Hội thảo nâng cao về danh mục kiểm soát quốc gia

17/12/2008
Trong ba ngày 10-12/12/2008, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội thảo về Danh mục Kiểm soát quốc gia nhằm chuyển giao kiến thức, kỹ năng và năng lực cho các công chức của Việt Nam phụ trách cấp giấy phép xuất khẩu, những người chịu trách nhiệm xử lý giấy phép xuất khẩu.

Danh mục kiểm soát quốc gia là căn cứ và là cơ sở đế cấp phép xuất khẩu các hạng mục cần kiểm soát theo chính sách quản lý của mỗi nước, trong đó, cấp phép là một trong các yếu tố cơ bản của Kiểm soát xuất khẩu. Việt Nam hiện nay chưa có một Danh mục kiểm soát xuất khẩu quốc gia, các Bộ ngành chủ yếu  dựa vào các danh mục quản lý chuyên ngành riêng lẻ. Do đó, Hội thảo là cơ hội để cán bộ của các cơ quan quản lý và cấp phép lĩnh hội kiến thức và học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc xây dựng một Danh mục kiểm soát chung, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về chống phổ biến vũ khí và mục đích kiểm soát thương mại chiến lược của Việt Nam.

Theo trình bày của các chuyên gia tại Hội thảo, Danh mục kiểm soát quốc gia gồm có hai loại: một loại áp dụng đối với  quá trình xuất khẩu và một loại áp dụng với quá trình nhập khẩu, nội dung cuộc hội thảo tập trung vào loại thứ nhất với hai nội dung cơ bản: nghiên cứu về Danh mục Kiểm soát Vũ khí đạn dược quốc tế và Danh mục kiểm soát lưỡng dụng của EU.

Hiện nay, trên thế giới Danh mục Kiểm soát Vũ khí đạn dược được xây dựng trên các nền tảng cơ bản như: Thoả ước Wassenaar (WA); Chế độ kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR); Nhóm các nhà cung cấp Hạt nhân (NSG); Hiệp định Vũ khí hoá học (CWC); Nhóm Úc (AG).

Trong đó, mục đích của WA là đẩy mạnh hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm và ngăn cản việc di chuyển vũ khí, hàng hoá và công nghệ có liên quan, bảo đảm việc chuyển giao các mặt hàng được kiểm soát không làm phát triển hoặc thúc đẩy thêm các khả năng quân sự làm phá hỏng mục tiêu không phổ biến vũ khí hàng loạt. WA ban hành các danh mục lưỡng dụng về các mặt hàng cơ bản, hàng nhạy cảm và rất nhạy cảm.

Mục đích của MTCR là hạn chế việc phổ biến tên lửa, phương tiện hàng không không người lái và công nghệ liên quan tới những hệ thống có khả năng phóng 500kg chất nổ với cự ly tối thiểu 300km cũng như những hệ thống có ý định phóng các vũ khí huỷ diệt hàng loạt. MTCR xây dựng hai loại hàng hoá: loại I và loại II, trong đó chứa đựng nhiều hạng mục. Việc kiểm soát công nghệ tên lửa được thực hiện theo nguyên tắc cương quyết từ chối các hạng mục loại I và các phương tiện sản xuất, từng bước xem xét các trường hợp hạng mục loại II.

Mục đích của NSG nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán hạt nhân vì mục đích hoà bình không góp phần vào việc phổ biến vũ khí hạt nhân và các thiết bị gây nổ hạt nhân khác. Hướng dẫn NSG tạo điều kiện phát triển thương mại trong lĩnh vực này bằng cách đưa ra các phương tiện để tạo điều kiện hợp tác hạt nhân hoà bình theo phương thức thống nhất với các quy tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế. Việc kiểm soát của NSG được thực hiện dựa trên bảng Phụ lục được phân thành hai nhóm: danh mục Cơ bản và danh mục Khởi sự.

