Đào tạo các chức danh tư pháp: Một vấn đề bức xúc trong thời hội nhập

19/08/2008
Xã hội càng phát triển, vai trò của các cơ quan tư pháp càng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ công lý, pháp chế XHCN và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Để đáp ứng vai trò này, cần thiết phải xây dựng được đội ngũ các chức danh tư pháp (CDTP) đảm bảo các yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, thực trạng các CDTP ở nước ta vẫn gây ra nhiều vấn đề bức xúc, nhất là trong nhu cầu đào tạo.

Bài 1: Các chức danh tư pháp – đâu cũng thiếu

Trong những năm qua, công cuộc CCTP đã đạt được những thành tựu quan trọng. Điều đó được thể hiện ở hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp có những chuyển biến rõ rệt. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp từng bước được kiện toàn, đội ngũ cán bộ được bổ sung về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc CCTP và nhu cầu xã hội, đội ngũ các CDTP vẫn còn nhiều bất cập về chất lượng, mà một trong những nguyên nhân chính là do đội ngũ nhân lực chưa tương xứng với tính chất phức tạp và khối lượng lớn công việc của các cơ quan Tư pháp… Không những thế, thời kỳ hội nhập với các quan hệ kinh tế, các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài cũng đặt ra cho đội ngũ cán bộ tư pháp những yêu cầu mới và việc phải luôn cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế.

Theo thống kê của ngành toà án, những năm gần đây, số lượng các vụ án và các tranh chấp tăng lên nhanh chóng, khoảng 15%/năm. Do đó, chỉ tiêu biên chế thẩm phán của TAND các cấp trong những năm 2004-2005 được xây dựng trên cơ sở số lượng các vụ án cần giải quyết khoảng 180.000 vụ/năm đến nay không còn phù hợp. Ông Trần Văn Tú – Phó Chánh án TANDTC – cho biết, với yêu cầu công việc hiện nay, tổng biên chế của toàn ngành ước tính cần khoảng 17.000 người. Với dự kiến đến năm 2010 số các vụ án và tranh chấp sẽ là 400.000 vụ/năm, thì mỗi năm ngành toà án cần bổ sung khoảng 1.000 người, trong đó cần 450 thẩm phán, 550 thư ký và cán bộ khác.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với ngành kiểm sát. Với 70% (trong tổng số khoảng 11.000 người) là kiểm sát viên (KSV), Điều tra viên nhưng theo Viện KSNDTC, đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát vẫn thiếu, nên còn nhiều KSV phải kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, dù trình độ của đội ngũ KSV, điều tra viên của ngành đa số là cử nhân luật, một số cũng đã được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ nhưng để bảo đảm chuẩn hoá về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ, ngành kiểm sát cần phải cử đi đào tạo nghiệp vụ KSV cho khoảng 300 người/năm.

Là một trong những thành phần quan trọng của quá trình tố tụng, đội ngũ luật sư (LS) Việt Nam cũng đang đứng trước tình trạng chưa thể đáp ứng yêu cầu của xã hội cả về số lượng và chất lượng. Khi tỷ lệ LS ở nước ta (1/24.000 dân) còn quá thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, việc đào tạo được đội ngũ LS đáp ứng mục tiêu khoảng 18.000 – 20.000 LS (vào năm 2020) là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có các chiến lược thích hợp để “nâng tầm” và phát triển đội ngũ này.

Các CDTP khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như chấp hành viên (CHV) THADS, công chứng viên (CCV) cũng đang đứng trước nguy cơ… “chạy hụt hơi” mà không theo kịp yêu cầu công việc. Theo kết quả khảo sát sơ bộ để đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển toàn diện hệ thống đào tạo các CDTP đến năm 2010, dự kiến trong vòng 10 năm tới, các cơ quan THADS địa phương phải bổ nhiệm thêm khoảng 3.000 CHV, đấy là chưa kể khoảng 300 người/năm cho các chức danh mới (như thẩm tra viên THADS, thừa phát lại), mới có thể đẩy công tác THADS đạt những mục tiêu cần thiết.

Đối với đội ngũ CCV, với hơn 20 văn phòng công chứng đi vào hoạt động và nhất là khi Đề án phát triển mạng lưới phòng công chứng và văn phòng công chứng trên cả nước (mà hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng) được thông qua thì nhu cầu đối với các CCV là khá lớn (khoảng 3.000 CCV) để bảo đảm nhu cầu xã hội hoá hoạt động công chứng. Ước tính của HVTP, trước mắt, trong thời gian tới sẽ cần đào tạo bổ sung khoảng 1.000 CCV (300 CCV cho các Phòng Công chứng và 700 CCV cho các văn phòng công chứng trên cả nước).

Ngoài các chức danh trên, cùng với sự phát triển của xã hội, các CDTP mới cũng đã và đang được hình thành. Điều đó cho thấy một nhu cầu đã trở nên bức xúc về vấn đề đào tạo nguồn cho các CDTP.

