Hội thảo: "Công nghệ và tài chính cho các dự án cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam"

22/01/2008
Ngày 21/1/2008, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương tổ chức buổi hội thảo với chủ đề "Công nghệ và tài chính cho các dự án cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam". Tham dự Hội thảo có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp,

Chủ đề của Hội thảo là một trong những nội dung quan trọng phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thực hiện Nghị định thư Kyoto và Cơ chế phát triển sạch(CDM) tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tại Hội thảo, đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giới thiệu tổng quan về tình hình triển khai thực hiện các dự án CDM tại Việt Nam. Theo đó, ở Việt Nam dự án CDM đóng vai trò quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác, đồng thời góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam có tiềm năng tham gia thị trường carbon quốc tế. Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực CDM của Việt Nam với các nước ngày càng được mở rộng, cụ thể Việt Nam đã Ký Bản ghi nhớ với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ký Thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Quản lý nước Cộng hòa Áo… về hỗ trợ và phát triển trong lĩnh vực CDM. Tuy nhiên, việc thực thi các dự án CDM ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn do nhận thức của chủ dự án CDM rất hạn chế, các chủ đầu tư chưa nhận thức được hết những lợi ích đem lại từ CDM, đặc biệt là các chính sách về tài chính, pháp lý của Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể, công nghệ chưa cao.

Với mong muốn giúp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án CDM, các chuyên gia đến từ Vương quốc Anh đã giới thiệu các giải pháp công nghệ và tài chính, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm của Vương quốc Anh và 20 nước Châu á về các dự án CDM từ tái tạo năng lượng nhỏ đến các dự án nhằm cắt giảm lượng khí thải các-bon lớn trong các ngành công nghiệp; các chiến lược trong việc mua bán chứng nhận giảm phát thải (CER) như danh sách thông tin cho người mua, điều kiện và điều khoản mua bán theo luật của Anh…

Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ và tài chính, các chuyên gia của Anh còn giới thiệu cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam một công ty luật quốc tế chuyên hoạt động trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, có thâm niên làm việc tại Châu Á: tập đoàn Norton Rose. Thông qua Hội thảo này, các luật sư của Norton Rose cũng đã trao đổi với các đại biểu về các điều khoản liên quan đến sở hữu nhà máy, sở hữu đất, cầm cố trong hợp đồng mua bán CER, thẩm quyền giải quyết tranh chấp…

Hội thảo "Công nghệ và tài chính cho các dự án cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam" thực sự là cơ hội tốt góp phần thúc đẩy tiến trình thực thi có hiệu quả Nghị định thư Kyoto và Cơ chế phát triển sạch tại Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện tinh thần tích cực, hợp tác và có trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Thu Phương