Một hay nhiều quốc tịch: Có thể quy định mềm dẻo

13/02/2008
Ngày 15/2, Hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch năm 1998 sẽ được tổ chức tại Bộ Tư pháp. Theo ông Trần Thất- Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, nhiều kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm ăn ở nước ngoài mong muốn được giữ quốc tịch Việt Nam không phải chỉ để giữ quyền công dân, mà quan trọng hơn là họ muốn giữ quốc hồn Việt Nam cho bản thân và cho các thế hệ con cháu. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thất về vấn đề này.

PV: Đến thời điểm này, tiến độ soạn thảo dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi) đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

Ông Trần Thất:  Trước Tết nguyên đán, Ban soạn thảo dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi) đã họp lần thứ nhất. Hiện nay, đề cương dự thảo Luật đã cơ bản hoàn thành. Ngày 15/2 này, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 và lấy ý kiến các đại biểu vào dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi). Như vậy, những công việc cấp bách nhất đã được lên lịch và có kế hoạch thực hiện cụ thể. Theo dự kiến, tháng 3 tới dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi) sẽ được Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ và tháng 4 sẽ được trình sang Uỷ ban Pháp luật của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để thẩm tra.

PV: Trong quá trình soạn thảo dự án Luật này, có  quy định nào còn nhiều ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất được ý kiến không, thưa ông?

Ông Trần Thất: Luật Quốc tịch (sửa đổi) lần này tập trung vào 3 vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là một quốc tịch hay nhiều quốc tịch. Vấn đề thứ hai là thẩm quyền giải quyết các vụ việc phát sinh; vấn đề thứ ba là thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch. Trong 3 vấn đề, đó chúng tôi lường trước việc cho phép một quốc tịch  triệt để hay nhiều quốc tịch sẽ có nhiều ý kiến khác nhau. Lâu nay pháp luật của chúng ta tuyên bố một quốc tịch triệt để, nhưng nguyện vọng của bà con Việt kiều ở nước ngoài rất mong muốn Luật Quốc tịch cho phép nhiều quốc tịch.

Về nguyên tắc, nhà nước có quyền xác định cá nhân nào là công dân của nước mình (theo chủ quyền quốc gia) và ngược lại, cá nhân cũng có quyền nhận, không nhận, thay đổi hay không thay đổi quốc tịch của mình. Luật pháp quốc tế về quốc tịch khuyến cáo các nước giữ nguyên tắc một quốc tịch cho công dân, tuy nhiên, vẫn thừa  nhận công dân của một nước có thể có nhiều quốc tịch nếu không làm phương hại đến lợi ích của quốc gia, của công dân và không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ với các quốc gia khác. Khi có xung đột pháp luật phải đảm bảo cho công dân của nước mình được bảo hộ tối đa về lãnh sự và ngoại giao.

Chính những bất cập trong việc thực hiện nguyên tắc một quốc tịch với tình hình thực tế hiện nay công dân Việt Nam có hai hay nhiều quốc tịch đã dẫn đến những tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ công dân giữa Việt Nam và các nước, trong đó đặc biệt là vấn đề áp dụng pháp luật dân sự ( khi có tranh chấp) hoặc pháp luật hình sự khi công dân Việt Nam có hai quốc tịch vi phạm pháp luật Việt Nam

PV: Để giải quyết những vướng mắc đó, dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi) sẽ quy định nguyên tắc về quốc tịch theo hướng nào?

Ông Trần Thất: Dự thảo Luật đang đề ra 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên tắc một quốc tịch theo một cơ chế mềm dẻo, linh hoạt hơn bằng việc quy định những trường hợp đặc biệt. Trường hợp nhập quốc tịch nước ngoài thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền giữ quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước ngoài nếu được pháp luật nước đó chấp  nhận. Đối với trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam thì công dân nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam không còn giữ quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp đặc biệt vì lợi ích quốc gia (đã được quy định trong Luật Quốc tịch 1998) hoặc mở rộng hơn đối với tất cả các trường hợp các nước cho phép công dân Việt Nam sinh sống ở nước họ được giữ Quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch của nước sở tại theo nguyên tắc có đi có lại. Phương án 2 công nhận hai quốc tịch  như một số nước hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi, phương án quy định một quốc tịch theo cơ chế mềm dẻo sẽ phù hợp với thực  tế của Việt Nam hơn.

