Trong hoạt động bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng, có nhiều trường hợp, các tổ chức này thực hiện việc cho vay đối với khách hàng vay là người đã có vợ hoặc chồng. Trong những trường hợp này, các cán bộ tín dụng thường gặp khó khăn trong việc xác định số tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay có thuộc tài sản chung của hai vợ chồng hay không? Các hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ tiền vay chỉ cần sự tham gia ký kết của người đi vay hay cần có sự tham gia ký kết của cả hai vợ chồng? Việc đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp này sẽ được thực hiện như thế nào?
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được giải đáp những thắc mắc nêu trên căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành nói chung và những quy định mới nhất của pháp luật về giao dịch bảo đảm nói riêng, qua đó, hy vọng góp phần giúp cho hoạt động cho vay và bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và an toàn.
1. Việc xác định tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay là tài sản thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của vợ chồng
Để xác định tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của vợ chồng, chúng ta cần phải căn cứ vào những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (sau đây gọi là Nghị định số 70). Trong những văn bản nêu trên, có những quy định sau đây liên quan đến vấn đề này:
Khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “ Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.””
Khoản 1 Điều 29 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.”
Căn cứ vào những quy định nêu trên, việc xác định tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu chung hay sở hữu riêng của vợ chồng được giải quyết như sau:
Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 29 của Luật Hôn nhân và gia đình thì tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay thuộc sở hữu chung của vợ chồng, không phụ thuộc vào việc chỉ có một người ký hết hợp đồng vay.
Trường hợp vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nếu chỉ có một trong hai người vay tiền của ngân hàng và ký kết hợp đồng vay thì tiền vay và tài sản hình thành từ tiền vay thuộc sở hữu riêng của người vay (căn cứ Điều 8 Nghị định số 70), trừ khi hai vợ chồng có thỏa thuận chuyển tiền vay hoặc tài sản hình thành từ tiền vay thành tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
2. Việc tham gia và ký kết hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng
Để xác định phạm vi thẩm quyền của vợ chồng trong việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm, trách nhiệm tham gia và ký kết hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ tiền vay của vợ chồng, cần phải căn cứ vào những quy định tại các Điều 219 và 343 của Bộ luật dân sự, Điều 33 của Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 4 của Nghị định số 70.
Điều 219 Bộ luật dân sự quy định:
“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
2. Vợ chồng ... có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.”
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
...................................................................................................................
5. Trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thoả thuận của cả vợ chồng.”
Điều 4 Nghị định số 70 quy định:
“Đối với các giao dịch dân sự mà pháp luật không có quy định phải tuân theo hình thức nhất định, nhưng giao dịch đó có liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình hoặc giao dịch đó có liên quan đến việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng nhưng đã đưa vào sử dụng chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình, thì việc xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch đó cũng phải có sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng.
.........................................................................................................................
4. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà không có sự đồng ý của một bên, thì bên đó có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật Dân sự và hậu quả pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 146 của Bộ luật Dân sự.”
Theo những quy định nêu trên, việc thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng được giải quyết như sau:
* Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì việc thế chấp tài sản phải có sự thỏa thuận, đồng ý của cả hai vợ chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 219 của Bộ luật dân sự về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Việc thỏa thuận, đồng ý này phải được lập bằng văn bản, nếu tài sản chung có giá trị lớn. Việc xác định tài sản chung có giá trị lớn căn cứ vào phần giá trị của tài sản đó trong khối tài sản chung của vợ chồng.
Hợp đồng thế chấp phải có chữ ký của hai vợ chồng. Trường hợp hợp đồng thế chấp chỉ có chữ ký của một người thì phải có văn bản của người kia xác nhận việc đồng ý thế chấp tài sản đó theo quy định tại Điều 343 của Bộ luật dân sự về hình thức thế chấp tài sản, ví dụ: văn bản đồng ý thế chấp tài sản cho ngân hàng, văn bản ủy quyền ký kết hợp đồng thế chấp ...