Do nhiều lý do, số lượng các CDTP được bổ nhiệm trên thực tế thường thấp hơn con số được đào tạo. Kết quả khảo sát độc lập gần đây của Công ty Luật Invest Consult - thực hiện trong khuôn khổ Dự án JUDGE (CIDA) và JOBSO (Đan Mạch) - cho thấy, tỷ lệ các CDTP được bổ nhiệm ngay so với số lượng được đào tạo chỉ đạt khoảng 45% (thẩm phán, LS), 65% (KSV), CHV (90%) và CCV (80%).

Bài 2: Đào tạo – nguồn “bồi đắp”

Trong Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng (ngày 2/6/2005) về Chiến lược cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020 đã khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chiến lược CCTP, nhất là các chức danh tư pháp (CDTP). Để làm được điều đó, Nghị quyết khẳng định “xây dựng Học viện tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp”.

Để xây dựng đội ngũ các CDTP đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Nghị quyết 48-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chỉ rõ phải “đổi mới công tác đào tạo các CDTP… chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các CDTP”. Trước thực trạng “đâu cũng thiếu” của đội ngũ các CDTP ở nước ta, ngoài các chính sách về bổ nhiệm, luân chuyển, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan Tư pháp luôn là một vấn đề cần được tăng cường và tiến hành liên tục. Thực hiện NQ 48 và 49, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng đề án về việc xây dựng HVTP thành “trung tâm lớn đào tạo các CDTP”.

Đề án nhằm đưa HVTP thành trung tâm gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng, thống nhất đào tạo các CDTP chất lượng cao nhằm đáp ứng được yêu cầu cơ bản về số lượng nguồn nhân lực phục vụ chiến lược CCTP ở nước ta, nhất là khẳng định được vị trí hàng đầu của HVTP trong bối cảnh đa dạng hoá, xã hội hoá đào tạo. Từ năm 2013, HVTP sẽ trở thành một trung tâm quốc gia thống nhất đào tạo các CDTP: Thẩm phán, KSV, LS, CHV, CCV và có vai trò định hướng về nội dung, chương trình, tài liệu, phương pháp đào tạo đối với cơ sở đào tạo một số CDTP của các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Một điểm nổi bật của đề án là đến năm 2012 thí điểm để từ năm 2013 tổ chức được kỳ thi tuyển quốc gia lựa chọn những người có khả năng đào tạo nguồn bổ nhiệm các CDTP. Việc thi tuyển quốc gia để đào tạo chung 3 chức danh là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về “thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp” nhằm tạo mặt bằng về trình độ giữa 3 chức danh Thẩm phán, KSV và LS. Đây sẽ là giải pháp pháp rất thích hợp để “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử” và “đáp ứng yêu cầu sử dụng, luân chuyển các CDTP”. Đồng thời tạo điều kiện sàng lọc và định hướng nghề nghiệp theo chức danh, mở rộng nguồn cho các CDTP là Thẩm phán, KSV và LS. Theo ý kiến của ông Phan Hữu Thư – Giám đốc HVTP, đây là một biện pháp đang được nhiều quốc gia có nền tư pháp phát triển như Nhật Bản, Pháp… áp dụng.

Đề án rất quan tâm đến sự phối hợp 3 bên giữa Bộ Tư pháp, TANDTC và VKSNDTC trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo các chức danh Thẩm phán, KSV. Sự phối hợp này sẽ được qui định cụ thể trong cơ chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, Đề án đã đưa ra các giải pháp để xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP như mục tiêu đã xác định. Đó là bảo đảm về số lượng đào tạo bằng cách phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích học viên trong quá trình tham gia đào tạo, nhất là đối với công chức nhà nước được đào tạo nguồn bổ nhiệm các chức danh Thẩm phán, KSV, CHV hay những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn khi tham gia các khoá đào tạo nghiệp vụ LS…Ngoài ra, đề án còn xác định các giải pháp để bảo đảm chất lượng đạo tạo như xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh, đủ năng lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu… theo hướng tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, sát với yêu cầu thực tiễn; áp dụng triệt để phương pháp đào tạo tích cực…  

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, những thay đổi cơ bản trong công tác đào tạo các CDTP sẽ tác động mạnh mẽ đến nền tư pháp đất nước. Do đó, xây dựng Đề án đưa HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP là một cơ hội lớn, không chỉ để nâng cấp HVTP mà đem lại những đóng góp thực sự cho công cuộc CCTP, cho sự đổi mới của nền tư pháp. Với việc thực hiện Đề án này, HVTP phải phấn đấu xây dựng được thương hiệu, tạo ra nhiều đột phá trong công tác đào tạo, đặc biệt khi pháp luật hiện hành đã cho phép các cơ sở ngoài Nhà nước đào tạo các CDTP (LS, CCV).

Đánh giá chung về Đề án, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đều cho rằng, Đề án đã đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với việc đào tạo các CDTP. Đến nay, Đề án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để sớm trình Ban Chỉ đạo CCTP TƯ cho ý kiến./.

Giang Huy