PV: Qua nhận định của ông thì kiều bào sẽ phản ứng thế nào trước các quy định mới tại dự thảo Luật Quốc tịch sửa đổi lần này?

Ông Trần Thất: Cuối năm vừa rồi, hơn trăm ngàn kiều bào về quê ăn Tết, qua các nguồn thông tin mà tôi có được thì kiều bào rất mừng khi nghe tin này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Thuý (thực hiện)

Hiện nay, nước ta có khoảng gần 3 triệu người đang sinh sống và làm ăn ở khoảng 80 nước trên thế giới. Đồng bào ra đi với những lý do, hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước. Ông Trần Thất nhấn mạnh: "Trong 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đa phần họ đã và sẽ nhập quốc tịch nước ngoài nhưng ai cũng mong muốn được giữ quốc tịch Việt Nam. Người Việt  Nam dù ở đâu vẫn mong muốn gắn bó với quê hương. Có người còn nói, trong trường hợp luật pháp bắt buộc thì họ buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài,  nhưng họ vẫn giữ "quốc hồn" Việt Nam, ý họ muốn nói là gắn bó với tổ quốc, không bao giờ quên được, dù là thế hệ 1, thế hệ 2, thế hệ 3"

 

Ông Trần Thất- Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp:  Nếu người Việt Nam định cư ở Đức muốn nhập quốc tịch Đức thì họ bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, sau đó mới được nhập quốc tịch Đức, vì Đức là nước theo một quốc tịch triệt để. Trong trường hợp đó, nếu muốn đa quốc tịch cũng không được. Nhưng nếu người Việt Nam định cư ở Pháp, ở Hoa Kỳ thì người ta không bắt buộc phải thôi quốc tịch gốc. Nhà nước Pháp, nhà nước Hoa Kỳ có thể cho người Việt Nam nhập quốc tịch nước họ mà không bắt thôi quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp đó, có thể xảy ra người đó có hai quốc tịch, một là quốc tịch Việt Nam anh ta chưa thôi và một quốc tịch của nước sở tại mà anh ta nhập. Theo tôi, trong trường hợp này không nên bỏ quốc tịch Việt Nam của người đó. Đây gọi là một quốc tịch "mềm dẻo" và thời gian vừa qua chúng tôi đã gặp rất nhiều trong cuộc sống. Đơn giản như một người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, đã nhập quốc tịch Hoa Kỳ rồi, nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam, khi về Việt Nam anh ta xuất trình hộ chiếu Hoa Kỳ và kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam, kết hôn rồi muốn đưa vợ sang Hoa Kỳ. Trong trường hợp đó, nếu như chúng ta không công nhận quốc tịch Hoa Kỳ của anh ta mà nói rằng anh này chưa thôi quốc tịch Việt Nam nên cứ ghi quốc tịch Việt Nam thì không được, bởi vì hộ chiếu anh ta xuất trình là quốc tịch Hoa Kỳ. Mà nếu chúng ta ghi quốc tịch Việt Nam thì khi làm thủ tục xuất cảnh phía Hoa Kỳ sẽ không chấp  nhận. Trong trường hợp đó, vì quyền lợi của công dân (và thực tế là hợp pháp) thì chúng ta vẫn ghi quốc tịch Hoa Kỳ. Nhưng anh ta chưa thôi quốc tịch Việt Nam nên anh ta vẫn có thể yêu cầu công nhận mình là công dân Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp về Việt Nam, nhất là về đầu tư và làm ăn tại Việt Nam đã xin công nhận còn quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp đã làm thủ tục để công nhận nhiều người còn quốc tịch Việt Nam.