Nếu hợp đồng thế chấp chỉ có một bên vợ hoặc chồng ký kết và không có văn bản thể hiện sự đồng ý của người kia đối với việc thế chấp đó thì hợp đồng thế chấp sẽ bị vô hiệu theo quy định tại khoản Điều 4 Nghị định số 70. Ngân hàng không có quyền lợi hợp pháp nào đối với tài sản thế chấp.
* Trường hợp tài sản hình thành từ vốn vay thuộc sở hữu riêng của một bên vợ hoặc chồng, nếu tài sản đã được đưa vào sử dụng chung và hoa lợi, lợi tức phát sinh là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc thế chấp tài sản đó cũng phải được sự đồng ý của hai vợ chồng theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình. Việc ký kết hợp đồng thế chấp được thực hiện như trong trường hợp thế chấp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Tuy nhiên, nếu không có sự đồng ý của người không phải là chủ sở hữu (thể hiện ở việc hợp đồng không có chữ ký của người đó, hoặc không có văn bản đồng ý đối với việc thế chấp tài sản) thì pháp luật không quy định hợp đồng đó bị vô hiệu. Do đó, quyền lợi của tổ chức tín dụng đối với tài sản bảo đảm vẫn được pháp luật bảo vệ.
Ngoài những trường hợp nêu trên, việc thế chấp tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng chỉ cần sự đồng ý của người sở hữu tài sản đó và hợp đồng thế chấp chỉ cần chữ ký của người sở hữu tài sản.
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng
Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng phải được công chứng, chứng thực nếu pháp luật có quy định. Nếu pháp luật không có quy định thì hợp đồng thế chấp được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của các bên tham gia.
Sau khi rà soát các quy định của pháp luật, những hợp đồng bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng sau đây phải được công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
+ Hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất (khoản a điểm 1 Điều 130 Luật Đất đai). Trường hợp thế chấp bằng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thì phải có xác nhận của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Điểm 1.a khoản 10 Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 01 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần).
+ Hợp đồng thế chấp nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn (khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở).
Đối với những hợp đồng bảo đảm bằng tài sản là động sản, pháp luật không có quy định về việc công chứng, chứng thực.
4. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng
a) Tài sản chung là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình kiến trúc khác, cây rừng, cây lâu năm) được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT; Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21/5/2007 hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.
Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp phải có chữ ký của ít nhất một người trong hai vợ chồng với tư cách là bên thế chấp.
b) Tài sản chung là tàu bay, tàu biển
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay được thực hiện theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về đăng ký các quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tầu bay dân dụng.
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển được thực hiện theo quy định của Bộ luật hàng hải, Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển.
c) Tài sản chung là những tài sản khác
Việc đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng là những tài sản khác, ngoài những tài sản nêu tại các điểm a, b và c mục 4 bài này được thực hiện theo quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28 tháng 09 năm 2006 hướng dẫn một số vấn đề về thảm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, Thông tư số 03/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP.
Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm phải có chữ ký của hai vợ chồng, trừ trường hợp một bên ủy quyền cho bên kia yêu cầu đăng ký. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng ủy quyền cho bên kia yêu cầu đăng ký, pháp luật không có quy định việc ủy quyền có phải lập thành văn bản hay không. Tuy nhiên, nếu hai vợ chồng có lập văn bản ủy quyền thì cũng không phải nộp văn bản này đến Trung tâm Đăng ký.
Nếu một trong hai bên vợ hoặc chồng không chịu ký vào đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm và cũng không ủy quyền cho bên kia yêu cầu đăng ký thì tổ chức tín dụng phải nộp văn bản về giao dịch bảo đảm đến Trung tâm Đăng ký. Trong trường hợp này, đơn yêu cầu đăng ký vẫn được coi là hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung giải đáp một số thắc mắc trong việc bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp được nhiều thông tin cần thiết, giúp ích cho các tổ chức tín dụng và những tổ chức, cá nhân khác trong nền kinh tế đang thực hiện hoạt động bảo đảm tiền vay nói chung và hoạt động bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng nói riêng./.
Trần Quang Minh – Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm