuộc diện ngân sách trung ương phải hỗ trợ, các địa phương có khó khăn đột xuất. 

- Chi hỗ trợ trong một số trường hợp đặc biệt: trường hợp phải bồi thường cho người được trợ giúp pháp lý bị thiệt hại do trợ giúp pháp lý sai mà tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không đủ khả năng chi trả toàn bộ; chi hỗ trợ theo yêu cầu hoặc thoả thuận của bên tài trợ, viện trợ, ủng hộ đóng góp với Quỹ về mục tiêu, nội dung, địa chỉ nhận hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các trường hợp đặc biệt khác theo phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Chi bảo đảm hoạt động, phát triển và quản lý Quỹ theo quy định hiện hành như: tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy quản lý Quỹ, phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ, công chức của Cục Trợ giúp pháp lý được bố trí kiêm nhiệm hoạt động của Quỹ; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định; mua sắm, sửa chữa tài sản phục vụ hoạt động của Quỹ; chi thường xuyên của Quỹ như vật tư văn phòng, dịch vụ công, thông tin, tuyên truyền liên lạc, thuê mướn và các hoạt động có liên quan khác; công tác phí đi kiểm tra tổ chức, cá nhân thực hiện, thụ hưởng nguồn hỗ trợ từ Quỹ theo quy định chung…

Các khoản chi phải được thực hiện theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước hoặc thực hiện theo đúng các cam kết, đúng mục tiêu đối với các khoản tài trợ, viện trợ, ủng hộ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

4. Về quy trình hỗ trợ tài chính của Quỹ

Để phân cấp trách nhiệm và tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ từ Quỹ, Quy chế quy định rõ thẩm quyền và mức duyệt chi hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; quy định việc tạm ứng kinh phí cho đơn vị tiếp nhận hỗ trợ, quy định về thủ tục tiếp nhận, hồ sơ thanh quyết toán khoản kinh phí được hỗ trợ, trách nhiệm của các đơn vị tiếp nhận và sử dụng hỗ trợ từ Quỹ…  

5. Về tổ chức bộ máy của Quỹ  

Quy chế quy định Quỹ có Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ và các bộ phận giúp việc thuộc biên chế của Cục Trợ giúp pháp lý. Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Quỹ theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ.  

Giám đốc Quỹ là chủ tài khoản, là người đại diện theo pháp luật của Quỹ và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý và trước pháp luật về việc tổ chức hoạt động của Quỹ.  

Phó Giám đốc Quỹ là người giúp Giám đốc Quỹ thực hiện một số mặt công tác được Giám đốc Quỹ phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Quỹ về kết quả thực hiện các công tác đó. Trường hợp được Giám đốc Quỹ uỷ quyền giải quyết công việc của Quỹ, Phó Giám đốc Quỹ phải chịu trách nhiệm và báo cáo Giám đốc Quỹ về kết quả thực hiện công việc được uỷ quyền.  

Ngoài biên chế chuyên trách của Quỹ, Quỹ có thể huy động các cán bộ khác thuộc biên chế của Cục Trợ giúp pháp lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm theo sự phân công và phê duyệt của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý.  

6. Về trách nhiệm quản lý và điều hành Quỹ  

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và điều hành chung đối với Quỹ, có trách nhiệm: trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc phê duyệt theo ủy quyền kế hoạch hoạt chungvà dự toán ngân sách hàng năm, đột xuất của Quỹ; hướng dẫn quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ theo đúng chế độ hiện hành; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc quản lý và sử dụng kinh phí của Quỹ tại các đơn vị tiếp nhận hỗ trợ; phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính thường xuyên theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện chế độ tài chính, kế toán của Quỹ, ngăn ngừa việc lợi dụng danh nghĩa của Quỹ để hoạt động thu lợi bất hợp pháp.  

7. Về công tác tài chính, kế toán Quỹ  

Cũng theo Quy chế, việc xây dựng kế hoạch hoạt động, thu, chi tài chính Quỹ và lập dự toán, quyết toán thu, chi từ nguồn Ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn viện trợ, đóng góp ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ được quy định chi tiết để bảo đảm chế độ quản lý, sử dụng các khoản thu, chi theo đúng với tôn chỉ, mục đích của Quỹ. Đơn vị tiếp nhận hỗ trợ từ Quỹ sẽ thực hiện việc lưu giữ chứng từ tại đơn vị theo đúng hạn mức kinh phí được duyệt. Nếu đơn vị tiếp nhận hỗ trợ sử dụng kinh phí được hỗ trợ sai mục đích, sai hạn mức thì đơn vị tiếp nhận hỗ trợ sẽ phải hoàn trả lại kinh phí cho Quỹ trong vòng 15 ngày. Trường hợp không sử dụng hết phần kinh phí tạm ứng thì số kinh phí còn lại đó phải trả lại cho Quỹ khi thực hiện thanh lý hợp đồng.  

8. Về khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo để khuyến khích các nguồn đóng góp tự nguyện cho Quỹ  

Quy chế quy định công lao đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Quỹ được ghi nhận vào Sổ vàng danh dự. Tuỳ theo tính chất, mức độ thành tích và các đóng góp, Quỹ đề xuất Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp khen thưởng theo thẩm quyền.  

Việc xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Quỹ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, Quy chế Quỹ được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý để Quỹ đi vào hoạt động ổn định, xác định rõ được phạm vi trách nhiệm, cơ chế quản lý, điều hành và cơ chế sử dụng thu, chi của Quỹ. Từ đó, Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính góp phần thúc đẩy hoạt động trợ giúp pháp lý ở các địa phương có khó khăn phát triển, qua đó ngày càng đáp ứng có hiệu quả nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đối tượng chính sách trong thời gian tới./.

Khôi Nguyên  - Cục Trợ giúp pháp lý