Mục tiêu chính của các bên tham gia AG là để đảm bảo các biện pháp cấp phép xuất khẩu cho các sản phẩm sinh học, hoá học và phương tiện, thiết bị sản xuất sinh học và hoá học lưỡng dụng có xuất xứ từ những nước không góp phần vào việc phổ biến vũ khí sinh hoá. AG ban hành danh mục kiểm soát chung: tiền thân của vũ khí hoá học, máy móc và thiết bị sản xuất hoá chất lưỡng dụng và công nghệ liên quan, thiết bị sinh học lưỡng dụng, thuốc sinh học, mầm bệnh thực vật, mầm bệnh động vật.

Mục đích của CWC là quyết tâm hành động với mong muốn đạt được tiến bộ hiệu quả hướng tới giải trừ quân bị chung và toàn diện dưới sự kiểm soát quốc tế chặt chẽ và hiệu quả. Việc kiểm soát vũ khí hoá học được thực hiện căn cứ theo danh mục hoá chất được quy định trong các phụ lục của CWC.

Bên cạnh Danh mục Kiểm soát Vũ khí đạn dược được trình bày tại hội thảo, các chuyên gia Hoa Kỳ còn tập trung giới thiệu chi tiết về Danh mục kiểm soát của EU, danh mục này được sử dụng làm cơ sở và mô hình để phát triển danh mục kiểm soát quốc gia.

Việc sử dụng Danh mục kiểm soát của EU mang lại rất nhiều tiện ích trong việc kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt, nó cho phép các nước tiến hành kiểm soát đơn phương, tạo điều kiện để trao đổi kỹ thuật giữa các nước, đồng thời tập hợp các danh mục kiểm soát của các chế độ quốc tế thành một danh mục thống nhất. Danh mục này được cấu trúc một cách hợp lý dễ hiểu và dễ nhớ, có thể sử dụng tại nhiều nước thành viên có chế độ kiểm soát khác nhau. Việc kiểm soát hàng hoá lưỡng dụng theo Danh mục này được thực hiện thông qua bảng danh mục rõ ràng, chỉ cần 5 ký tự khi khai nhập (ví dụ 3A001), mười phân loại được tách biệt rõ ràng, mỗi phân loại đều có các nhóm tương tự. Danh mục EU chứa đựng các chương riêng biệt trong mỗi phân loại cho việc kiểm soát quốc gia đơn phương, mỗi nước có thể tiến hành kiểm soát riêng biệt vượt khỏi phạm vi kiểm soát chế độ, việc kiểm soát diễn ra đối với hạng mục cụ thể, quốc gia cụ thể hoặc theo bất kỳ phương thức được lựa chọn nào, những kiểm soát này có thể đáp ứng cụ thể bất kỳ các yêu cầu quốc gia.

Thông qua các bài trình bày, các bài tập nhóm, các chuyên gia của Chính phủ Mỹ đã hướng dẫn cán bộ làm công tác kiểm soát xuất khẩu xây dựng danh mục kiểm soát quốc gia, các phương pháp cơ bản để xác định các mặt hàng chịu sự kiểm soát theo Danh mục của EU, các phương pháp xác định mặt hàng dùng trong quân sự hoặc lưỡng dụng và thảo luận các yêu cầu cần thiết về cơ cấu tổ chức để thực hiện Danh mục kiểm soát quốc gia.

Hội thảo là cơ hội tốt để những người tham gia bước đầu nắm được kiến thức nghiệp vụ về Danh mục Kiểm soát Mẫu của EU và Danh mục Vũ khí đạn dược Quốc tế được cấu trúc như thế nào và làm sao mà các chuyên gia thông qua Danh mục này đưa ra các quyết định hợp lý để phân loại hàng hoá bao gồm khả năng nhận biết sự khác biết giữa Hạng mục Vũ khí và Lưỡng dụng (quyền tài phán đối với hàng hoá).

                                                                                          Đức Trí